Thời trang... vỉa hè

22/11/2009 10:10 GMT+7

(TNTT>) Vỉa hè từ lâu đã trở thành địa chỉ mua sắm yêu thích của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các nữ sinh, nhân viên văn phòng. Tuy thói quen này giúp chị em thỏa mãn được thú nghiền shopping nhưng cũng tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ…

Chợ đêm Kỳ Hòa không còn, nhưng thú vui mua sắm vào các buổi tối của chị em không vì thế mà “giảm nhiệt”. Vỉa hè trở thành thiên đường thời trang, thiên đường đồ cũ, có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại với những thượng đế có ngân sách hạn hẹp.

Từ khoảng 6 giờ chiều, trên “con đường thời trang” Nguyễn Trãi (kéo dài từ Q.1 đến Q.5, TP.HCM) bắt đầu la liệt những quầy hàng bán quần áo, túi xách, giày dép, gấu bông, mũ bảo hiểm, phụ kiện thời trang… Cũng trong thời điểm này, hàng loạt các con đường khác như Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q. Bình Thạnh), Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn công viên Tao Đàn, Q.1), Nguyễn Văn Cừ (Q.1), Cách Mạng Tháng Tám (Q.1, Q.10)… cũng tấp nập không kém. Ngoài ra, trên một số đoạn đường gần các chợ lớn như chợ Bà Chiểu, đường Phan Bội Châu gần chợ Bến Thành… việc mua bán cũng rất náo động. Mặt hàng chủ lực của chợ vỉa hè là các loại quần áo thời trang, trong đó nhiều nhất là quần áo dành cho chị em. Đủ cả từ áo phông, áo kiểu các loại cho đến quần jeans, quần short, đầm, đồ ngủ, đồ phụ tùng. Tại đây, các model thời trang mới được cập nhật rất nhanh chóng, thỏa mãn nhanh nhu cầu chạy theo thị hiếu của chị em phụ nữ. Ngoài ra, chợ vỉa hè còn có khá nhiều các loại giày dép, túi xách… được bán với giá khá “mềm” nhưng mỗi nơi trả giá một kiểu, người mua phải “liệu cơm gắp mắm”. Những sạp bán hàng đồng giá như áo thun khoảng 30.000đ, quần short nam 40.000đ, quần jeans 80.000đ/quần nữ, 100.000đ/quần nam “miễn trả giá”… thường được khách mua ưa chuộng hơn những hàng tính tiền theo từng sản phẩm, cho trả giá thoải mái. Vì việc trả giá không phải là việc dễ dàng với nhiều người.

Theo nhiều chị em, mua quần áo ở chợ vỉa hè luôn khiến người mua tốn khá nhiều… sức lực. Có rất nhiều sạp hàng bán theo kiểu đổ đống, nên để tìm được một món đồ ưng ý thì người mua chỉ có cách… lục tung lên để chọn. Với những người đi mua sắm bằng xe gắn máy thì việc phải dắt xe lên xuống vỉa hè để yên tâm chọn hàng cũng khá mất sức. Đặc biệt là việc dắt xe chạy… đội trật tự đường phố. Ngoài lợi thế giá rẻ, shopping kiểu này còn rất có “không khí”, náo nhiệt và… thấp thỏm.

Tuy nhiên, mua hàng vỉa hè tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ “tiền thật mua của giả” cho các thượng đế. Hàng hóa ở đây không có xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, chủ yếu là hàng gia công, không có bảo hành. Hơn nữa, việc mua bán thường diễn ra theo kiểu ước lượng, người mua không có cơ hội thử sản phẩm, cũng ít có cơ hội đổi, trả sản phẩm đã mua… Kinh nghiệm khi mua hàng loại này, người mua nên nắm rõ size quần áo của mình, để tránh trường hợp mua hàng không vừa. Đồng thời, khi mua hàng nên kiểm tra kỹ các chi tiết trang trí, các đường may để tránh mua phải hàng lỗi.

Ngoài những vỉa hè đêm chuyên bán các mặt hàng thời trang, ở Sài Gòn còn có một số vỉa hè ban ngày, bày bán các loại thời trang second- hand, như đường Lê Thị Hồng Gấm, Phó Đức Chính (Q.1), chợ Bà Chiểu, đường Hồ Xuân Hương, Trương Định... Các mặt hàng ở đây cũng rất phong phú từ quần áo cũ, giày dép cũ, thậm chí cả túi xách cũ… với giá thành khá rẻ, khoảng 30.000-100.000đ/ sản phẩm. Nếu chịu khó tìm kiếm và gặp may, người mua vẫn có thể rinh được những món hàng “độc”, hàng có thương hiệu. Đặc điểm chung là những quần áo ở đây thường có size khá to và thường không có nhiều size để lựa chọn. Vì vậy, người tiêu dùng phải tốn khá nhiều công sức và phải có chút may mắn mới có thể lựa chọn được những món hàng vừa ý.

Minh Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.