Đoạn kết của bạo lực học đường

28/12/2010 14:03 GMT+7

Người mẹ thẫn thờ tựa vào thành ghế buồn phiền, mệt mỏi. Nhìn chị, tôi thoáng nghĩ đến những người bố, người mẹ nói giọng miền Trung hay Tây nguyên mà tôi thường gặp ở cổng những ngôi trường dân lập ở TP.HCM.

Họ đến từ những vùng quê xa xôi, nghèo khó, lặn lội mưu sinh để đưa con lên TP.HCM học cho bằng bạn bằng bè và mong một tương lai xán lạn. Họ chưa bao giờ nghĩ trong những nguy cơ của những chuyến đi học xa quê của con trẻ, xa vòng tay cha mẹ ấy, có cả nguy cơ phải đứng trước vành móng ngựa.

Học hết bậc THCS ở Đăk Min, Đăk Nông, N.B.Q. (17 tuổi) theo anh chị về TP.HCM và xin vào học tại Trường DL NBK, Q.3, TP.HCM. Trưa 11-11-2009, ăn xong Q. (lúc đó học lớp 11) về phòng mình nghỉ trưa thì gặp T.S. (học sinh lớp 12) ở cầu thang. Lời qua tiếng lại, S. dùng một ly nhựa ném vào mặt Q.. Hai bên xông vào xô xát nhưng được bạn bè can ngăn nên dừng lại, ai về phòng nấy. Chiều hôm đó, Q. chủ động hẹn S. ra bãi giữ xe của trường để nói chuyện. Q. ghé một xe hàng rong trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa mua một con dao Thái loại dài 10cm “để phòng thân”. Con dao được gói trong tờ giấy tập học sinh, nhét vào túi quần đồng phục.

Vừa nhìn thấy Q. ngồi chờ trên xe gắn máy ở bãi, S. và nhóm bạn đi cùng liền lao đến. S. đánh vào mặt và miệng Q. rớm máu rồi đẩy Q. té ngã vào bờ tường. Không kịp suy nghĩ gì, Q. rút dao ra đâm túi bụi về phía sau, trúng bụng và hông trái của S. Rồi Q. lên xe máy định bỏ chạy. Nhưng S. tiếp tục lao vào đánh Q. Q. đâm tiếp mấy nhát vào hông S. rồi lên xe chạy đi. Ngang qua bờ kênh Nhiêu Lộc, Q. ném con dao để phi tang. Nhưng hoảng sợ và hối hận, Q. đã về nhà kể với anh trai và ra cơ quan công an đầu thú.

Có mặt tại phiên tòa, bố của S. nén tiếng thở dài: “Xin tòa răn đe để cháu biết rằng từ nay đừng nên như thế nữa, nhưng cũng xin tòa rộng đường cho cháu Q. có cơ hội sửa đổi, làm lại cuộc đời còn dài vì cháu còn quá trẻ”. Ông thông cảm bởi “con người ta cũng như con mình, cũng có lúc lầm lỡ, xốc nổi”. Chứng kiến cơn nguy kịch của con trai trên giường bệnh với bảy nhát dao đâm vào bụng, hông, lưng làm thủng đại tràng, đa chấn thương phần mềm, phải làm hậu môn nhân tạo, tỉ lệ thương tích được giám định là 48% thương tật vĩnh viễn, nhưng dường như sợi dây thông cảm giữa những người cùng làm cha làm mẹ đã khiến gia đình ông viết đơn bãi nại.

Mẹ của Q. nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng “con dại cái mang”. Nghe tin con gây họa, bà phải đi vay mượn, bán đồ đạc trong nhà để có số tiền 40 triệu mang xuống bệnh viện hỗ trợ chi phí điều trị cho S. Người mẹ ở vùng đất Đăk Min còn vất vả, nghèo khó ấy chưa bao giờ nghĩ rằng đứa con mà mình dồn bao hi vọng hôm nay lại phải đứng trước vành móng ngựa. Cha Q. mất đã 13 năm nay. Một mình chị tần tảo ruộng vườn nuôi tám người con, không để đứa nào lỡ làng việc học.

Luật sư Đặng Đức Trí, người bào chữa cho Q., ngậm ngùi: “Những vụ án mà bị cáo và người bị hại là học sinh ở độ tuổi vị thành niên nhiều lắm, bắt nguồn từ những xung đột nhỏ ngay trong nhà trường, do các em tụ tập thành băng nhóm hoặc em này đè nén, chèn ép em kia dẫn đến “con giun xéo lắm cũng oằn”.

Tại phiên tòa sơ thẩm sáng 23-12, Tòa án nhân dân quận 3 đã tuyên mức án 3 năm 6 tháng tù giam cho Q. vì tội cố ý gây thương tích. S. không tham dự phiên tòa vì bận đi học. Một năm đã trôi qua, gia đình S. nói “vết thương của S. để lại những vết sẹo dài ở cả thể xác lẫn tinh thần”. Còn với mẹ và các anh chị em của Q. có mặt tại phiên tòa, những khoảng lặng trong giờ nghị án, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi khi thấy Q. gầy rộc, run run đứng trước vành móng ngựa, nói “nhà con nghèo lắm, xin gia đình bị hại đừng đưa số tiền bồi thường cao quá, mẹ con trả không nổi” có lẽ là những khoảng lặng theo họ mãi suốt cuộc đời.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.