Người có duyên với ma

29/11/2008 19:09 GMT+7

Thái Hòa đang là cái tên “hot” hiện nay với hai vở kịch kinh dị do anh đạo diễn - Người vợ ma và Quả tim máu, suất nào cũng kín khán phòng. Mời nghe đọc bài

Không những thế, có người còn ví Thái Hòa, ở vai trò diễn viên, đang có ảnh hưởng lớn tới khán giả tương tự Hoài Linh. Nghĩa là khi anh bước ra sân khấu lập tức có “hiệu ứng” ngay, câu nói nào, hành động nào cũng làm khán giả cười rần lên được. Có thể nói là “tổ đãi” cho Thái Hòa sau gần 10 năm lận đận.

Thật ra, tôi đã chú ý đến Thái Hòa từ năm 1998, khi anh dự Liên hoan Sân khấu hài TP.HCM với tiểu phẩm Phòng trọ ba người. Ngày ấy, Thái Hòa, Đức Thịnh và Phúc đen chưa ra trường (cuối năm 1998 mới tốt nghiệp trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), ba chàng trai trẻ “hăng máu” đã lập nhóm Cánh buồm đỏ để đi dự liên hoan. Cái tên Cánh buồm đỏ cũng đủ nói lên những khát vọng, mộng mơ của họ.

Vở Người vợ ma đã diễn gần 500 suất. Với Quả tim máu khán giả đã đặt vé trước cả tháng. Quả tim máu có thể kén khán giả hơn vì được dựng theo gam màu lạnh, chủ yếu xoáy vào tâm lý nhân vật.

Sau liên hoan, Thái Hòa, Đức Thịnh trở nên một cặp bài trùng, đi diễn khắp nơi với các tiểu phẩm hài nhưng có nội dung duyên dáng, có đạo diễn hẳn hòi, khác hẳn kiểu tấu hài cho qua bữa đang thịnh hành. Dù chuyện áo cơm có bức bách, nhưng trong lòng họ vẫn còn những mộng mơ rất đẹp. Cho nên, diễn hài đang ăn khách mà hai chàng trai quyết định rời bỏ, về đầu quân cho Sân khấu kịch Phú Nhuận để mong có cơ hội làm kịch dài. Bà bầu Hồng Vân mới thành lập cơ sở, đang rất cần người tâm huyết. Thái Hòa lọt ngay mắt xanh Hồng Vân, được giao ngay “cương vị”... thủ quỹ. Bao nhiêu việc “không tên” của một sân khấu mới bề bộn, Thái Hòa không nề hà. Cứ làm, và diễn, nào Bản chúc thư, Sâm đắng sâm ngọt, Tứ hỷ lâm môn.. Rồi mày mò thử viết và dựng. Trừ Sự lừa dối đáng yêu là kịch vui, còn Người vợ ma (do Thái Hòa làm đạo diễn), Quả tim máu (anh vừa viết kịch bản vừa đạo diễn), mới chập chững mà thành công bất ngờ, có thể nói mở đầu cho thể loại kịch kinh dị của sân khấu Sài Gòn. Thái Hòa dường như đã có cái mà anh ao ước của một thời Cánh buồm đỏ ngày xưa...

Diễn bi đâu khó bằng diễn hài

* NSƯT Hồng Vân đánh giá Đức Thịnh là người của lãng mạn, chất thơ, còn Thái Hòa là người của công chúng, mảng miếng ăn khách. Nhưng anh có nghĩ mình làm như thế là đậm chất thị trường? Anh có mơ làm vở nghệ thuật?

- Tôi không phân biệt thị trường hay nghệ thuật. Tôi mới thử sức mà, phải chọn thứ nào hợp với mình nhất. Tôi vẫn muốn làm nhiều “màu”, kể cả bi, hài, lãng mạn. Đường còn dài, hãy cho tôi cơ hội.

* Anh tin mình thành công trong chất bi hay sao? Anh mới vừa bước ra sân khấu, khán giả thấy mặt anh đã tức cười rồi, bi nỗi gì nữa…

- Trời, tôi đã từng đóng vai Năm Sài Gòn trong Bỉ vỏ, “ngầu” lắm chứ bộ! Rồi vở Sân ga tình người, Cô giáo Hạnh, tôi đều làm khán giả khóc. Nói thật, diễn bi đâu có khó bằng diễn hài. Vì nếu không làm khán giả khóc thì cũng làm họ buồn buồn, lắng đọng. Nhưng diễn hài mà không gây được tiếng cười thì diễn viên chết cứng trên sân khấu. Tôi và Đức Thịnh ngày xưa từng lâm vào cảnh đó. Chỉ 5 phút trên sàn diễn mà thấy dài như... thế kỷ. Về nhà, hai đứa bịnh luôn. Nói vậy để tin rằng tôi không sợ vai bi. Chỉ khó ở chỗ khán giả quen “gắn mác” hài lên mặt tôi, nên nếu diễn bi phải có thời gian cho khán giả đổi cảm xúc. Có khi vào nhân vật một hồi rồi khán giả mới bắt nhịp được với hình ảnh mới.

Sợ ma nhưng vẫn làm kịch ma

 
Thái Hòa vai anh Hù (trái) trong vở Quả tim máu - Ảnh: H.K

* Anh đã làm mấy vở kịch ma, nói thiệt cảm xúc của mình xem?

- Hic, tôi vừa làm vừa... sợ. Viết kịch bản thì phải vào ban đêm yên tĩnh, đang ngồi tự nhiên thấy ớn ớn, quay nhìn tứ phía. Từ nhỏ tới giờ tui sợ ma lắm, đến phim ma còn không dám xem mà. Nhưng hổng biết sao lại “dính” vô nó, thôi chắc là... số phận. Nhưng kịch bản của tôi vẫn lý giải theo hướng khoa học, là sự ám ảnh của tội ác chứ không hề có ma cỏ gì hết. 

* Có người hơi phiền khi thấy anh diễn hài trong các vở ấy nhiều quá. Làm như là giành đất của bạn diễn vậy.

- Không đâu. Tôi chỉ muốn khán giả thư giãn sau những đoạn kịch căng thẳng. Đó là điểm khác biệt giữa phim ma và kịch ma. Phim thì sợ từ đầu đến cuối, nhưng kịch phải có đoạn thả lỏng. Thật tình, có khi thấy khán giả cười phấn khởi quá nên tôi cũng sung lên, làm tới tới.

* Anh hoàn toàn là tay ngang làm đạo diễn, vậy anh có học hỏi ở bạn đồng nghiệp được điều gì không? Đặc biệt là với Đức Thịnh, người bạn nối khố của anh…

- Tôi học ở NSƯT Hồng Vân nhiều lắm. Chị chuốt vở cho chúng tôi rất chắc tay, kể cả dạy diễn viên diễn xuất. Còn Đức Thịnh vẫn thân thiết với tôi, hỗ trợ lẫn nhau. Vở nào tôi và Thịnh nếu không đóng chung thì cũng góp ý cho nhau. Thịnh làm gì cũng tính toán kỹ lưỡng, còn tôi bốc hơn, bất ngờ hơn. Hai đứa bổ sung tính cách thì vở diễn tốt hẳn ra.

* Anh kể thêm về tình bạn của anh đi. Đức Thịnh xem ra tương phản với anh nhiều lắm, không hiểu sao hai người lại thân nhau?

- Ờ, tôi còn thấy lạ nữa đó! Hồi nhỏ hai đứa ở chung xóm Lò Heo tại quận Bình Thạnh, nhưng không hề chơi chung. Chừng vô học trường sân khấu mới quen nhau vì chung lớp, rồi lập nhóm Cánh buồm đỏ. Ra trường, hai đứa cùng đi bộ đội, lại ở chung. Tối nằm ngủ bên nhau, cứ rủ rỉ sáng tác kịch bản. Thế là giải ngũ lập ngay nhóm Ba chú nhóc cùng với Nhật Trung. Khi về Kịch Phú Nhuận hai đứa cũng kè kè trong từng vở diễn. Có khi tương phản mà không chỏi nhau vì biết tận dụng sự tương phản để bổ sung cho nhau.

Chỉ mơ một phụ nữ hiền lành

* Gia đình Thái Hòa có mê sân khấu không?

- Má tôi mê kịch lắm, bắt tôi thi vô trường sân khấu. Hồi đó tôi ham chơi, lêu lổng, cứ đánh lộn u đầu sứt trán hoài. Má cho tôi theo bà đi buôn bán, rồi học nghề thợ bạc, đều không thành. Đi buôn thì phải kín đáo, đằng này tôi cứ la làng lên, lộ bí mật hết trơn. Còn thợ bạc thì tôi dư khéo tay nhưng thiếu kiên nhẫn để ngồi một chỗ. Cuối cùng má đẩy tôi vô nghề kịch. Nghề này phù hợp với cái chân hay bay nhảy của tôi. Nhưng chính ở trường mà tôi trưởng thành lên. Khi đó, gia đình phá sản, tôi phải tự bươn chải kiếm sống, tự nhiên biết trân trọng đồng tiền và thời gian quý báu. Tôi phụ bán quán cà phê cho thầy Minh Nhí, rồi phụ làm phim cho Phước Sang, nói chung làm rất nhiều việc lặt vặt khác. Từ một cậu ấm trở thành người làm thuê, nhưng tôi lại tự tin, yêu đời hẳn lên. Bây giờ tôi đã làm má yên lòng, và sau khi ly dị vợ đã quay về ở chung với má.

* Nếu tự nhận xét về mình và về nghề nghiệp, anh rút ra điều gì lớn nhất trong ưu và nhược điểm?

- Về bản thân, ưu điểm lớn nhất của tôi là “thật”. Chính vậy mà hồi đó tôi được chị Hồng Vân tin cậy giao giữ tiền. Còn nhược điểm là không biết ngoại giao, cư xử lẫn ăn nói đều vụng về. Điều đó cũng ảnh hưởng tới cuộc hôn nhân vừa qua. Về nghề nghiệp, tôi biết mình hạn chế ở học thuật, nhưng bù lại tôi có kinh nghiệm gồng khán giả. Dĩ nhiên, tôi sẽ học hỏi thêm. Cụ thể là năm nay tôi đăng ký học khóa đạo diễn điện ảnh. Sở dĩ tôi chọn điện ảnh vì tôi thấy xu hướng sắp tới điện ảnh và truyền hình có nhiều cơ hội phát triển, trong khi sân khấu khó khăn lắm mới được đầu tư. Tôi thèm làm nhiều thứ, hy vọng làm được.

* Tôi biết, anh vừa đi đóng phim lại vừa viết kịch bản cho nhiều đài truyền hình, đang trong giai đoạn rất sung sức. Một câu hỏi riêng tư nhé, anh đã tìm được hạnh phúc mới chưa? Phẩm chất đầu tiên mà anh yêu cầu đối với người bạn đời của mình?

- Tôi cũng vừa có người bạn gái, ngoài ngành sân khấu. Tôi chỉ ước mơ một phụ nữ hiền lành. Vậy là đủ.

* Và ngôi nhà mơ ước anh đã có chưa?

- Tôi vừa dành dụm tiền đủ mua một miếng đất nhỏ ngoài Bình Triệu, có thể một hai năm nữa đủ tiền cất nhà. Nghệ sĩ đâu có giàu, một tuần diễn vài suất thôi mà. Cá biệt vở Người vợ ma và Quả tim máu ăn khách như vậy, coi như... hên. Tôi mơ ước ngôi nhà của mình sẽ giản dị, và bàn ghế sẽ do chính tay tôi đóng. Đừng ngạc nhiên, tôi cầm cưa cầm đục được lắm nha! Dĩ nhiên không khéo bằng thợ chuyên nghiệp, nhưng tôi thích chính tay mình làm ra sản phẩm. Những món đồ đó nếu đứng cạnh đồ bán ngoài shop thì sẽ thấy nó xấu, nhưng nếu chỉ đứng chung với nhau sẽ thấy có nét riêng. Chính là nét riêng của Thái Hòa. Bây giờ có máy bào, máy đục, máy tiện đầy đủ, nhỏ gọn, giúp người thợ dễ làm, tiết kiệm công sức. Tôi đã ngắm nghía hết rồi, sẽ rinh về cho coi. Viết kịch bản mệt, tôi lôi đồ nghề ra đóng, coi như thư giãn vậy mà.  

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.