Đến Huế để tập… lắc đầu

13/11/2013 10:24 GMT+7

Vài năm gần đây, TP.Huế bỗng dưng tấp nập người bán vé số, hàng rong, ăn xin... Đặc biệt, phong trào hát “nhạc kẹo” gần như nở rộ ở thành phố vốn bình yên này.

Đến Huế để tập… lắc đầu
“Nhạc kẹo” thường bủa vây các khu phố ở TP.Huế về đêm - Ảnh: Đình Toàn

“Lắc” như… cái máy

Trước tình cảnh đó, người ta buộc phải tập “lắc đầu” khi đối mặt với lực lượng có vẻ ngày càng hùng hậu này. Có một câu chuyện cười ra nước mắt rằng: có hai người bạn rất thân bỗng dưng trở mặt sau một câu chuyện hiểu lầm rất đáng tiếc. Một buổi chiều nọ, anh A. gặp chuyện buồn nên hẹn một người bạn thân ra quán vỉa hè ở đường Tố Hữu (P.Xuân Phú, TP.Huế) lai rai thư giãn. Anh A. vừa ngồi xuống uống chưa hết cốc bia thì chị bán đậu phộng đến mời mua, anh cười và “cảm ơn”. Một phút sau, một chị bán vé số đến chìa tập vé, anh lắc đầu từ chối. Chưa đầy hai phút tiếp theo, một cháu bé bán bánh phồng tôm tới trước mặt. Anh A. không trả lời và nhìn lơ đãng đi một hướng khác. Đứa bé bán bánh tiếp tục nài nỉ: “Chú… chú… mua cháu bì chú”. Anh A. nhìn vào đôi mắt đứa bé, đoạn rút ví cho 5.000 đồng: “Chú không mua, cho cháu ít tiền nè. Đi chỗ khác bán đi”. Đứa bé quay ngoắt bỏ đi không một lời cảm ơn. Anh A. chưa kịp thở phào thì một o bán bánh lọc, bánh nậm, ram ít đến cười niềm nở: “Anh, làm dĩa bánh ăn anh hí?”. “Không!”, anh A. trả lời cộc lốc. Chị bán bánh dạo dỗi hờn bỏ đi thì một chị bán vé số đến bên anh A. chìa mấy tờ vé: “Anh ơi còn bốn vé ba hai (32) lấy giúp đi anh. Anh… anh… anh!”. Không kìm chế nổi, anh A. nặng giọng: “Không ba hai, ba tư chi hết. Chị có biết số người trúng số còn ít hơn số người bị sét đánh không!”. Chị bán vé số mặt nặng như chì nguýt dài trước khi bỏ đi mời những người khác.

Tưởng sau tất cả những gì vừa xảy ra, anh A. được yên thân. Thế nhưng tiếp đó anh phải “lắc đầu” với hàng chục người khác. Cũng là bán lạc, đánh giày, nào là những đứa bé đứng bên ngửa mũ xin tiền. Rồi thì bánh nậm, lọc ram ít… Cứ mỗi “ngành nghề” hai đến ba người tìm đến hoặc mời chào hoặc xin xỏ khiến anh A. gần như quá mức chịu đựng, stress nặng hơn trước khi tới quán. Đỉnh điểm là những giàn nhạc rong bán kẹo kéo hoặc singum hay bông ngoáy tai, tăm xỉa răng… hết “band” này đến nhóm khác. Tất cả bủa vay một khu phố. Vừa khi đang bực dọc, một bàn tay đặt lên vai anh A., như phản xạ có điều kiện anh lắc đầu, cúi mặt xuống bàn rồi lớn tiếng: “Biến đi!”. Tối đó anh A. nhận được một tin nhắn của người bạn hẹn ban chiều: “Tui biết tới trễ khiến ông không vui, nhưng không đến nỗi ông thô lổ với tui như thế. Cái từ “biến đi” chỉ dành để nói với người mình cực căm ghét thôi. Chào ông!”. Anh A. ngớ người, nhớ lại động tác lắc đầu như một cái máy ban chiều, rồi hiểu ra câu chuyện.

Văn minh và khốn khó

Những hành vi chèo kéo, bắt chẹt, tranh giành, đeo bám du khách, mua hàng, ăn xin… là một trong tám điểm lớn về những tồn tại trong nếp sống của người dân cần được chấn chỉnh, khắc phục được nêu ra trong đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2013 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020 của UBND tỉnh. Phó chủ tịch UBND TP.Huế Nguyễn Đăng Thạnh cho biết, việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị đã được thành phố triển khai “đồng bộ” từ năm 2010. Tuy nhiên còn rất nhiều vướng mắt và khó khăn nhất là lĩnh vực trật tự đô thị, môi trường, an toàn giao thông. “Trước đây một số tuyến đường cấm bán hàng rong. Bây giờ không biết là tuyến nào là cấm, tuyến nào là được bán, mặc dù việc này đã có nghị định của chính phủ ban hành. Kể cả việc lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè. Mỗi phường mỗi phách, ông thì kẻ vạch bên ngoài, ông thì biểu bỏ xe bên trong, cuối cùng phải họp để thống nhất, nhưng lại vẫn chưa đồng bộ do hạ tầng mỗi nơi mỗi khác”, ông Thạnh nêu ví dụ.

Cũng theo ông Thạnh, muốn ngăn chặn nạn bán hàng rong, thậm chí cả ăn xin thì đều phải có sự thực hiện đồng bộ của các phường, cấp ủy các phường phải vào cuộc quyết liệt. “Khi bị chặn, cấm ở phường này thì họ lại chạy sang bán ở phường khác chỉ cách một con đường”, ông Thạnh nói. Cũng theo ông Thạnh thì “cần phải thừa nhận thực tế là hiện đời sống một bộ phận người dân chúng ta còn hết sức khó khăn. Họ phải bám vào vỉa hè, đường phố để mà sống… Chúng ta phải sắp xếp đời sống dân cư như thế nào đó nhưng cần nhìn vào thực tiễn”.

Đình Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.