Trần Quí Cáp, nhà thơ yêu nước cách mạng đầu thế kỷ XX

15/11/2005 10:49 GMT+7

Trần Quí Cáp là một trong ba nhân vật kiệt xuất của phong trào Duy Tân (xin đọc thêm bài Chí sĩ Trần Quí Cáp với bản án Mạc tu hữu của cùng tác giả). Ông không chỉ là một nhà lãnh đạo cách mạng lỗi lạc mà còn là một nhà thơ có tài. Thơ văn của ông mang hơi thở của thời đại, là tiếng nói chân thành của một trái tim nồng nàn yêu nước, thể hiện tư tưởng, tình cảm của tầng lớp nho sĩ tiến bộ những năm đầu thế kỷ XX.

Trần Quí Cáp sáng tác nhiều, nhưng sau cuộc thảm sát 1908, thơ văn của ông bị cấm đọc và cấm cất giữ nên đến nay phần lớn đã thất lạc, chỉ còn lại mấy bài phú và một số thơ chữ Hán, chữ Nôm.

Trần Quí Cáp làm thơ, viết văn không phải để thù tạc trong lúc trà dư tửu hậu mà để bày tỏ nỗi lòng của mình trước thời cuộc, chống bọn quan lại tham nhũng và đặc biệt là truyền bá tư tưởng Duy Tân, cổ xuý dân quyền, phục vụ đắc lực cho mục tiêu "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Thơ văn đó gắn liền với cuộc đời của ông.

Trần Quí Cáp chào đời (1) khi lục tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp đã 3 năm và nguy cơ mất trọn lãnh thổ chỉ còn trong gang tấc. Mùa thu năm 1882 mới 12 tuổi, Trần Nghị (2) đã chứng kiến đám uý tế Hoàng Diệu. Thành Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu tuẩn tiết, linh cửu của ông được đưa từ Hà Nội về quê nhà ở làng Xuân Đài, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, ngoài lễ quốc tế của triều đình, các văn nhân và sĩ tử trong tỉnh đều làm lễ truy điệu, dâng hương, điếu bái vị trung thần đã đem thân đền nợ nước. Cảnh tượng này khắc sâu vào tâm khảm của Trần Nghị một dấu ấn khó phai.

Ba năm sau (1885), ngọn cờ Văn thân đã phất phới ở tỉnh nhà và bài hịch cứu quốc được dán khắp các đình chùa, trường học kêu gọi lòng yêu nước cùng sự hy sinh của các sĩ tử:

"Thệ đồng cứu nhi bào trạch, ngô nho địch khái chi hùng phong
Tạm đầu bút nhi nhung hiên, quân tử dụng quyền nhi năng sự.
Nghĩa như năng vãng, Chung Quân do thả thỉnh anh!
Đạo hữu sở hành, Tổ Địch thượng năng kích trấp".

Dịch:

Nghe rằng: Diệt kẻ thù chung.
Tấm lòng quân tử hào hùng từ xưa.
Quân thù xâm lấn cõi bờ
Thì ta ném bút dựng cờ Cần vương
Việc làm đạo nghĩa phải đường
Chung Quân tuổi trẻ vẫn thường xách dây
Tấm lòng báo quốc khôn khuây
Qua sông Tổ Địch ra tay bơi chèo.
(Lam Giang)

"Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh "huống gì những người đã học đạo lý thánh hiền há chẳng biết nhiệm vụ của mình đối với tổ quốc hay sao? "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách", bài hịch kích thích lòng yêu nước của thanh thiếu niên, ca ngợi những tấm gương anh hùng trẻ tuổi như Chung Quân xách dây quyết đi trói giặc, Tổ Địch bơi thuyền qua sông đột kích vào trại quân Hồ đã thúc giục phong trào Cần vương sôi sục khắp hai miền Trung-Bắc.

Lúc bấy giờ, Trần Nghị mới 16 tuổi, chưa thể đầu quân, ông tham gia bằng cách đọc và giảng giải ý nghĩa của bài hịch cho nhân dân trong địa phương mình.

Phong trào Cần vương ở Quảng Nam sau hơn một năm hoạt động, được dân chúng hết lòng ủng hộ, nhưng vì thiếu vũ khí, đành thất bại. Nguyễn Duy Hiệu, người lãnh đạo phong trào cam chịu hy sinh.

Trưởng thành trong hoàn cảnh lịch sử như vậy, Trần Quí Cáp không khỏi đau buồn trước cảnh nước mất nhà tan. Lòng đã buồn thì cảnh chẳng vui nên nhìn ở đâu ông cũng thấy hoang vắng, lẻ loi.

Hải Vân sơn là đệ nhất hùng quan của nước Việt nằm trên đường thiên lý Bắc Nam, núi non trùng điệp, cao ngất từng mây, chạy thẳng ra đến biển, trên có ải Hải Vân là nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam, là bức trường thành thiên nhiên vững chãi che chở cho kinh thành Huế. Người xưa thường ví đường đèo Hải Vân chính là Thục đạo, ải Vân là ải Hàm Cốc của nước ta, sơn thế oai hùng được nhiều người biết đến, núi sông hiểm trở hùng vĩ như vậy thế mà "Chiều qua đèo Hải Vân" (Vãn quá Hải Vân quan) Trần Quí Cáp lại thấy cảnh cô tịch, u buồn.

Sầu nhãn vọng cùng thương hải ngoại,
Nộ quyền huy phá bạch vân đoan.
Cô chu phản trạo hoang thôn mộ,
Quyện điểu đầu lâm cổ mộc hàn.

(Ánh mắt trông mòn làn sóng thẳm,
Thoi tay muốn phá lớp mây mù.
Sóng dồi buồm lẻ thôn hoang tối,
Sương quyến chim nương núi quạnh sầu)

(Lam Giang dịch)
                                                   
Ở đâu cũng có bóng dáng của kẻ thù. Chúng hiện diện ở khắp nơi, trên bộ, dưới sông đều thấp thoáng bóng cờ tam tài của Pháp:

Thuyền lâm nội phụ tam tài sắc.
Xa tẩu trùng quan nhứt lộ thông.

Thuyền vào bến cũ cờ ba sắc.
Xe vượt trùng quan suốt một đường.

(Lam Giang)

Năm 1888, Đà Nẵng bị cắt làm nhượng địa cho thực dân Pháp, trước cái trò cướp đất diễn ra ngay ở tỉnh nhà, làm sao mà Trần Quí Cáp không đau buồn, căm giận.
Thời đó người dân Quảng Nam, Đà Nẵng đã từng uất hận vì:

"Từ ngày Tây lại đất Hàn,
Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bông Miêu"

 
Vét cạn tài nguyên của ta, ngang nhiên cướp đất của ta để làm giàu

"Tam Kỳ, chợ Vạn bao lâu
Ngó lên đường cái thấy lầu của Tây".

Thì Trần Quí Cáp cũng có những vần thơ biểu hiện nỗi xót xa không kém trước cảnh quê hương đã thay chủ đổi ngôi:

Cố quốc sơn hà lân địch lý.
Thuỳ gia lầu các tịch dương trung.

Núi Việt sông Nam gần cõi địch,
Lầu Tây gác đẹp chói tà dương.

(Lam Giang)

Ở Nam kỳ, Nguyễn Đình Chiểu: "Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan,
Ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ" quân Tây, thì tại Quảng Nam Trần quí Cáp cũng vậy, ông biến đau thương thành ý chí diệt thù, thơ văn ông mang tính chiến đấu cao. Trong bài Quá Hải Vân quan, ông quyết phá tan những lớp mây mù của chế độ thực dân phong kiến để người dân được trông thấy trời xanh:

Nộ quyền huy phá bạch vân đoan

(Thoi tay muốn phá lớp mây mù.)
(Lam Giang dịch)

Câu thơ đanh thép bừng bừng nhuệ khí đấu tranh.

Trần Quí Cáp mong muốn dân tộc ta có một người anh hùng lỗi lạc như Đức Trần Hưng Đạo để lập chiến công Bạch Đằng, quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi:

"An năng tái khởi Trần Hưng Đạo.
Cọng vãn Đằng Giang vĩ đại công"
(Đà Nẵng hoài cảm)

(Làm sao gọi Đức Trần Hưng Đạo
Diễn lại Đằng Giang trận khác thường)

(Lam Giang dịch)

Ngay cả những năm còn lận đận chốn trường thi, ông vẫn nêu cao nhiệt tình cứu nước, cứu dân. Bài phú "Hoàn Bích qui Triệu", ông làm trong khoa thi 1898 nói lên quyết tâm sẵn sàng hy sinh vì đất nước đã làm nức lòng kẻ sĩ xa gần.

Trong bài "Nhắn các nhà vọng tộc" ông khẳng định ý chí kiên quyết chống Pháp:

"Nỗi nước mất trời sầu đất thảm,
Đạo làm tôi chi dám chút khuây.
Than ôi! Thế lực quân Tây,
Thù kia biết trả đến ngày nào xong.
...Ta không là chó là trâu,
Tài trai ta cũng mày râu ở đời.
Phá sản nghiệp mua dùi lực sĩ,
Tán gia tài phụng chỉ Cần Vương".

Cho đến khi tìm được hướng đi ở phong trào Duy Tân, tính chiến đấu trong thơ văn của Trần Quí Cáp càng thêm mạnh mẽ. Ông đả kích lối học từ chương, đánh đổ quan lại tham nhũng, vạch trần tội ác của thực dân.

Trần Quí Cáp cũng như các nhà lãnh đạo phong trào Duy tân đều thấy lối học từ chương đã đưa dân tộc vào vòng nô lệ, lạc hậu, nên chủ trương theo tân học mở mang dân trí để tự lập tự cường hầu tiến tới khôi phục giang sơn. Chính vì thế mà ông - người đã thành công vẻ vang trong cái học cử nghiệp - lại hô hào bỏ cái học ấy để theo đuổi tân học một cách nhiệt liệt. Ông chế giễu bọn người chỉ biết chạy theo cái học khoa cử để cầu danh lợi chứ chẳng có chút kiến thức gì:

Cái Văn chương là cái chi chi
Mút ngòi viết vẽ theo cùng vũ trụ.
Những nghĩa, những văn, những thi, những phú,
Những trường thiên, đoản cú,
Những tán, tự, bi, minh...
...Rồi công danh, phú quý dập dìu theo.
Nào xe, nào ngựa, nào võng nào hèo.
Nào áo gấm, xiêm thêu
Nào đai vàng, thẻ bạc...
...Nên sự nghiệp cũng nhờ ba chữ đó.
Tò mò hỏi năm châu lớn nhỏ,
Ủa, việc ngoại dương, tao có biết mô na,
Cũng tai, cũng mắt, cũng người ta!
(Cái học từ chương)

Ông bài xích lối học không thực tiễn:

Kìa văn sách, nọ phú thi,
Ngẫm cho kỹ cái chi là hữu ích,
Ngồi nghe bóng quan trên sức hạch,
Ngoách râu trê mà viết dắt, tráp mang.
Nho sinh thi khoá chật đàng,
Ủa tám kiếp dã man còn giữ thói.
(Tôn chỉ Duy Tân)

Bài phú "Danh sơn lương ngọc" do Trần Quí Cáp và Huỳnh Thúc Kháng sáng tác lúc đi ngang qua trường thi Bình Định nhân kỳ khảo hạch, có nội dung đả kích mạnh mẽ lối học từ chương khoa cử, lên án chế độ ngu dân, bần cùng hoá dân ta của chính quyền bảo hộ và tay sai, tha thiết kêu gọi giới quan lại và nho sĩ hãy mau mau thức tỉnh trước thực trạng đau buồn của đất nước mà từ bỏ giấc mộng khoa danh mê muội đang làm cho nước nhà chìm đắm trong nô lệ tối tăm:

"Tự nhất thời chi thất sách,
Thiệt vạn cổ nhi di ương.
Tục thượng văn chương, sĩ xu khoa mục.
Đại cổ, tiểu cổ, chung nhật ngư ngư,
Ngũ ngôn thất ngôn cùng niên lộc lộc.
Văn sách hy trường quan chi tị tức, Chích khả thị nhi Thuấn khả phi;
Từ phú thập Bắc nhân chi thoá dư, biền vi tứ nhi lệ vi lục,
Nhiễu nhiễu công danh chi bối, Tề thị quặc kim;
Thao thao lợi lộc chi đồ, Sở đình hiến ngọc,
Cái bất duy tư thân gia, thủ lợi lộc,
Vi bách đồ chi trục trục,
Nhi thả khu thiên vạn nhân chi vu duệ thân khâm,
Tận nạp chư sổ thiên trùng chi hắc ám địa ngục”.

(Bởi một thời làm sai chính sách,
Để muôn đời cam chịu tai ương,
Tục chuộng văn chương, sĩ đua khoa mục.
Đại cổ, tiểu cổ, trọn ngày miệt mài,
Ngũ ngôn, thất ngôn, cùng năm gạn gục.
Văn sách lòng hơi chủ khảo, Thuấn, Chích tuỳ ý khen chê;
Từ phú học mót bài Tàu đối đáp câu thơ tứ lục,
Tụi công danh láo nháo, chợ Tề trừng trộ cướp vàng;
Phường lợi lộc lau nhau, sân Sở lom khom dâng ngọc.
Ấy không những riêng thân gia lấy bổng lộc trên đường danh chen chúc;
Mà còn lùa nghìn vạn mũ cao áo dài, đẩy vào mấy nghìn tầng âm ty địa ngục)
(Phan Võ dịch)

Giọng văn biến hoá, linh hoạt: khi hùng hồn sảng khoái:

"Trục Tô Định ư Lĩnh Biểu,
Cầm Mã Nhi ư Phú Lương
Kỳ chỉ nhi Chiêm Thành thất hiểm
Qua huy nhi Chân Lạp khai cương!
Tráng tai ngô quốc, khởi nhượng nhân trường".

(Đuổi Tô Định khỏi đất Lĩnh Biểu,
Bắt Mã Nhi trên sông Phú Lương,
Kéo cờ mà nước Chiêm Thành mất hiểm
Vẫy giáo mà đất Chân Lạp mở mang
Mạnh thay nước Việt! Ai dám xem thường!)
(Phan Võ dịch)

Khi tràn đầy xót xa căm giận:

"Binh hà dĩ cường? Tài hà dĩ túc?
Dân trí hà dĩ khai? Nhân tài hà dĩ dục?
Ta hồ thống tai! Khiên diên dĩ hữu kim nhật nhi khổ nhục dã,
Thuỳ giai chi lệ nhi lưu chi độc dã?
Sự thế chí tư, nhân tình uất uất,
Công ích công sưu, kim nhật minh nhật
Ta bì cốt chi cận tồn,
Tuấn cao chi nhi dĩ tất".

(Quân đội lấy gì hùng cường, tài chính lấy gì sung túc?
Dân trí lấy gì mở mang, nhân tài lấy gì giáo dục?
Than ôi đau xót thay! Dần dà cho đến ngày nay chịu điều khổ nhục
Ai gây nên tai vạ và truyền giống ác độc vậy?
Sự thế đến nay, nhân tình phẫn uất,
Công ích, công sưu nay đòi mai bắt.
Xương da trơ trọi ôi thôi, mỡ nạc vét vơ hết tất.)

(Phan Võ dịch)

Lúc thiết tha:

"Vị nghi thống tâm tật thủ, trượng nghĩa quyên danh,
Thượng tự quan lại, hạ cấp chư sinh,
Đầu bút nhi khởi, quải quan nhi hành.
Tàn suyễn khả diên, tắc phá phẫu trầm châu chi hữu nhật;
Dư sinh hà lạc, túng đồ can phá não dĩ do vinh".

(Bây giờ nên đau lòng xót dạ, theo nghĩa bỏ danh
Trên các quan lại, dưới lớp thư sinh
Quẳng bút dậy thẳng, treo mũ đi lanh
Còn chút hơi tàn, thời đập ấm, đắm thuyền đầy hứa hẹn
Vui gì sống sót, dẫu nát gan, vỡ óc cũng quang vinh.)

(Phan Võ dịch)

Với tài văn chương vô cùng điêu luyện của bậc đại khoa kết hợp với lòng nồng nàn yêu nước, nhiệt tình cứu nước của nhà cách mạng, bài phú đã làm cho các quan lại phải một phen sửng sốt, hãi hùng. Họ chỉ còn biết "một mặt đệ quyển ấy ra triều đình Huế, một mặt cho nã tên Đào Mộng Giác và bắt một số học trò trong tộc Đào thuộc tỉnh Bình Định là tộc của cụ Đào Phan Duân và Đào Tấn để tra hỏi" (3). Còn các thí sinh thì đua nhau chép để chuyền tay như một báu vật. Bài phú có sức truyền bá mạnh mẽ trong dân chúng. Những câu như:

"Trường ca thả khốc, hạ bút san san.
Hựu hà tất "Chí thành thông thánh", "Lương ngọc danh sơn" vi tai!"

(Vừa hát vừa khóc, cầm bút lệ đầy
Lại cần gì "Chí thành thông thánh" "Lương ngọc danh sơn" vậy thay!)

(Phan Võ dịch)

đã từng làm bồi hồi, xúc động biết bao trái tim yêu nước đương thời, gây một tiếng vang lớn. Thật đúng "là một tiếng sét đánh vang lừng cả nước" (Huỳnh Thúc Kháng).

Đối với tầng lớp quan lại, tuỳ theo từng loại mà ông có thái độ thích đáng:
Những người còn có chút liêm sĩ, ông đem đại nghĩa dân tộc ra mà khuyến thiện họ:

Trên địa cầu cũng loại người ta,
Sao người chủ mà ta làm nô lệ?...
...Xin gác tay trán, đêm nằm hỏi bụng
Đồng bào hơn hay dị chủng là hơn?
Sao không nghĩ thấu nguồn cơn...?

(Nhắn quan lại)

Còn đối với những kẻ cam tâm theo giặc, hưởng giàu sang trên xương máu nhân dân thì ông thoá mạ, lên án bằng những lời lẽ đanh thép:

Dân ta nay cực đà như chó,
Sao quan còn võng đỏ ngáng ngà?...
...Dân đồ thán, quốc khuynh nguy.
Độc lạc mỗi ngày ca vũ mãi!
Sách có chữ "xuân lai xuân bất tái"
Nước mất rồi mua lại được không?
...Lại có chữ "Vị thân gia chi cố...
Mút lông mèo một lũ u mê!
Mất rồi ngồi đợi trở về!

(Đánh đổ quan lại tham nhũng)

Lúc bấy giờ, việc đánh đổ quan lại  phong kiến thối nát rất cần vì chính hạng người này là trở lực lớn cho việc phổ biến tư tưởng dân trí, dân quyền nhưng còn một nhiệm vụ quan trọng hơn nữa là truyền bá tư tưởng Duy Tân. Người xưa nói: "Lời nói không có văn chương truyền đi không được xa", chính vì lý do này mà các nhà cách mạng phải dùng đến ngòi bút. Trần Quí Cáp cũng đã sử dụng thơ văn làm vũ khí để tuyên truyền, vận động cách mạng.

Sau khi Nam du về, Trần Qúi Cáp cùng các thân hào trong tỉnh xướng lập hội thương, trường học, ông làm bài Chiêu hồn nước (cũng gọi là bài ca Khuyến học) để hô hào học chữ quốc ngữ:
 
"Chữ quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải đem ra tỉnh trước dân ta".

Gọi chữ quốc ngữ là "hồn trong nước", ông đã vượt qua thành kiến nặng nề của người đương thời cho chữ quốc ngữ là "thứ chữ của Tây, của cố đạo, thứ chữ phản quốc", đưa chữ quốc ngữ lên một vị trí có quan hệ sinh tử đối với vận mệnh đất nước. Không chỉ dạy chữ quốc ngữ cho dân mà còn dùng chữ quốc ngữ dịch các sách u, Mỹ, Trung Hoa ra tiếng Việt để phổ biến kiến thức khoa học, kĩ thuật, triết học, kinh tế hầu mở mang dân trí, ý thức dân quyền, đưa đồng bào tiến bước trên đường Duy Tân, cứu đất nước thoát vòng đô hộ của thực dân Pháp:

"Sách u, Mỹ, sách Chi Na
Chữ kia chữ nọ dịch ra tinh tường.
...Một người học, muôn người đều biết
Trí ta khôn trăm việc phải hay
Lợi quyền đã nắm trong tay
Có cơ tiến hoá, có ngày văn minh.

Lối học khoa cử nặng về từ chương không chú ý đến các vấn đề kinh tế, thương mãi làm cho các nho sĩ chỉ lo vùi đầu vào đống sách cổ xưa làm con mọt sách, xa rời cuộc sống. Bài thơ chỉ ra cách học đúng đắn là phải đề cao các ngành nông, công, cổ (buôn bán), phải "hợp bày" tức là phải lập hiệp hội, lập công ty, mở mang thương nghiệp, nông nghiệp:

"Nông, công, cổ trăm đường cũng thế
Hợp bày nhau thì dễ lo toan"

Trần Quí Cáp hết lòng cổ vũ cho phong trào này. Ông làm bài ca Khuyến thương kêu gọi mọi người góp vốn, góp công, góp trí khôn, góp kinh nghiệm để cùng nhau tạo dựng được những hội buôn có tổ chức, có qui mô lớn hòng cạnh tranh được với người nước ngoài giành lại lợi quyền của dân tộc:

"Bỏ bạc tiền ra đó buôn chung
Người có của kẻ có công
Xúm nhau lại cùng đem lòng thân ái
Hiệp cát bãi, dựng nên non Thái
Hiệp ngàn dòng nên cái biển Đông".

Nông nghiệp cũng phải tổ chức thành những Nông hội để tập trung nhiều năng lực khai khẩn đất hoang, trồng những loại cây có thể xuất khẩu đem lại nguồn lợi vô tận như: hồ tiêu, quế, chè v.v... Những ngày tháng sống gần gũi với thiên nhiên ở nông trường Cẩm Nê đã tạo nguồn cảm hứng cho Trần Quí Cáp sáng tác bài Khuyến nông. Bài thơ được viết bằng những cảm xúc chân thành, những chi tiết cụ thể, chân thực về cuộc sống nông tang, thể hiện những hiểu biết rất phong phú về nông nghiệp:

Xuân rồi hạ, hạ rồi thu
Mía đương tơ, dâu đứng trái, lúa con gái, bắp chân chàn.
Lấy ba giá nhuốm chơi màu thanh tú.

Những hình ảnh mía đương tơ, dâu đứng trái, lúa con gái, bắp chân chàn không chỉ miêu tả vẻ đẹp xanh tươi, mơn mởn, tràn đầy sức sống của các cây ở vào thời điểm giá trị nhất - thời điểm đơm hoa kết trái - mà còn chứng tỏ những am hiểu tường tận của ông nghè vốn xuất thân từ một gia đình thuần nông. Những câu thơ:

Hoách chân dựa lấy chuôi cày
Vỗ tay hát khúc Nam sơn, ừ cũng thú!
Nói chi nữa đến ngày hoa vụ,
Gà lộn cu quay, xôi vò, rượu hũ
Vui cùng nhau ăn cơm mới, nói chuyện xưa!

Cho thấy tâm hồn thảnh thơi, sảng khoái của người nông dân sau một buổi cày bừa, nghĩ đến cuộc sống sung túc ở những ngày mùa sắp tới mà lòng rộn lên niềm vui vẻ, hân hoan.

Nếu Nguyễn Khuyến được mệnh danh là nhà thơ của nông thôn thì với bài thơ này Trần Quí Cáp cũng không kém gì nhà thơ Yên Đỗ. Có điều dưới ngòi bút của Nguyễn Khuyến cuộc sống ở nông thôn dường như lúc nào cũng khó khăn, túng thiếu, cảnh vật man mác một nỗi buồn, với những con người an phận thủ thường:

Sớm trưa dưa muối cho qua bữa
Chợ búa trầu cau chẳng dám mua.
(Chốn quê - Nguyễn Khuyến)

mà vẫn không được thảnh thơi vì những lo toan mất mùa, lụt lội, đói kém thường xuyên ám ảnh họ:

Năm nay cày cấy vẫn chân thua.
Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa
Phần thuế quan thu, phần trả nợ
Nủa công đứa ở, nửa thuê bò.

(Chốn quê - Nguyễn Khuyến)

Và:  
Quai mễ Thanh Liêm đã lỡ rôi
Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi.
(Nước lụt Hà Nam - Nguyễn Khuyến)

Còn bài thơ Khuyến nông của Trần Quí Cáp tràn đầy niềm phấn khởi hân hoan của một nhà doanh điền, một chí sĩ cách mạng đang ôm ấp một hoài bão lớn lao. Bài thơ có tác dụng động viên, khuyến khích, thúc giục nhiều người hăng hái tham gia phong trào khai khẩn đất hoang, xây dựng nông trường, làm giàu cho đất nước. Cụ thể như cụ Tú Lâm Hữu Mẫn, người sáng lập ra trường Cẩm Toại (nay là trường An Phước thuộc xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang), hưởng ứng lời kêu gọi đã giao trường lại cho con trai là ông nghè Lâm Quang Tự thay cha điều hành trường còn ông dẫn thanh niên trong tổng lên vùng Đồng Xanh-Đồng Nghệ (nay thuộc xã Hoà Khương huyện Hoà Vang) lập doanh điền. Các nông hội Tháp Mỹ Sơn ở Duy Xuyên, Bửu Sơn ở Đại Lộc cũng ra đời từ phong trào này.

Thơ văn Trần Quí Cáp chứa chan lòng yêu nước, sôi nổi nhiệt tình cách mạng, tràn đầy tinh thần lạc quan, tin tưởng. Nội dung đó được thể hiện bằng một hình thức nghệ thuật phong phú, điêu luyện, rất được quần chúng đương thời yêu thích, có tác dụng giáo dục cao. Tiếc rằng thơ văn của một lãnh tụ xuất sắc đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng văn hoá-xã hội, duy tân đất nước, ngày nay dần dần bị quên lãng vì nó không được đưa vào chương trình học chính thức để giáo dục cho thế hệ trẻ. Học sinh đã được học thơ văn Trần Tế Xương để thấy được bức tranh đen tối về xã hội thực dân nửa phong kiến buổi đầu, học thơ văn Nguyễn Khuyến để nhìn rõ nông thôn Việt Nam nghèo khổ vào cuối thế kỷ XIX, để cảm thông với tâm trạng đau xót của một lớp nhà nho yêu nước mà bất lực trước thời cuộc, thiết tưởng cũng nên được học thơ văn Trần Quí Cáp để thấy được mô hình đổi mới của xã hội Việt Nam dưới cái nhìn tràn đầy lạc quan, tin tưởng của một nhà nho yêu nước cách mạng những năm đầu thế kỷ XX.

Châu Yến Loan

Chú thích:
(1) Lục tỉnh Nam Kỳ bị Pháp chiếm năm 1867. Trần Quí Cáp sinh năm 1870
(2)Trần Quí Cáp thuở nhỏ tên là Trần Nghị
(3)Tiểu sử TQC, tr 11. Dẫn theo Nguyễn văn Xuân, Phong trào Duy Tân,tr 104

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.