Chất lượng cao chỉ là tự xưng

02/11/2008 22:33 GMT+7

Hầu hết các trường ngoài công lập khi thu học phí tới hàng triệu đồng/tháng đều dán mác "chất lượng cao". Trong khi đó, Bộ GD-ĐT lại khẳng định: chưa hề có một văn bản nào quy định thế nào là trường chất lượng cao.

Cao tới đâu?

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THCS dân lập Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho biết: "Từ năm học này, chúng tôi không tuyển sinh vào lớp 1 theo tiêu chuẩn quốc gia nữa mà theo tiêu chuẩn chất lượng cao". Lý giải về mức học phí tới trên 100 USD của trường này, ông Vĩnh giải thích: Mỗi lớp chỉ có 20-22 học sinh (HS), mỗi HS được ngồi một bàn ghế riêng biệt, lớp có gắn máy điều hòa… 

"Những trường quảng cáo là trường chất lượng cao hiện nay thực chất chỉ là danh hiệu tự xưng". Ông Lê Quán Tần - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT)
Còn ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường THCS Marie Curie (Hà Nội), mỗi lớp "chất lượng cao" chỉ có 20 HS. Ngoài những môn học kiến thức theo đúng chương trình - sách giáo khoa phổ thông hiện hành của Việt Nam, HS được học tăng cường tiếng Anh do chính giáo viên người bản xứ giảng dạy. Lớp tiếng Anh chuẩn quốc tế của trường Marie Curie có mức học phí 1.200.000 đồng/tháng; ngoài ra HS còn phải đóng thêm 990 USD/năm cho việc học tăng cường tiếng Anh.

Tương tự, trường Lomonoxop khẳng định danh hiệu "chất lượng cao" của mình bằng cách mua toàn bộ công nghệ giáo dục của nước ngoài để áp dụng vào quá trình dạy và học của trường. "Việc các trường đưa ra nhiều lý giải về "chất lượng cao" để thu học phí cao, nhưng không có sự kiểm định nào của Nhà nước hoặc ngành giáo dục thì không biết "cao" ở mức nào?" là ý kiến của nhiều phụ huynh về vấn đề này. 

Có đáng "đồng tiền,  bát gạo"?

"Chất lượng cao" trong giáo dục ở một khía cạnh nào đó là không thể cân, đong, đo, đếm một cách tỉ mỉ và cũng không phải phụ huynh nào cũng đủ khả năng để giám sát. Chúng tôi đã nhận được nhiều phàn nàn của phụ huynh về những điều dễ nhận thấy nhất, đó là việc xe đưa đón HS của trường THCS dân lập Nguyễn Siêu vừa cũ, vừa không có điều hòa; rồi bữa ăn bán trú ở trường dù đã đóng tới 25.000 đồng/HS nhưng không đảm bảo về dinh dưỡng; Nhà trường cam kết mỗi lớp tiểu học sẽ có 2 cô nhưng khi vào năm học thì chỉ có duy nhất một cô…

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng việc mở lớp chất lượng cao, tăng cường ngoại ngữ là nhu cầu có thật của một bộ phận người dân. Điều mà họ mong đợi là bên cạnh cam kết của nhà trường với phụ huynh HS về chất lượng thì vẫn cần có vai trò kiểm tra chất lượng của nhà nước. Người dân tự chọn trường cho con em mình với thông tin minh bạch, nhưng xem ra đòi hỏi chính đáng này dường như chưa được đáp ứng.                

   Tuyết Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.