Tìm lại phố Tây ở Hà Nội

13/11/2010 09:18 GMT+7

Mất gần bốn năm miệt mài, cặm cụi ghi chép, đánh giá thực trạng, sắp tới các chuyên gia kiến trúc và quy hoạch của Pháp và Việt Nam sẽ trình lên TP Hà Nội một quy chế quản lý nhằm bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp.


Phố Tràng Tiền là hạt nhân của khu phố Tây trước năm 1945 và của thành phố hiện nay - Ảnh tư liệu

Dự án do vùng Ile-de-France tài trợ, dự án đào tạo chuyên ngành đô thị (IMV) và Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội hướng dẫn và Công ty tư vấn quy hoạch đô thị cảnh quan Interscene (Pháp) thực hiện. Đây là một việc làm mà các chuyên gia quy hoạch Pháp gọi là tìm lại những hình ảnh của “giấc mơ phương Tây ở Viễn Đông”.

Những “giấc mơ” xuống cấp!

Người Pháp từ những năm cuối thế kỷ 19 đã quy hoạch một khu phố Pháp nhằm tái hiện hình ảnh thủ đô Paris ở Hà Nội. Phố Pháp kéo dài từ hồ Hoàn Kiếm đến hồ Thiền Quang. Ngày nay, ngoại trừ các công trình như Nhà hát lớn, phủ thống sứ (nay là nhà khách chính phủ), khách sạn Metropole...; các ngôi biệt thự khác đã xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 1954, mỗi biệt thự có đến 3-4 gia đình sinh sống, tình trạng cơi nới và làm biến dạng kiến trúc ban đầu gần như không thể kiểm soát.

Anh Trương Quốc Toàn (trợ lý dự án) cho biết rất ít khi được khảo sát kỹ bên trong ngôi nhà. Chủ nhân các ngôi nhà này cũng tỏ ra e ngại khi động đến vấn đề bảo tồn khu nhà cổ. Những đường cơi nới cũng là một phần di sản đặc biệt mà lịch sử để lại.

Khảo sát dự án cho thấy đối với các ngôi nhà Pháp cổ ở các phố buôn bán lớn, mặt tiền hầu như đã bị xây lấp, các chi tiết kiến trúc bị phá. Để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, các cấu trúc bên trong ngôi nhà cũng bị đục phá, bancông được cơi nới thành nhà vệ sinh, bếp hoặc phòng ngủ; không gian sân vườn bị chiếm dụng để xây dựng các khu nhà mới. Một số kiến trúc sư khi tìm được phần mái nhà, họa tiết trên cột hoặc tường đều thở dài nuối tiếc.

Điều trăn trở đối với các chuyên gia Pháp - Việt là việc bảo tồn phố Pháp theo nguyên tắc thiết kế ban đầu: nguyên tắc “thành phố vườn”. Quy hoạch của người Pháp từ cuối thế kỷ 19 bao gồm những công viên nhỏ, hai hàng cây bên đường và các mảnh vườn bên trong khu biệt thự. “Với tốc độ xây dựng và các nhà cao tầng mọc lên như nấm hiện nay, khuyến cáo của chúng tôi về một “thành phố vườn” là điều rất khó” - anh Toàn cho biết.

Nếu xuống cấp có thể phá bỏ?

Hơn 400 ngôi biệt thự cần được bảo tồn và được xếp theo ba cấp độ tùy theo giá trị di sản: di sản đặc biệt được bảo vệ, di sản đáng chú ý được bảo vệ, di sản loại trung bình. Các di sản loại trung bình chủ yếu là các biệt thự đã bị thay đổi nhiều về cấu trúc và xuống cấp do thiếu bảo dưỡng có thể bị phá bỏ. Đề nghị này dựa trên những căn cứ vào hiện trạng sử dụng ngày nay, phải chấp nhận một thực tế là các ngôi nhà này đã đánh mất hoàn toàn diện mạo vốn có.

Các chuyên gia khẳng định: “Chúng tôi cũng biết trước đây Hà Nội có quyết định cấm đập phá các công trình kiến trúc cổ. Tuy nhiên, thành phố không thể cấm mãi một khi sự xuống cấp của công trình ảnh hưởng đến cuộc sống và sự an toàn của người dân”.

Mặt khác, đối với những công trình cần phải được giữ nguyên trạng, các chuyên gia cho rằng chỉ còn cách “đánh đổi”. Nếu TP Hà Nội muốn giữ lại kiến trúc bên ngoài và cấu trúc bên trong của ngôi nhà, phá bỏ những phần cơi nới thì có thể phải cho phép người dân xây dựng phía sau công trình.

Quy chế cũng đã lên các phương án nhằm đảm bảo phần xây dựng sẽ không tác động xấu đến cảnh quan với các quy định khắt khe về chiều rộng và chiều dài của công trình xây mới. “Đó là sự đánh đổi nên làm để khôi phục mặt tiền những công trình cổ” - anh Trương Quốc Toàn khẳng định.

Lấy ý kiến người dân

Dự thảo quy chế quản lý và đánh giá thực trạng các khu phố Pháp đang được trưng bày để lấy ý kiến người dân tại nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến hết ngày 14-11. Các phiếu điều tra bằng ba thứ tiếng Anh - Pháp - Việt sẽ được phát cho khách tham quan triển lãm. Các phiếu này sẽ được cán bộ dự án tổng kết hằng ngày và xem xét bổ sung vào bản dự thảo sẽ trình TP Hà Nội.

Thông qua các phiếu điều tra, dự án nhận được khá nhiều ý kiến thú vị. Irgérei (du khách người Pháp) đóng góp: nếu quy hoạch những đường dành riêng cho người đi bộ trong khu phố Pháp, khách du lịch sẽ không phải tham quan phố cổ với chiếc mặt nạ (khẩu trang) và không bị stress vì phải quan sát liên tục khi sang đường.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.