"Mùa lụt không… đánh lộn!"

20/11/2008 10:42 GMT+7

(TNO) Vùng B huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam gồm 7 xã được bao bọc bởi hai dòng sông Vu Gia và Thu Bồn. Mỗi mùa lũ lụt, bao người lại ngóng về bên kia huyện, hỏi nhau: "Nước ngập Quảng Đợi chưa? Xóm Bàu Thanh Vân răng rồi? Làng Mỹ Phiếm có liên lạc được không?"...

Chúng tôi trở lại vùng B Đại Lộc khi nước lũ mấp mé bờ sông. Nhưng mùa lụt đâu chỉ có những lo âu. Hàng chục ngôi nhà có gác tránh lũ được xây từ những tấm lòng thơm thảo. Những con đường bê-tông liên thôn bắt đầu “nói không với lầy lội”. Đời sống bà con vùng B đã nhiều thay đổi, khá hơn trước. Cầu Quảng Huế, kè mới Đại Cường khá vững chãi trước khi lụt đến.

Trong thiên tai, người dân vùng B càng gắn bó nhau hơn. Mới đây, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân liên tục được tổ chức, từ Đại Thạnh xuống tới Đại Cường, từ làng Phúc Mỹ đến làng Mỹ Hảo. Hòa vào ngày hội của làng Phúc Khương, Gia Lộc, Ô Gia Nam, Quảng Đợi, chúng tôi thật sự vui trước hàng trăm khuôn mặt chan hòa, thân ái. Dưới dòng Vu Gia, từng tốp tráng niên thi nhau đua ghe. Trên bờ, thanh niên thi đấu bóng chuyền, kéo co. Chị em phụ nữ chơi trò “bịt mắt bắt vịt”, thi nấu món ngon đãi khách. Tối xuống, bà con không phân biệt trẻ già bên nhau đàn hát, tham gia hội thi tìm hiểu pháp luật, hò khoan hố hợi…

Bí thư xã Đại Cường Nguyễn Hữu Thường nói: “Bà con nói đây là Ngày không đánh lộn. Chúng tôi cố nhân ra thành Mùa lụt không đánh lộn”. Cụ Phạm Tấn Minh, một trong tám người vừa được một nhóm văn nghệ sĩ và nhà báo ở Đà Nẵng vận động đóng góp xây căn nhà chạy lũ, giảng giải thêm: “Cũng phải thôi, thiên tai bão lụt, con người phải dựa vào nhau, nếu cãi lộn đánh lộn, lỡ có chuyện không may, ai giúp mình? Bản tính dân Quảng nói chung, người vùng B Đại Lộc nói riêng rất mạnh mẽ, thẳng thắn, “ăn cục nói hòn” nên dễ… cãi nhau; nhưng từ cãi tới… đánh là một khoảng rất xa, gần như không có. Họ cãi đó, bỏ đó, không ghim guốc nên rất khó… đánh nhau”.

Những ngày này, không chỉ người sống ở Đà Nẵng, Tam Kỳ xao xuyến bởi vùng B bị ngập lụt mà những người con của Đại Lộc đang định cư nhiều nơi trong và ngoài nước cũng luôn ngóng về. Ở Mỹ, Úc, Pháp… bạn trẻ gốc Việt lên mạng để xem bản đồ Google Earth in rõ sơ đồ 7 xã vùng B gồm Đại Cường, Đại Minh, Đại Thắng, Đại Phong, Đại Tân, Đại Chánh và Đại Thạnh. Gần hơn, ở Sài Gòn thì người ta điện thoại, hỏi thăm tình hình lũ lụt, nhắn người thân ở Đà Nẵng chuẩn bị áo ấm, mì tôm, cá hộp mang về tiếp tế vùng B...
Anh Tô Bổng, trưởng thôn 8 Làng văn hóa Phúc Khương cho biết thêm: “Để ngày Đại đoàn kết vui vẻ mọi nhà, chúng tôi tổ chức nhiều cuộc thi cho từng giới như phụ nữ bắt lươn bỏ vô cổ chai, học sinh thi đố vui, đi cà kheo, thanh niên trai tráng thi thể thao dưới nước trên bờ, các cụ thi cờ tướng, cờ người. Tổng kết, tổ nào cũng mổ heo, làm gà làm vịt. Cả làng cả xóm đông vui. Năm nay, ba làng Phúc Khương, Ô Gia Nam, Gia Lộc được xã biểu dương; Quảng Đợi được huyện khen do có lồng ghép chương trình tuyên truyền pháp luật vào ngày hội. Ngày vui, cũng có uống chút rượu cho giãn gân giãn cốt nhưng tuyệt nhiên không có ai cự cãi, đánh nhau. Bởi rứa, công an xã đội khỏe re…”.
 
Ông Nguyễn Văn Đờn, trên 65 tuổi, nhà bên cầu Quảng Huế, thường xuyên chạy lụt, không giấu được niềm vui trong những ngày này. Ông chỉ than một điều: “Hội chỉ một ngày ít quá! Bà con muốn vui chơi cả tuần, kêu là Tuần không đánh lộn, kéo khách du lịch khắp nơi về dự cho vui”.

Ý tưởng của ông tương tự mấy anh lãnh đạo vùng B từng nói với chúng tôi. Vùng B có thế núi thế sông tuyệt đẹp, từng được Dương Văn An ghi trong sách Ô châu cận lục. Ở đó có đất Trang Điền cha ông luyện quân thuở trước, có di tích bà Phường Chào Mỹ Phiếm, có ông Tú Quỳ làm thơ nổi tiếng. Gần đây có làng Mỹ Hảo chuyên săn tìm trầm kỳ, có món mì Quảng siêu sạch, gà ta Gia Cốc, nghé trâu Đại Phong, cá sông Vu Gia thịt tươi roi rói, đu đủ cao sản, ớt tươi xuất khẩu ra nước ngoài…

 

Chủ tịch UBND xã Đại Cường Lê Đức Cơ hát trong Ngày hội không… đánh lộn

Thiên nhiên vùng B Đại Lộc gần như chưa bị tác động bao nhiêu. Vậy sao không làm loại hình du lịch… không đánh lộn (?!). Thật thú vị, khi giới làm du lịch tỏ ra thích thú với chủ đề này. Anh Trần Trà, giám đốc một công ty du lịch ở Đà Nẵng nói: “Nếu được vậy, anh em du lịch sẽ tư vấn giúp vùng B, củng cố, tăng cường nhiều trò chơi dân gian cho bà con và du khách. Lạ, mới, đẹp, vui… chắc sẽ thành công”.

Chiều 19.11.2008, chúng tôi điện báo tin này cho Đại Cường, lại nhận được tin nóng từ anh Tô Bổng: “Trên nguồn mưa suốt, tối nay chắc nước sông Vu Gia tràn bờ. Mấy chục cụ già đang được đưa vô Ô Gia tránh lụt. Thanh niên, ghe thuyền ở 9 thôn đều đã sẵn sàng ứng cứu. Ba thôn dọc sông Vu Gia đã chuẩn bị pin, đèn, dầu, bếp gas, gạo mì trên gác…”.

Bí thư xã Nguyễn Hữu Thường nhắc chuyện cảm động khi mấy mùa lụt trước, nhiều nhà hảo tâm dù chẳng có “bà con quen biết” gì với vùng đất này nhưng cứ ngay sau khi nước rút, liền mang hàng tỉ đồng tiền, hàng về giúp đồng bào nơi đây. Năm nay, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi phấn đấu hạn chế thấp nhất những thiệt hại. Các phương án phòng tránh đã được triển khai từ ngày hội Đại đoàn kết. Bà con ai cũng nhất trí đồng lòng, quyết mùa lụt ni không để chết một người!”.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.