Đi nước ngoài lao động không công

04/04/2014 09:00 GMT+7

Khát khao làm giàu, khát khao đổi đời, không ít thanh niên nông thôn sẵn sàng vay mượn hàng trăm triệu đồng để được ra nước ngoài làm việc. Nhưng nhiều người trong số đó đã bị bóc lột sức lao động, trắng tay trở về.

 Đi nước ngoài lao động không công
Tống Thị Thanh (phải) đang tìm hiểu thông tin về phòng chống buôn bán người - Ảnh: H.Bình

Làm cật lực chỉ đủ trả nợ

Năm 2012, học hết THPT, Tống Thị Thanh, ở xã Hà Bắc, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) được người quen giới thiệu đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Cùng là người trong xã nên Thanh chỉ phải trả công giới thiệu cho người môi giới với giá “hữu nghị” 2 triệu đồng. Tuy nhiên, tính ra để được sang Đài Loan, Thanh đã phải trả phí môi giới 1.700 USD (khoảng gần 40 triệu đồng). Chưa dừng lại ở đó, theo lời Thanh kể, sang đến Đài Loan, hằng tháng tiếp tục bị trừ tiền vào bảng lương tiền môi giới.

Thanh bộc bạch: “Công việc không như mong muốn, lại còn bị chủ đánh đập nên em xin được chuyển công ty khác. Phía môi giới ở Việt Nam chỉ hứa hẹn, không giải quyết cho em. Quá căng thẳng và áp lực, em xin về nước trước hạn. 8 tháng làm việc cật lực tại Đài Loan coi như đi làm không công, giờ em vẫn còn nợ ngân hàng 50 triệu đồng”.

Khác với Thanh, trước khi sang Malaysia làm việc, chị Tống Thị Oanh ở xã Hà Bắc, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) không phải tốn tiền môi giới. Tuy nhiên, cũng giống như Thanh, khi sang đến nơi, chị Oanh “vỡ mộng” bởi sự thật không như những gì môi giới quảng cáo.

“Họ nói cứ qua Malaysia làm, tiền nợ sẽ trừ dần vào lương hằng tháng. Quá tin tưởng, họ bảo ký là ký, tôi cũng chẳng biết tên công ty đưa mình đi, cũng chẳng nhớ trong hợp đồng viết gì. Sang Malaysia, lương 4 triệu đồng/tháng, chỉ đủ tiền ăn. Để có tiền trả nợ, tôi gần như phải vắt kiệt sức, làm việc cật lực 13 -14 tiếng/ngày. Ngoài làm việc tại nhà máy lắp ráp điện tử, tôi còn đi rửa bát tại quán ăn vào các buổi tối và nhận lau chùi nhà cửa vào cuối tuần”, chị Oanh nhớ lại. Sau 3 năm, trả hết nợ, hết hợp đồng, chị Oanh trở về quê hương. Chị thấy mình may mắn vì ở bên Malaysia nhiều phụ nữ bị lừa chưa có cơ hội trở về.

 

100% NLĐ không biết đến quy định chi phí đi làm việc ở nước ngoài

Nghiên cứu của Tổ chức ILO tại Thanh Hóa và Quảng Ngãi cho thấy gần như 100% NLĐ không biết đến quy định chi phí đi làm việc ở nước ngoài cũng như các quy định của Chính phủ về tiền dịch vụ, tiền môi giới và việc hoàn trả các khoản tiền này; 90% NLĐ không biết về quyền được giữ giấy tờ, hộ chiếu ở nước ngoài; có tới 80% NLĐ không biết đến điều khoản trên hợp đồng; NLĐ không biết sẽ đi lao động thông qua kênh nào.

Theo anh Nguyễn Văn Kiên, ở Yên Phong, huyện Yên Định (Thanh Hóa), từng làm lái xe ở Ả Rập Xê Út, trong 2 năm làm lái xe tại đây anh đã chứng kiến rất nhiều lao động Việt Nam bị bỏ mặc, bơ vơ nơi đất khách. Anh Kiên cho biết: “Có tới 90% môi giới đưa lao động sang Ả Rập Xê Út không làm đúng công việc ký kết trong hợp đồng. Thậm chí, có  nhiều môi giới đưa người lao động (NLĐ) sang đến nơi không biết tiếng, không có chủ đón, chấp nhận làm việc cực khổ với mức lương thấp”.  

Trang bị kỹ năng phòng tránh rủi ro

Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của thanh niên nông thôn, nhiều đối tượng và công ty môi giới đã dụ dỗ NLĐ đưa ra nước ngoài với chiêu bài hứa hẹn công việc ổn định, thu nhập cao. Bà Nguyễn Mai Thủy, chuyên viên Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì NLĐ thiếu thông tin về di cư an toàn hợp pháp.

Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội, ông Gyorgy Sziraczki, cho biết: “Việc thiếu hiểu biết khiến NLĐ lâm vào các hoàn cảnh rủi ro. NLĐ đi làm việc ở nước ngoài có đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng và phát triển cho cả quốc gia phái cử và quốc gia tiếp nhận. Đáng buồn là nhiều người trong số họ đã bị bóc lột, lạm dụng và thậm chí, trở thành nạn nhân của những kẻ buôn bán người”.

Theo anh Ngọ Văn Khuyến, Phó trưởng ban Thanh niên công nhân và đô thị (T.Ư Đoàn), ai cũng có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người. Trong đó, thanh niên luôn là đối tượng dễ bị dụ dỗ nhất. Câu chuyện của chính những người trong cuộc sẽ là bài học cảnh tỉnh cho người dân, đặc biệt là thanh niên nông thôn trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Cuối năm 2013, T.Ư Đoàn phối hợp với Tổ chức ILO và Quỹ chấm dứt buôn bán người và bóc lột lao động triển khai chương trình truyền thông về di cư an toàn cho thanh niên tại 4 tỉnh: Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Ngãi.

“Sau chương trình triển khai tại 4 tỉnh kết thúc, chúng tôi đề xuất mở rộng hoạt động truyền thông tại các tỉnh miền Tây Nam bộ và các tỉnh phía bắc giáp biên giới Trung Quốc, nơi có nhiều NLĐ di cư bất hợp pháp chưa được bảo vệ”, anh Khuyến cho biết. 

Hải Bình 

>> Bắt 2 người lừa xuất khẩu lao động, chiếm đoạt 2,5 tỉ đồng
>> Lừa 76 người đi xuất khẩu lao động, chiếm đoạt cả tỉ đồng
>> Dừng hoạt động 14 doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang Đài Loan
>> Mỗi doanh nghiệp xuất khẩu lao động chỉ được mở 3 chi nhánh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.