Để thị trường bất động sản phát triển mạnh

29/12/2004 15:34 GMT+7

Những năm gần đây thị trường bất động sản ở Việt Nam bắt đầu hình thành và đang phát triển với nhiều hoạt động phong phú, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là ở khu vực đô thị.

Các loại hình giao dịch bất động sản trên thị trường bao gồm mua bán, cho thuê, thế chấp, góp vốn liên doanh và các giao dịch khác. Thông qua các giao dịch này, các nguồn vốn từ bất động sản được huy động cho sản xuất, kinh doanh.

Việc Quốc hội vừa thông qua bộ Luât Đất đai (sửa đổi), tiếp đến là việc Chính phủ ban hành hàng loạt những nghị định hướng dẫn triển khai bộ Luật trên, cùng với Nghị quyết về một số giải pháp phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, tạo khung pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển một cách tích cực hơn trong thời gian tới.

Việc thu hẹp diện tích đất nhà nước trực tiếp thu hồi giao cho nhà đầu tư đã tạo cơ hội cho người nhận đất và người giao đất trực tiếp thỏa thuận giá chuyển nhượng hoặc giá cho thuê đất, trên cơ sở khung giá đất vừa được nhà nước ban hành đã tạo ra một “kênh mạnh” của thị trường bất động sản.

Quy định mới cũng cho phép đa dạng hóa hình thức đầu tư của doanh nghiệp bằng cách để người dân có thể góp vốn liên doanh bằng chính mảnh đất của mình. Ông Nguyễn Văn Xa, Cục trưởng Cục quản lý công sản Bộ Tài chính nhận xét, với hình thức này, ngoài việc giải quyết được những vấn đề liên quan đến mặt bằng sản xuất, còn giải quyết được cả những tác động xã hội có thể kéo theo khi tiến hành bồi thường, thu hồi đất như vẫn tiến hành từ trước tới nay.

Tuy nhiên, để thị trường bất động sản Việt Nam hoạt động mạnh mẽ, vào đúng quĩ đạo quản lý của Nhà nước, thực sự trở thành kênh huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, theo ông Đỗ Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện khoa học tài chính, thì vấn đề cốt lõi là phát triển mạnh thị trường bất động sản chính thức dựa trên cơ sở hàng hóa bất động sản đủ điều kiện pháp lý ngày càng tăng. Điều này đòi hỏi phải có một hệ thống giải pháp đồng bộ, bao gồm hệ thống pháp lý, quản lý nhà nước và thị trường kinh doanh.

Hệ thống pháp lý là giải pháp cơ bản và quan trọng nhất để quản lý và phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân là một điều kiện đặc biệt để hợp thức hóa quyền về bất động sản, trên cơ sở đó bất động sản mới có thể giao dịch một cách hợp pháp trên thị trường.

Ông Minh cho rằng, thời gian tới, Nhà nước cần lập một hệ thống cơ quan chuyên trách quản lý về bất động sản; phát triển hệ thống doanh nghiệp kinh doanh bao gồm môi giới, tư vấn và dịch vụ bất động sản. Phát triển và tạo lập hàng hóa bất động sản. Phát triển hệ thống thông tin theo hướng đa dạng hóa, công khai và minh bạch thông tin về bất động sản như về pháp luật, cơ chế chính sách, qui hoạch, kế hoạch liên quan đến quản lý và phát triển thị trường bất động sản. Đồng thời, Nhà nước cũng cần quan tâm đào tạo một đội ngũ chuyên gia hoạt động trên loại hình thị trường này.

Thị trường bất động sản ở Việt Nam mới phát triển mạnh từ năm 1993 đến nay nhưng cũng chỉ ở dạng thị trường bất động sản sơ khai, phát triển một cách tự phát theo qui luật “có cầu sẽ có cung”. 70% giao dịch về bất động sản là trên thị trường không chính thức, người dân theo thói quen mua bán trao tay, nhà nước không kiểm soát được. Chỉ có 30% giao dịch chính thức, nghĩa là có đăng ký, nộp thuế.

Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này là từ năm 1993 trở về trước, Nhà nước không thừa nhận đất đai - yếu tố cơ bản của bất động sản - được giao dịch trên thị trường. Thêm vào đó, một tỷ lệ khá lớn bất động sản không đủ hồ sơ pháp lý để có thể tham gia các hình thức giao dịch.

Thủ tục chuyển nhượng, đặc biệt là khu vực ở đô thị, phức tạp và kéo dài cùng với các loại thuế, phí tuy được điều chỉnh giảm khá nhiều nhưng vẫn cao đã không khuyến khích được người dân làm các thủ tục mua bán với Nhà nước.

(Theo TTXVN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.