Nỗi khổ của làn da trong những ngày tết

31/12/2005 15:20 GMT+7

Tết là ngày vui, ngày hội của cả năm nên ai ai cũng muốn mình phải thật đẹp. Các tiệm mỹ phẩm vì vậy mà khách đông nườm nượp. Mỹ phẩm nói chung là những sản phẩm làm sạch, làm thơm, sửa đổi vẻ bên ngoài hoặc khử mùi của thân thể; và không được làm hại sức khỏe con người khi sử dụng trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên trong 1 triệu lần dùng mỹ phẩm cũng có chừng 680 lần bị phản ứng phụ. Theo thống kê của các phòng khám da liễu thì có 10% người mắc bệnh viêm da dị ứng do sử dụng mỹ phẩm "quá liều lượng", dùng sai phương pháp và mục đích.

Triệu chứng dị ứng mỹ phẩm

- Đau rát, ngứa theo từng đợt trong vòng 10 phút, thường mắc phải khi dùng mỹ phẩm trên khuôn mặt.
- Da mặt bị sưng tấy như bị dị ứng thuốc nhuộm.
- Mẩn ngứa. Có thể lúc đầu ít rồi chuyển sang nhiều, thành những ban đỏ, mụn nước. Vùng quanh mắt thường bị hiện tượng này.

- Trên da có vết nám đen hoặc trắng do một số hóa chất để lại dấu vết trên da khi phản ứng với ánh sáng. Một số trường hợp nổi mụn trứng cá.
- Móng tay, móng chân bị tróc, thay đổi màu, viêm nhức do thuốc sơn móng, rửa móng...
- Tóc giòn, gãy, xơ cứng do các loại thuốc nhuộm tóc, uốn tóc... Ngoài ra còn có những tác hại đối với các bộ phận khác của cơ thể, đôi khi để lại di chứng lâu dài.

- Viêm da dị ứng hay bị ở bàn tay hay chân, với tổn thương cục bộ hay lan rộng, không rỉ nước, da đỏ sần và ngứa dữ dội khiến mất ngủ hoặc ảnh hưởng đến công việc. Có nhiều tác nhân kích thích da dẫn đến viêm da dị ứng như: quần áo, xà phòng, nước hoa, mỹ phẩm, đồ trang sức, bụi bặm v.v...

Do vậy khi dùng mỹ phẩm, bạn nên thận trọng. Một số hoạt chất độc hại trong vài loại sản phẩm có thể làm tổn thương da và gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hầu hết các loại mỹ phẩm đều chứa hương liệu. Đó là thủ phạm chính gây viêm da tiếp xúc khi dùng mỹ phẩm. Ngoài ra, hương liệu cũng có thể gây mày đay, rối loạn sắc tố...

3 loại viêm da do mỹ phẩm

1. Viêm da tiếp xúc kích thích: Thủ phạm là các chất kiềm hay axít, chất tẩy rửa, chất bảo quản, chất khử mùi trong mỹ phẩm. Thường gặp ở người có cơ địa nhạy cảm.
Sau khi sử dụng vài phút đến vài giờ, vùng tiếp xúc với mỹ phẩm rát bỏng hoặc ngứa nhẹ, sau đó đỏ lên, phù nề; nặng thì có thể có bóng nước. Da khô và dày sẽ phản ứng ít hơn da mỏng và nhạy cảm.

2. Viêm da tiếp xúc dị ứng: Xuất hiện sau khi dùng mỹ phẩm vài tuần, thậm chí vài năm. Lúc đầu không gây thay đổi nào nhưng khi sử dụng nhiều lần, liên tục thì phản ứng viêm da xuất hiện. Thủ phạm hàng đầu là hương liệu và chất bảo quản hoặc chất PPDA trong thuốc nhuộm tóc. Sau khi sử dụng 24-72 giờ, da ngứa, đỏ, hoặc mụn nước dạng eczema.

3. Viêm da do mẫn cảm với ánh sáng: Xảy ra sau khi người dùng mỹ phẩm tiếp xúc với ánh sáng có bước sóng và cường độ đặc biệt, do các chất có nguồn gốc từ than đá (coal tar) trong thành phần của một số mỹ phẩm. Biểu hiện như bỏng nắng, đỏ da, căng rát, rồi gây sạm da. Vị trí tổn thương thường là các vùng hở có dùng mỹ phẩm như mặt, cổ, tay.

Xử trí khi bị viêm da do mỹ phẩm

- Dừng tất cả các loại mỹ phẩm đang dùng.
- Đến khám chuyên khoa da liễu hoặc dị ứng để kiểm tra và làm test áp da tìm dị nguyên gây dị ứng và hướng dẫn cách điều trị.
- Tránh dùng tất cả mỹ phẩm trong 6-12 tháng. Sau đó dùng mỹ phẩm khác nhưng nên hạn chế.
- Trước khi dùng bất kỳ loại mỹ phẩm nào, nên bôi thử vào mặt trong cẳng tay ngày một lần trong vài tuần, nếu không xảy ra phản ứng gì thì có thể dùng được.

Điều trị viêm da tiếp xúc:
- Tránh tiếp xúc với các chất nghi ngờ gây viêm da.
- Viêm da tiếp xúc gây dị ứng toàn thân, nên dùng corticoid, thuốc chống ngứa, thuốc an thần, và kháng sinh (nếu có nhiễm khuẩn tại chỗ), bôi xanh metylen 1%, dung dịch milian vào vùng da bị trợt, kem hoặc mỡ corticoid vào vùng da đỏ không có mụn nước.

TS Bùi Mạnh Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.