Thành phố... nhậu bên sông Hàn

01/10/2004 15:49 GMT+7

Cách đây vài năm, sau khi báo Thanh Niên đăng phóng sự về việc bùng phát nạn ăn nhậu ở Đà Nẵng và “phong tặng” danh hiệu thành phố nhậu nhất nước, một vị lãnh đạo ở đây đã nói với báo giới: “Đã có thi đâu mà bảo nhất với nhì!”.

Ai nấy nghe xong câu nói ấy đều tức cười với một lối phản biện ngộ nghĩnh của ông ta. Đúng là chưa ai tổ chức cuộc thi như vậy cả nên câu nói của vị lãnh đạo nêu trên trở thành một thách đố cho nhiều người…

Không nói chuyện cơ quan trên bàn nhậu…

Sinh thời, lúc nhà văn Phan Tứ còn làm chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, giới văn nghệ đã có câu chuyện lý thú liên quan giữa việc nhậu và làm việc. Hội Văn nghệ lúc đó có cái sân rộng phía trước, cây xanh và hòn non bộ làm cho khung cảnh càng nên thơ. Nhà thơ Bùi Minh Quốc xin đâu về mấy bộ bàn ghế bằng gốc cây để anh em ngồi bàn việc, uống cà phê. Lâu ngày, không biết từ bao giờ, khu vườn biến thành chỗ “đưa cay” của giới sáng tác. Khách thơ văn từ Nam chí Bắc ghé Đà Nẵng hầu như ai cũng từng cụng ly chốn này với chủ nhà, thậm chí ngay giữa giờ làm việc. Anh Phan Tứ một hôm ra thông báo: “Cấm không được uống rượu bia trong giờ làm việc!”. Lệnh trên đưa xuống được chấp hành ngay. Nhưng rồi chứng nào tật ấy, những khuôn mặt quen thuộc như anh Quốc, Thanh Quế, Thái Bá Lợi và thế hệ nhỏ hơn như chúng tôi lại vi phạm mỗi khi có khách. Rồi khi không có khách cũng tiếp tục vi phạm vì chẳng thấy ai la rầy nữa. Một hôm đang nhậu ngon lành thì chủ tịch Hội xuất hiện với nụ cười duyên dáng. Anh Tứ nói: “Ngon không các cậu!”. Rồi anh cùng ngồi xuống, nâng ly cùng chúng tôi. Được vài ly, anh Tứ lại nói chuyện cơ quan. Chúng tôi nhìn nhau, nhưng không ai dám nói gì. Chợt có ai đó, chừng như đã hứng chí vì men, nói lớn: “Đề nghị anh không được nói chuyện công việc trong lúc uống rượu bia!”. Câu nói quá hay và đối rất chỉnh với mệnh lệnh trước đây anh Tứ đã ban hành, nên không ai bảo ai, kể cả anh Tứ, đều bật cười sảng khoái!

Chuyện vui ở Hội Văn nghệ thoáng chốc đã lan truyền ra cả thành phố. Dân nhậu Đà Nẵng thường phạt những ai lỡ đem chuyện công việc ra bàn bia. Phạt một chai, phạt 100% trên ly. Đã đi nhậu là gác mọi chuyện cơ quan ra ngoài, vì ở quán nhậu lắm “tai vách mạch rừng” mà thành phố thì chỉ nhỏ như cái… lỗ mũi! Chỉ nói chuyện tiếu lâm cho thư giãn thôi, nghe chưa!

Tiếu lâm… nhậu

Bắt đầu là một biến tấu nhạc Trịnh Công Sơn. Khi men đã thấm, anh em thường không đọc Hồ trường của Nguyễn Bá Trác như trước đây nữa, vì nó tâm trạng quá. Mà đọc bài đó ở Đà Nẵng thì ít ai đọc hay bằng nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng và họa sĩ Đỗ Toàn. Ông Hạng đã Nam du ít khi về, còn anh Toàn nay đã là người thiên cổ. Ai đó nhập khẩu được lời 2 của bài Huyền thoại Mẹ từ Huế vô và hát theo nhịp muỗng gõ trên bàn: Đêm chong đèn ngồi nhớ rượu/ Buộc cặp cẳng phải đi. Vợ dù nói năng chi/ ta cũng đi cho bằng được. Vợ nói chi cũng mượt/ Vợ là vợ mà ta là ta… Bài hát lan truyền vừa nhanh, vừa được thay lời liên tục, có đoạn: Ai trên đời mà không rượu/ Bởi rượu quý hơn cơm. Rõ ràng quý hơn cơm/ Ba lon vuông một xị. Ai nói chi cũng kệ/ Rượu là rượu mà cơm là cơm…Cái mâu thuẫn muôn đời của người đàn ông hay lê la nhậu nhẹt với hạnh phúc vợ chồng có lẽ là muôn thuở. Cho nên sau khi hát nhạc Trịnh sửa lời xong, anh em thường chuyển sang nói xấu… đàn bà. Sau đây là một trong rất nhiều chuyện mà các đệ tử lưu linh mô tả phu nhân của mình. Giám đốc một công ty TNHH là bạn tôi kể - tất nhiên vì sự an toàn của bạn, tôi không thể nêu danh tánh: Do quan hệ công việc, hôm nào bạn tôi cũng bù khú đến khuya mới về nhà. Một hôm vợ giận không mở cửa. Bạn tôi bèn rồ ga thật lớn và nói to với một người hoàn toàn do hắn tưởng tượng ra: Đi tiếp tăng hai nhé! Chờ tao đưa chiếc Dylan vô nhà cho bà xã rồi mình đi taxi. Không để xe ngoài hiên được đâu! Chị vợ nghe chuyện chiếc Dylan cáu cạnh có thể bị bỏ ngoài trời, bèn kéo cửa. Lúc đó hắn nhanh nhẹn lách mình qua “khung cửa hẹp” và phóng lên giường, trùm mền cười một mình vì đã lừa được vợ!

Một chuyện khác cũng lý thú. Thằng bạn “suốt đời làm ông ngoại” của tôi và vợ nó luôn âu sầu chuyện họ không sinh được con trai nối dõi. Một hôm nhậu về quá chén, thấy vợ chuẩn bị cằn nhằn, hắn ra đòn trước: “Tụi khốn nạn. Chúng cứ đem chuyện sinh toàn con gái của vợ chồng mình ra khích anh. Anh buồn quá, nên đã uống say!”. Thấy chồng say vì buồn chuyện con gái, chị vợ chuyển ngay “đôi mắt hình viên đạn” sang cái nhìn thương cảm và… pha cho hắn ta cốc nước chanh với những lời động viên, chia xẻ rất cảm động! Chuyển bại thành thắng, mấy ông thấy chưa! Nào một hai ba, dô! Chúng ta mừng mấy em tiếp thị của thằng L. đẹp nhất nước! Hắn nói ra vẻ đắc thắng, còn chúng tôi thì cười ngất…

Đà Nẵng có uống bia nhất nước không?

Không ai tổ chức thi chuyện này cả, quí vị lãnh đạo khả ái ạ! Nhưng sau những bài hát lời hai và câu châm chọc trên đây, L. - giám đốc tiêu thụ khu vực của một hãng bia lớn bậc nhất hiện nay ngồi cùng bàn với chúng tôi mới chịu lên tiếng:

- Không đẹp thế đâu, nhưng quân tôi cao ráo, dễ nhìn. Tiếp thị đẹp nhất là của hãng S., còn đông nhất là của hãng F.!

Bất chợt tôi hỏi L.:

- Thế chuyện Đà Nẵng uống bia nhất nước là thế nào! Giám đốc tiêu thụ mà không biết sao?

Sau đây là tóm tắt những gì L. kể và người viết bài này đã lấy giấy bút ghi lại ngay trên bàn nhậu: Hiện ở Đà Nẵng có tất cả 17 tên bia có mặt trên thị trường, mỗi năm các nhãn hiệu bia này tiêu thụ khoảng 35 triệu lít bia các loại. Bình quân tiêu thụ gần 50 lít/đầu người mỗi năm, nghĩa là cao hơn 1,5 lần mức bình quân hiện nay trên thế giới. Trên thế giới hiện có 3 thành phố được coi là thị trường bia có sự canh tranh gay gắt nhất, gồm một thành phố ở Trung Mỹ, một thành phố ở Trung Quốc và… Đà Nẵng chúng ta! Các hãng bia có mặt ở Việt Nam có thể không có ở TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội, nhưng đều phải có mặt ở bên bờ sông Hàn này rồi mới tính chuyện lan toả ra các thị trường khác. Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng tôi vừa đến khảo sát thị trường Đà Nẵng và bất ngờ khi thấy vài người khách vừa ngồi vào bàn là có gấp đôi, gấp ba những cô tiếp thị của nhiều hãng bia đến chào mời, và ông đưa ra ngay một quyết định là trả lương cao cho tiếp thị thay vì khoán sản lượng cho họ. Việc mời chào thiếu lịch sự sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu của sản phẩm. Ông ấy kết luận như vậy. Hiện nay, tại Đà Nẵng, có khoảng 1.400 nhân viên nữ làm công tác tiếp thị cho các hãng bia như cách chúng ta thấy và người ta uống một loại nào đôi khi không phải do gu của họ, mà là do sự quyến rũ, duyên dáng của nhân viên tiếp thị!

Đà Nẵng có phải là thành phố uống bia nhất nước không? L. đã cho tôi một kết quả điều tra nam giới với câu hỏi: Bạn có thường xuyên uống bia mỗi ngày không? Câu trả lời là chiếm 65% ở Đà Nẵng, 57% ở TP HCM và 45% ở Hà Nội.

Người viết thiên phóng sự này cũng đôi bữa một lần khề khà cùng bạn bè ở vài quán nhậu trong thành phố. Cho nên khi hạ bút viết những dòng trên, tôi không có mục đích bôi đen thành phố quê mình hoặc nói phật lòng các bạn nhậu. Bia cũng không phải là hàng lậu nên chẳng có gì phải che giấu. Nhưng, cha tôi mỗi lần nghe chuyện bù khú với bạn bè của tôi lại thường nhắc con trai của ông: “Hãy uống bia chứ đừng để bia uống mình!”. Lời dạy ấy tôi luôn mang theo khi vào quán nhậu và vẫn mang theo khi ngồi vào bàn viết bài này!

Phóng sự của Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.