Hàng rào kỹ thuật trong thương mại: Thách thức đối với hàng hóa Việt Nam

25/10/2005 14:35 GMT+7

Làm thế nào để hàng hóa Việt Nam không bị tiêu hủy hay bị trả lại khi lưu thông trên thị trường thế giới? Các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) đã chuẩn bị như thế nào để vượt qua những rào cản về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường... nhằm tăng cường xuất khẩu hàng hóa?

Thách thức lớn từ hàng rào kỹ thuật
 
Hàng rào kỹ thuật trong thương mại là những biện pháp kỹ thuật cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng trong nước, lợi ích quốc gia, bảo hộ sản xuất trong nước. Ở tầm thế giới, các biện pháp này tập trung trong Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (viết tắt theo tiếng Anh là TBT) do Tổ chức thương mại thế giới (WTO) soạn thảo.

Trong tương lai, khi gia nhập WTO, bắt buộc VN phải thực hiện TBT. Theo ông  Lê Quốc Bảo (Văn phòng TBT Việt Nam), thách thức lớn nhất của các DNVN là phải chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế như một loại ngôn ngữ quốc tế thống nhất về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Trong khi đó, trình độ công nghệ, quản lý và khả năng tài chính còn hạn chế, nhiều DNVN khó có thể áp dụng ngay tiêu chuẩn quốc tế đối với sản phẩm hàng hóa của mình.

Theo đó, DN thiếu thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, đối thủ cạnh tranh hàng hóa cùng loại, khiến DN khó có những bước đi thích hợp để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của mình, đặc biệt là chất lượng. Môi trường kinh doanh, pháp lý không ổn định và năng lực quản lý còn yếu là những thách thức của DN.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cao su Miền Nam (Casumina) nhìn nhận: khi VN gia nhập WTO, các DN phải “bơi ra biển lớn”, phải chấp nhập cuộc chơi. Việc thực hiện TBT là điều đương nhiên, điều này cũng đồng nghĩa chất lượng hàng hóa của VN phải đáp ứng được chất lượng quốc tế.

Trên lý thuyết, nhiều DN hiểu điều này nhưng không phải DN nào cũng thực hiện đúng và tốt được. Ông Quốc Anh chứng minh: “Có khá nhiều DN áp dụng tiêu chuẩn chất lượng của các nước mà họ định đưa mặt hàng vào, nhưng họ lại không đầu tư cho việc mua thiết bị để thử nghiệm. Kết quả mang lại không đạt được như ý muốn. Đây là hạn chế lớn, các DNVN cần phải ý thức để vượt qua”.

Kinh nghiệm từ Casumina và Ngô Han

Bằng kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Quốc Anh phân tích: để vượt qua rào cản về kỹ thuật của các nước, các DNVN cần lưu ý mấy điểm chính: hàng hóa phải đáp ứng được chất lượng, các vấn đề về an toàn kỹ thuật (hoặc vệ sinh thực phẩm), bảo vệ môi trường… Việc áp dụng các tiêu chuẩn từ các nước tiên tiến không khó do các nước đã có sẵn các bộ tiêu chuẩn.

Chỉ cần chúng ta đầu tư thiết bị, học hỏi và sản xuất theo công nghệ của họ là được. Chẳng có nước nào bắt chúng ta phải trả tiền khi sử dụng hệ thống tiêu chuẩn của họ. Điều quan trọng là khi sử dụng, các DN cần phải chọn đúng những nước tiêu biểu, hàng hóa của họ có ảnh hưởng lớn đến khu vực và các nước trên thế giới.

Chẳng hạn, ở châu Á nên chọn bộ tiêu chuẩn của Nhật Bản, ở Bắc Mỹ chọn tiêu chuẩn của Mỹ, và châu u thì tiêu chuẩn chung từ EU… Ngay từ khi VN mở cửa thị trường, Casumina đã tự xây dựng các bộ tiêu chuẩn nội bộ tương thích với các tiêu chuẩn tiên tiến trong khi chưa có tiêu chuẩn VN (TCVN) và xin công nhận sự hợp chuẩn của các tiêu chuẩn đó. Cụ thể, Casumina áp dụng tiêu chuẩn JIS 6366-6676 (của Nhật) cho lốp xe máy từ năm 2000. Đây cũng là tiền đề cho việc xây dựng TCVN 5721.

Để có được kết quả này, theo ông Nguyễn Quốc Anh, Casumina phải xây dựng một hệ thống phòng thí nghiệm đủ sức kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Hàng năm Casumina dành khoảng 10%-20% vốn đầu tư thiết bị cho các thiết bị thử nghiệm, xây dựng một đội ngũ thiết kế sản phẩm phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, Casumina cũng đặc biệt chú trọng đến sản xuất sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường. Nhờ vậy, sản phẩm như vỏ ruột xe máy của Casumina đã chiếm tới 45% thị phần cả nước, đồng thời xuất khẩu sang 25 nước và vùng lãnh thổ khác trên thế giới.

Tương tự, ông Ngô Văn Sung, đại diện cho Công ty cổ phần Ngô Han - đơn vị chuyên sản xuất dây điện từ - cho biết: Mặt hàng dây điện từ ở VN đã có tiêu chuẩn 4305-92, 6337-1997, 6338-1997. Các tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn phổ biến trên thế giới như JIS C 3202 và JIS 3204 của Nhật; NEMA MW - 1000 của Mỹ; IEC 60317 của Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế.

Các tiêu chuẩn thường không khác biệt ở các phần cơ bản, nhưng mỗi tiêu chuẩn có điểm khác biệt riêng, như kích thước, phương pháp và điều kiện thử nghiệm. Các tiêu chuẩn này thường được soát xét khi cần thiết và cập nhật thường xuyên. Ngô Han hiện có các tiêu chuẩn trên, đa số cập nhật và mua qua mạng Internet, có đầy đủ các thiết bị thử nghiệm theo các tiêu chuẩn. Thậm chí một số khách hàng muốn cung ứng theo đúng mẫu, đảm bảo chất lượng của họ đề ra, để từ đó họ dễ dàng kiểm soát, kiểm tra từng công đoạn cho phù hợp.

Việc gia nhập WTO nói chung và việc thực thi Hiệp định TBT nói riêng chứa đựng những thách thức và cả những thuận lợi. Nếu hàng hóa của VN đáp ứng được các vấn đề về hàng rào kỹ thuật thì sẽ tăng khả năng cạnh tranh.

Tất nhiên, để làm được việc này, nhà nước phải có kế hoạch xây dựng hoặc hỗ trợ DN trang bị các phòng thí nghiệm trọng điểm. Qua phòng thí nghiệm và hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến, chúng ta xây dựng hàng rào kỹ thuật để tự vệ, ngăn ngừa các nhà sản xuất có chất lượng thấp, làm ảnh hưởng đến hàng hóa VN.

Thúy Hải
(Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.