Chó sói về Quỳnh Nhai (Sơn La)

17/11/2005 15:51 GMT+7

Tùng là bạn học hồi phổ thông của tôi ở phố thị Sơn Tây. 4 năm nay, hắn tham gia mở đường vào huyện cụt lối xa xôi của huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Tình cờ gặp nhau ở cái huyện lỵ hắt hiu nghèo nằm chờ ngập nước ấy, mắt Tùng sáng rực hiến cho tôi một đề tài mà tự hắn bảo rằng "đứng ở góc độ báo chí thì rất hay": Chó sói về, cả một đàn chó sói ăn thịt cả một đàn bò!

Tôi vượt núi vào bản Hé tìm chó sói theo lời chỉ dẫn của anh Cầm Ngọc Minh - Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai. Sự thật còn hơn cả lời đồn: Hơn ba chục con bò đã bị chó sói moi ruột đánh chén; 11 con chó sói đã bị giết, bị thui rơm xẻ thịt ngay tại sân kho của bản!

Cả bản ăn thịt chó sói

Nhất - một cán bộ tuyên giáo huyện - đưa tôi vào bản Bo, xã Mường Chiên. Sự kiện sốt dẻo pha chút hốt hoảng vừa mới diễn ra: Một con bò nhà anh Lò Văn Phúng bị chó sói ăn thịt. Vẫn theo lối tấn công cũ: Đàn chó sói đã quật ngã rồi xé đít con bò lôi bộ lòng nóng sốt ra đánh chén trước.

Trên một đỉnh núi vòi vọi, trong lều nương của một nhóm thanh niên bản Bo, anh Phính - người vừa cầm vũ khí theo anh Phúng đi cướp xác con bò cái về - kể: "Đàn sói này chắc không đông lắm, vì chúng mới chỉ ăn hết bộ lòng và một bên đùi con bò. Chứ đàn nào độ hơn chục con thì nó ăn loáng cái hết 3 con bò".

Chuyện về chó sói nổ ran: Có người còn bảo chó sói có nước đái rất độc. Nó cứ đái vào lá cây rừng, con trâu, con bò đi qua chớp mắt dính một tẹo là mù mắt, chúng xông ra chén thịt tươi! Cô nữ cán bộ tuyên giáo sợ xanh mắt, hỏi: Chó sói ăn thịt người thì làm sao?

Trong khi đám thợ săn tiếc rẻ chưa tóm được đàn chó sói thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng Mường Chiên, thì tại nhà ông Lò Văn Niện - Bí thư Chi bộ bản Hé, câu chuyện về 11 con chó sói bị thui rơm lại được các lực điền tường thuật đầy tự hào. Mấy chục năm làm công an, trong đó có ngót chục năm làm Trưởng Công an Quỳnh Nhai, nên công tác tư liệu của ông Niện cực tốt.

Vợ ông Niện đem ra một chai nhựa đựng tiết chó sói khoe với khách. Hôm nay, trai tráng - thợ săn trong bản vừa đi rừng về, họ đi chặt cây gỗ sâng thật lớn để chuẩn bị cho gia đình bí thư bản dựng nhà mới tít ngoài nơi ở mới trong cuộc di dân tái định cư xây dựng thủy điện Sơn La. Nhà cửa, ao vườn, rừng rú chỗ này sẽ để lại cho lòng hồ mênh mông. Cùng kể chuyện, ngoài ông Niện, có cả toán thợ săn trực tiếp nổ súng giết một lúc chết 7 con chó sói, gồm các anh Điêu Chính Huyến, Điêu Chính Huân, Lò Văn Văn...

Lúc đầu, câu chuyện của họ có vẻ dè dặt, bởi họ biết, bắn và ăn thịt chó sói là không đúng pháp luật. Như chính lời ông Niện - người từng nhiều năm tham gia "cầm cán cân công lý": Bản Hé có 320 khẩu, có 110 con trâu bò, chủ yếu là thả bán hoang dã quanh các lều nương trong rừng. Đàn chó sói mà chúng tôi săn được một số hôm ấy, chúng đã ăn mất mấy chục triệu tiền thịt bò của bản chúng tôi.

Hôm ấy, quá uất ức với bọn chó sói liên tục bắt mất bò của bản (có ngày chúng ăn thịt liền 5 con), bà con đã tập hợp nhau lại, xách khoảng ba chục khẩu súng tự chế tổ chức săn chó sói (mới đây, số súng này đã được bà con giao nộp cho công an cả rồi). Đó là một cuộc đi săn quy mô chưa từng thấy. Các thợ săn lão luyện đã kỳ công tìm được một con đường độc đạo với rừng rậm và hai bên vách đá cao 7-8m để bố trí mai phục. Đi ròng rã đến gần trưa thì tới khu rừng bị chó sói hoành hành. 4 con bò đang bị đàn sói móc mông ăn "rôm rả". Đúng là một bãi chiến trường nhuộm máu (theo đúng nghĩa đen). Đàn sói nhận ra hơi người liền tru lên, bỏ chạy.

Truyền lệnh: Tiền quân đổi làm hậu quân: Những người cầm dao, gậy, chiêng, trống tiến lên gây tiếng ồn phô trương thanh thế. Người cầm súng phục kích ở bên kia hẻm núi có giao thông hào vách cao 7-8m. Đàn chó sói bị lùa vào độc đạo. Từ trong bụi rậm đón lõng, súng kíp nổ vang rền. Đạn ghém bắn theo đường ria, một tiếng nổ vãi ra cả bát loa đạn. Bắn trượt thì cũng thành bắn trúng! 7 con chó sói chết ngay tại chỗ.

Những con sói hùng dũng có tài "khinh công", biết giả tiếng người lừa bắt trẻ em, biết nuôi cô bé quàng khăn đỏ, những con sói đi vào huyền thoại ấy nay đi vào giàn hỏa thiêu rơm rạ ở bản Hé rất thảm thương. Lông loài chó dữ ấy dày, màu hung hung đỏ pha vàng. Con nặng nhất 30kg, con nhẹ nhất 8kg (chắc đó là một chú sói con). Rơm thui chó sói bốc ngùn ngụt ở sân kho. Bản vui như ngày hội.

Họ vừa ăn vừa bàn luận. Thịt chó sói tanh quá, mà lại nhạt thịt - tóm lại là không bằng chó dé ở quê mình. Mà cái răng con này sắc thật. Thì thịt con trâu nái nhà ông Niện, dao đi rừng cắt không đứt, thế mà chó sói nó xé tan tành. Trời ơi, cái dạ dày con chó sói cái: Trong đó từng tảng thịt bò còn đỏ au, mỗi tảng to bằng vốc tay.

Anh Thắng - công an huyện - cũng vào kiểm tra. Bà Viên - chủ quán hàng thịt rừng có tiếng ngoài huyện lỵ - cũng nghe thơm hương rơm chả tìm vào tận nơi đòi mua vài cân thịt chó sói về ăn thử. Nhưng bản đã quyết không bán. Hôm sau, bản lại bắn được 2 con sói nữa. Hôm sau nữa, bản bên, người ta dùng bẫy được thêm 2 con. "Thế là 11 thằng chó sói bị giết. Dạo này nó về bản Bo, không thấy nó về bản Hé, chắc nó hãi!" - anh Điêu Chính Huyến hào hứng.

Bài toán bảo tồn chó sói

Cho đến giờ phút này, hình như chưa có ai để mắt đến những câu chuyện về đàn chó sói ở Quỳnh Nhai. Lãnh đạo huyện, lãnh đạo Hạt kiểm lâm trao đổi với chúng tôi, đều cho rằng chó sói về một số bản làng bắt bò là sự thực. Tại bản Púm, xã Pha Khinh, thậm chí bà con còn nhìn thấy cả đàn chó sói đi lại trên núi cao. Liên tục trong mấy năm qua, đàn bò của bà con bị chó sói moi lòng, xé xác đánh chén.

Ông Lò Văn Định - người Thái, Phó trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳnh Nhai - là người sát những thông tin về đàn chó sói về bắt bò của dân hơn cả. Ông cho rằng cần vận động bà con từ bỏ dần thói quen chăn thả trâu bò bán hoang dã trong rừng sâu, để vừa bảo tồn loài chó sói, vừa tránh được "nanh trắng" của loài vật hung dữ.

Giữa bối cảnh ấy, tiếc thay, cũng chưa một ai nghiên cứu tường tận loài vật hung dữ họ chó kia là chó sói hay con gì? Nhưng, qua tham khảo các nguồn tư liệu, ý kiến, chúng tôi phỏng đoán: Phải chăng những con vật họ chó bị giết ở bản Hé là loài sói đỏ?

Bởi theo các chuyên gia, ở Việt Nam có hai loài chó sói chính, đó là: Sói đỏ (tên khoa học: Cuon Alpinus); với đặc điểm: Dài thân, mõm ngắn. Tai tròn, vểnh. Bộ lông màu da hoẵng (vàng đỏ). Gốc đuôi thắt nhỏ, xù ở phần cuối. Chúng sống từng đôi hoặc nhập đàn 5-7 con, khi đi săn có thể "bài binh bố trận" thành đàn 10-15 con. Chúng sinh sản hầu như quanh năm, mỗi lứa đẻ 4-6 con, có thể tới 10-11 con. Theo các tài liệu, vùng Sơn La mà bài viết này đang đề cập có sự phân bố của sói đỏ. Loài thứ hai là sói xám, tên khoa học là Canis Aurreus Linnaeus; chỉ mới phát hiện ở vùng rừng khộp Đắk Lắk.

Một vấn đề cấp thiết đặt ra: Nếu đàn chó vẫn quẩn quanh bắt bò của dân bản kia là chó sói, thì ngoài việc hung dữ phá phách ra, nó còn là nguồn gene quý, là niềm tự hào của những cánh rừng nguyên sinh ở Quỳnh Nhai, chúng ta sẽ bảo tồn loài chó sói này ra sao? Theo nhiều người ở Quỳnh Nhai phỏng đoán, có thể tình trạng phá rừng ở bên kia dãy Huổi Luông, bên các huyện Tủa Chùa, Sìn Hồ (Lai Châu), Than Uyên (Lào Cai) quá nhiều, đàn chó sói mấy năm nay đã tràn sang tàn phá bên Quỳnh Nhai.

Nay mai, cả vùng rừng mênh mông của Quỳnh Nhai sẽ ngập trong lòng hồ thủy điện Sơn La, không biết đàn chó sói sẽ đi về đâu? Những ngày này, đang là mùa chó sói về bắt bò của dân, mong các nhà khoa học sớm vào cuộc nghiên cứu, bảo tồn - trước khi quá muộn!

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.