Lý lịch của tôi, quá trình làm việc của tôi và…những “khoảng trống” của tôi!

08/11/2006 14:57 GMT+7

Trong hầu hết các lý lịch xin việc, liệt kê quá trình làm việc bản thân là một phần không thể thiếu được.

Khi liệt kê, rất nhiều người trong chúng ta phải đối mặt với một vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ nhưng thật sự đã gây ra rất nhiều phiền phức trong suốt buổi phỏng vấn, khi nhà tuyển dụng yêu cầu lời giải trình cụ thể cho “vấn đề” này. Vậy, “vấn đề” là gì vậy? Đó chính là “khoảng thời gian trống” giữa các công việc cũ trong lý lịch của bạn – hay nói cách khác “thời gian thất nghiệp tạm thời”.

Lý lịch

Bản tóm tắt lý lịch không cần phải là một bảng liệt kê hết sức cặn kẽ, chi tiết về tất cả mọi thứ mà bạn đã làm dù rằng chúng luôn được xem là những công cụ “tiếp thị bản thân”, mà đã nói là “tiếp thị” thì chỉ nên cung cấp đầy đủ những chi tiết đáng lưu ý nhất, những kỹ năng nổi trội và những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong suốt quá trình làm việc vừa qua. Một bản lý lịch xin việc không nhất thiết phải chi ly từng ngày, từng tháng hay từng năm, và cũng không cần phải tỉ mỉ liệt kê ra tất cả những khoảng thời gian trống giữa các công việc cũ. Vì sao ư? Vì, một cách vô tình, những khoảng trống này chắc chắn sẽ mang đến cho ta nhiều phiền toái.

Thế nên…

Nói một cách cụ thể, một lý lịch xin việc hữu hiệu nên được trình bày trên hai trang giấy. Trang đầu nên được sử dụng như một gian trưng bày bày những thành tích đáng nể trong công việc của bạn, được minh họa bởi phần trình bày gãy gọn và thuyết phục về những kỹ năng mà bạn đã tích lũy được. Ở trang hai, bằng cách dùng đề mục là “ Những điểm nổi bật trong quá trình làm việc (từ 2003 đến nay)” chẳng hạn, hãy liệt kê tất cả những việc quan trọng nhất (không cần liệt kê ngày tháng), với vài lời miêu tả chi tiết công việc. (Nên nhớ là hãy chọn những chi tiết liên quan đến những kỹ năng và kinh nghiệm mà bạn đang muốn nhấn mạnh.) Đó là một trong những cách hữu hiệu nhất để đối phó với các “khoảng trống phiền phức” trong tiểu sử làm việc mình.

Tuy nhiên…

Một trường hợp nữa rất có khả năng xảy ra. Đó là khi bạn đã điền vào một mẫu đơn xin việc với những thông tin chính xác về ngày tháng của những công việc mà bạn đã làm (ngày bắt đầu, ngày kết thúc, v.v…).Và nhà tuyển dụng sẽ lập tức đặt ngay một loạt những câu hỏi yêu cầu bạn phải trình bày rõ ràng về những khoảng thời gian này. Vậy phải xoay xở thế nào đây? Bạn nên chuẩn bị sẵn trong đầu mình những câu giải thích hết sức ngắn gọn (nhưng nhớ đừng mang tính  phòng thủ quá). Cụ thể như là bạn có thể nói: “Trong khoảng thời gian đó, người thân của tôi gặp vấn đề về sức khỏe và cần sự chăm sóc đặc biệt của tôi. Và như anh (chị) thấy đó, ngay sau khi giải quyết xong chuyện gia đình, tôi đã bắt đầu tìm việc ngay, vì vốn dĩ tôi là một người rất say mê công việc.” (Trong mọi trường hợp, nên tránh kể lể và cũng đừng tỏ vẻ quá xúc động hay toát mồ hôi vì lo lắng khi nhắc đến chuyện cũ).

Khoảng trống – hiện tại …

Trong trường hợp “khoảng trống” này kéo dài đến thời điểm bạn đang phỏng vấn cho công việc mới thì sao? Chuyện cũng không đến nỗi quá khủng khiếp. Bạn có thể xoay xở bằng những câu trả lời khéo léo của mình (tùy theo không khí của buổi phỏng vấn hôm đó). Ví dụ, bạn có thể nói: “Khi tôi rời bỏ việc cũ, tôi quyết định là sẽ đầu tư một khoảng thời gian xứng đáng miễn sao tôi có thể tìm được việc làm thích hợp nhất, vì “dục tốc bất đạt” mà – ai cũng biết rõ điều này. Và dĩ nhiên, quá trình để tìm được một việc làm thích hợp thì không đơn giản chút nào: Tìm kiếm cẩn thận, cân nhắc, đánh giá và sàng lọc kỹ tất cả những cơ hội tìm được…có như thế thì mới tìm được việc làm thích hợp nhất để phát huy khả năng của mình.” Với cách trả lời như thế, bạn đã “vô tình” biến “khuyết điểm” thành “ưu điểm”. Thật vậy, thay vì bị hiểu lầm là “đang liều thử một phen để tìm việc, bạn đã tạo ra được một ấn tượng rất tốt với nhà tuyển dụng và chứng tỏ bạn là một ứng viên có quan điểm hết sức nghiêm túc và cẩn trọng – thể hiện cụ thể qua thực tế thời gian đầu tư cho quá trình tìm việc bản thân.

Sự thật – điều cần nhớ…

Có một điều quan trọng mà chúng ta cũng cần nên nhớ. Đó là đừng bao giờ để suy nghĩ của mình bị chi phối bởi những “khoảng trống” này trong quá trình chuẩn bị cho chiến dịch “tiếp thị” bản thân khi viết lý lịch hay dự phỏng vấn xin việc. Tất cả chúng ta đều luôn gặp phải những vấn đề trong lý lịch xin việc của mình (nhỏ hay lớn tùy theo mỗi người, đừng nên xem chúng là những vật cản trở đáng sợ, thay vào đó, bằng sự khéo léo của bản thân, hãy bình tĩnh nhìn nhận và giải thích một cách tự tin về những “vấn đề” này. Bạn sẽ gặt hái được nhiều kết quả khả quan nhất trên con đường tìm việc.

Theo Vietnamworks

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.