Cơ cực ở vùng núi cao

04/12/2008 09:05 GMT+7

Trên 2.500 học sinh bán trú ở các xã Trà Leng, Trà Cang, Trà Nam, Trà Linh, Trà Do, Trà Vân, Trà Vinh (Nam Trà My, Quảng Nam) đang thiếu gạo ăn và có nguy cơ đói do mưa lũ, đường sá sạt lở, trường học bị cô lập nhiều ngày...

Đến hôm qua, tuyến đường từ trung tâm huyện Nam Trà My đi bảy xã trên vẫn bị tắc nghẽn. Đi về các xã này chỉ có một cách duy nhất là cuốc bộ. Học sinh thiếu ăn và dân làng bảy xã cũng thiếu ăn. Một số khu vực, người dân đã phải ăn sắn, măng rừng qua ngày...

Thiếu thốn ở trường học

Tại Trường THCS bán trú cụm xã Trà Vân - Trà Vinh, dấu tích trận mưa lũ vừa qua còn in đậm. Nửa quả đồi bị sạt xuống ăn sát vào khu vực đang ở của 110 học sinh, còn phía sau trường học đồi lại đang tiếp tục “trườn” xuống đe dọa phòng học của cả trường. Dù đang là mùa rét cắt da ở miền núi, nhưng học sinh đến trường ở đây vẫn chân đất và phong phanh những bộ quần áo không lành lặn. Nhiều em ngồi co ro trong lớp học, run cầm cập và tím tái cả người. Rét buốt thế này mà vẫn ham học lạ kỳ.

Thầy giáo Nguyễn Văn Xuân - hiệu trưởng nhà trường - tâm sự: “Học trò ở đây đang thiếu ăn nhiều lắm. Mỗi tháng các em được hưởng chế độ 100.000 đồng nhưng chỉ đủ mua gạo ăn cho hơn mười ngày. Em nào khá về nhà cõng gạo thêm. Còn phần lớn thì hái rau rừng, củ rừng hoặc cùng san sẻ với các thầy cô. Ngay cái ăn còn chưa đủ nói gì đến chuyện mặc ấm vào mùa đông”. Trong ba phòng ở của học sinh, chỉ lơ thơ mấy chiếc chăn mỏng nhưng cũng đã rách lỗ chỗ. Em Hồ Văn Zơn (lớp 9/1) cho biết: “Tối ngủ 3-4 bạn một giường, ôm nhau nên cũng đỡ rét”.

Tại Trường THCS Trà Tập (xã Trà Tập), gần 500 học sinh của trường phải sống rải rác trong những túp lều dựng tạm hoặc sống nhờ các nhà dân xung quanh trường. Theo một giáo viên dạy ở đây, hiếm hoi các em mới được ăn ba bữa ăn một ngày. Nhiều em còn phải ăn sắn. Hai anh em Trần Ngọc Bằng (lớp 8) và Trần Văn Biểu (lớp 6) cho biết mỗi tuần về nhà cõng 10 lon gạo xuống ăn. Nhưng theo Bằng, do mất mùa nên hôm vừa rồi chỉ mang được có 5 lon gạo. “Buổi trưa hai anh em ăn sắn, đến tối mới nấu ít cơm độn sắn để ăn cho hết tuần” - Bằng cho biết.

Gấp rút mở đường cứu đói

Trong chuyến thị sát mới đây của phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang tại huyện Nam Trà My, ông Quang đã yêu cầu nhanh chóng mở đường thồ đến bảy xã bị cô lập để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân. Cũng theo huyện Nam Trà My, bảy xã Trà Leng, Trà Cang, Trà Nam, Trà Linh, Trà Do, Trà Vân và Trà Vinh bị cô lập từ ngày 16-10 đến nay vẫn chưa thể lưu thông trở lại do đường bị hư hại cực kỳ nghiêm trọng. Không chỉ bảy xã, mà 10/10 xã ở đây đều thuộc diện nghèo của chương trình 135 lại gặp phải ảnh hưởng của lũ lụt những ngày qua làm mất mùa nên cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Nguyễn Văn Điền cho biết thêm: “2.500 học sinh bán trú cấp II bị kẹt nước từ ngày 16 đến 30-11 vừa qua không thể về nhà lấy lương thực dẫn đến tình trạng bị thiếu ăn. Lương thực các em gùi theo chỉ ăn đủ một tuần mà bị kẹt lại không về nhà đến ba tuần nên dẫn tới việc thiếu thốn. Nhiều nhà nghèo không đủ gạo, các em phải gùi thêm sắn, khoai xuống ăn để mà học”. Cũng theo ông Điền, các nhu yếu phẩm như muối, mắm, dầu thắp sáng và nhất là chăn màn, quần áo ấm cho học sinh ở đây đang thiếu thốn rất trầm trọng.

Trong khi đó, tại trung tâm huyện Nam Trà My hiện đang dự trữ 50 tấn lương thực nhưng do đường sá bị cô lập nên vẫn chưa thể chuyển đến tay người dân được.

Theo Đoàn Cường (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.