Vui, buồn của những "thầy nghề"

18/11/2005 21:41 GMT+7

Họ là những người thầy đặc biệt bởi không chỉ dạy cho học trò kiến thức mà quan trọng hơn là họ còn cho học trò mình "đôi tay vàng" để lập nghiệp. Vừa qua, hơn 100 giáo viên dạy nghề tiêu biểu trên cả nước đã về thủ đô Hà Nội nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi, trong đó có 3 gương mặt tiêu biểu.

30 năm chống nạng đứng trên bục giảng

Bị bại liệt từ năm lên 4 tuổi, cánh cửa cuộc đời tưởng như khép lại với cậu bé Đồng Tấn Lập. Nhưng không! Bằng nỗ lực của chính bản thân, Lập đã sang Mỹ theo chương trình học bổng dành cho người tàn tật và vào học tại một trường dạy nghề điện lạnh. "Đó là một nghề cực nhọc nhưng tôi vẫn thích vì tôi nghĩ không sớm thì muộn nước mình sẽ giàu có, nhà nhà có máy lạnh, tủ lạnh và có máy thì sẽ hỏng, mà hỏng thì phải sửa, thế là tôi quyết học. Hồi đầu, các thầy ở Mỹ không muốn cho tôi học, họ ngại chân cẳng tôi quặt quẹo, định nói tôi học nghề khác. Nhưng sau vài tuần, thấy tôi cố gắng và được việc, một ông thầy bảo: Thôi, hỏng mất chân nhưng còn cái đầu, anh cố học rồi về dạy lại những học trò của anh".

Về nước với tấm bằng kỹ sư điện lạnh, ông đi dạy ở rất nhiều nơi. Năm 2001, ông Lập trở thành giáo viên của Trường công nhân kỹ thuật TP.HCM. Gần 30 năm đứng trên bục giảng với đôi nạng, học trò cảm phục người thầy tàn tật, càng thêm phấn đấu học tập. Ông bảo: "Tôi rất hạnh phúc vì nhiều học trò thấy tôi vầy mà còn làm nghề được thì không lý gì chúng còn trẻ, còn khỏe lại chịu thua. hạnh phúc lớn nhất của mình là được học trò trọng".

Bước từng bước khó nhọc trên bậc tam cấp lên nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi dành cho những giáo viên dạy nghề xuất sắc, mồ hôi rịn trên trán nhưng ông vẫn nở nụ cười thật tươi: "Đây là món quà lớn nhất mà học trò đã tặng tôi".

Người xứ cao nguyên học nghề điện


Thầy Ysoan Mlô

Ysoan Mlô nổi bật giữa hội trường với bộ quần áo của dân tộc Êđê. Với 26 năm trên bục giảng, anh đã dạy cho hàng ngàn con em dân tộc Êđê, Bana... nơi cao nguyên nắng gió. Tại Trường công nhân kỹ thuật cơ điện Đắk Lắk nơi anh giảng dạy, học trò hầu hết là những con em dân tộc và bài giảng của anh bằng cả tiếng phổ thông lẫn tiếng Êđê. Tại khu nội trú của trường, tối tối người ta lại thấy Ysoan Mlô cặm cụi xuống các phòng của học sinh để kèm cho từng em.

Vì là con em dân tộc, học phí đã được miễn nhưng rất nhiều em vẫn bỏ học giữa chừng, vì thế thầy Mlô phải vừa dạy vừa dỗ các em đi học, chỉ bảo cho các em tay nghề thật vững để các em không bỏ trường về với bản. Ysoan Mlô tâm sự: "Cái mình lo nhất trong bụng là mình có thể truyền nghề cho các em nhưng nhiều em có nghề vẫn không xin được việc bởi lẽ tỉnh mình nghèo, cơ sở nhận công nhân kỹ thuật điện ít lắm. Khi nào cứ 10 đứa học xong ít nhất 6 đứa có việc làm là mình thấy vui cái bụng rồi!".

"Thổ cẩm không bao giờ mất"

Tại Trường dạy nghề tiểu thủ công nghiệp Nghệ An, cô giáo Phạm Thị Nguyệt có lẽ là một trong những người gắn bó với nghề may lâu năm nhất. Cả thời xuân sắc cô đã gắn


Cô Phạm Thị Nguyệt
bó với mũi kim đan và bàn máy để dạy cho những đứa trẻ nghèo cái nghề dệt thổ cẩm. Thỉnh thoảng, cô lại lặn lội vào Quế Phong, cách TP Vinh tới 200 km, rồi lại cuốc bộ 20 km để vào xã Châu Thôn dạy cho đồng bào Thái ở đây cách dệt thổ cẩm. Cô cũng là người góp phần gìn giữ nghề truyền thống này cho các thế hệ con cháu của người Thái trên vùng miền tây xứ Nghệ.

Cô Phạm Thị Nguyệt tâm sự: "Được sống cùng đồng bào, ăn chung mâm cơm với họ mình mới cảm nhận được sự vất vả, khó khăn nhưng thật sự giàu tình cảm của những người dân tộc Thái nơi đó. Mình chỉ ước có cách nào đưa những tấm thổ cẩm của thanh thiếu niên ở đó vượt qua rừng núi xuống thành phố hoặc ra nước ngoài để họ không còn lo đói, không phải phá rừng, không tìm đến với ma túy".

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.