"Con ước một đôi giày mới"

09/11/2007 15:56 GMT+7

(TNO) Một cô bé 11 tuổi tự tử vì quá nghèo! Tin đó đã làm cho người lớn giật mình, đau xót và thấy khó tin. Cái tuổi 11 hồn nhiên, vô tư làm gì cảm nhận cái nghèo đến cụ thể, đến rành mạch, đến nghiệt ngã ở mức như thế? Nhưng em đã nghiền ngẫm nó mỗi ngày và để cho nó quật ngã bằng một sợi dây nilon quấn quanh cổ trong túp lều tối om rách nát. Chuyện xảy ra ở Philippines, trên đảo Mindanao.

Tất cả những gì em mơ ước là một đôi giày mới, một chiếc xe đạp và được đi đến trường. Nhưng gia đình em quá nghèo nên các giấc mơ của em trở nên quá xa xỉ.

Đêm trước khi treo cổ, em xin cha 100 peso (khoảng 2USD) để đóng tiền ở trường, nhưng cha em không có xu nào trong túi. Ngày hôm sau, ông đã nài nỉ người khác để được ứng trước 1.000 peso cho công việc sửa chữa vụn vặt mà ông đang làm tại một đền thờ. Người cha mừng rỡ mang về cho con nhưng tất cả những gì ông nhìn thấy là cái xác cứng đờ của đứa con gái 11 tuổi.

“Con tôi đã làm như thế vì hoàn cảnh túng quẫn của chúng tôi”, người cha thẫn thờ nói.


Tên em là Mariannet Amper, 11 tuổi. Em đứng bên trái trong bức ảnh này.  (Ảnh AFP)

Ông tìm thấy dưới gối con một bức thư, không phải gởi cho ông mà cho một chương trình trên truyền hình mang tên Tôi chỉ mơ ước. Em viết: “Con ước một đôi giày mới, một cái túi xách và mong cha mẹ có việc làm. Cha con thất nghiệp, còn mẹ thì chỉ có thể đi giặt đồ thuê. Con còn muốn có thể học cho đến ngày tốt nghiệp và giá như con có thể mua được một chiếc xe đạp”.

Gia đình em chẳng phải là một ngoại lệ quá đặc biệt mà nằm trong số hàng triệu người dân sống với chưa đầy một dollar một ngày. Tỉ lệ này lên đến 14% trong số 87 triệu dân Philippines. Chính phủ thì vẫn không ngừng đưa ra những con số để chứng minh rằng nền kinh tế đất nước tăng trưởng không ngừng. Nhưng, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới này, sự khác biệt giữa những người có tài sản và không có tài sản ngày càng lớn, khác biệt đến nghiệt ngã.

Cha em là một phụ hồ nhưng đã nhiều tháng rồi, ông hầu như thất nghiệp hoàn toàn. Còn mẹ em được nhận làm công nhân cho một nhà máy bún khô nhưng chỉ là làm vài tiếng một ngày. Bà phải đi giặt đồ thuê để ráng kiếm thêm vài đồng.

Cả nhà em sống trong một túp lều không có điện mà cũng chẳng có nước.

Em cũng để lại một quyển nhật ký, trong đó có đoạn: “Tôi có cảm giác như là tôi đã nghỉ học cả tháng rồi. Người ta không điểm danh tôi nữa”.

Cha em cho biết vào thời điểm này, em chỉ nghỉ học có 3 ngày nhưng có lẽ ngần ấy thời gian không được đến trường đã dài như cả tháng đối với em. Không có tiền mua  thức ăn và cũng không có tiền xe buýt chính là lý do khiến em phải nghỉ học “cả tháng”.

Ngày 14.10, em viết: “Chúng tôi không thể đi lễ được vì không có tiền đi xe. Cha lại lên cơn sốt. Vậy là mẹ và tôi lại giặt đồ thuê...”.

Những gì xảy ra đã làm đất nước Philippinnes và những phần còn lại của thế giới phải xót xa. Nhiều quan chức Philippines, trong đó có cả Tổng thống, đã đến thăm gia đình em, nhận trách nhiệm về mình và đưa ra những lời hứa. Nhưng gia đình em đâu phải là một ngoại lệ. Chỉ riêng ở Philippines, có đến cả hơn chục triệu người đang phải sống trong những hoàn cảnh tương tự, còn nếu tính trên cả thế giới này, con số đó phải nhân lên rất nhiều.

Cùng lúc đó, con số những tỉ phú, những triệu phú dollar thì không ngừng tăng lên với cấp số nhân. Thế giới này đang giàu lên rất nhanh, nhanh đến  chóng mặt. Nhưng một phần rất lớn thì bị bỏ rơi lại phía sau, ở một khoảng cách quá xa…

Đoan Nhật (Theo Inquirer, Independent, AFP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.