Chuẩn bị cẩn thận khi xóa trường mầm non bán công

08/12/2005 22:03 GMT+7

Trong báo cáo 2 năm thực hiện Nghị quyết 161 về giáo dục mầm non của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã nhận định "một trong những thành công lớn của giáo dục mầm non về xã hội hóa giáo dục là tỷ lệ trường, lớp ngoài công lập rất cao, chiếm 57,51%".

Trong số đó, hiện cả nước có 5.980 trường ngoài công lập thì trường bán công chiếm tỷ lệ 82,05%, còn lại dân lập 9,97% và tư thục 7,98%. Sở dĩ mô hình trường mầm non bán công được nhiều địa phương lựa chọn vì tùy theo điều kiện nhân dân đóng góp, ít nhất là 50% để xây dựng trường lớp, chi trả lương giáo viên và hoạt động của trường.

Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, giáo dục mầm non do ngân sách xã, phường đảm nhiệm, tùy khả năng cụ thể để chi. Những nơi thu không đủ, hằng năm xã dự toán ngân sách để hỗ trợ... Luật Giáo dục sửa đổi và Nghị quyết 05/2005 của Chính phủ đối với giáo dục mầm non chính thức áp dụng vào đầu năm 2006 có nêu rõ các loại hình giáo dục bao gồm: trường công lập, trường dân lập và tư thục, trường công lập giữ vai trò nòng cốt. Như vậy, con số lớn trường bán công sẽ không còn tồn tại mà phải chuyển sang dân lập, tư thục. Chuyển đổi mô hình nhưng học phí khó có thể chuyển đổi đồng loạt theo thì nếu thu học phí không đủ cho hoạt động, liệu ngân sách có hỗ trợ cho các trường này nữa hay không? Do vậy, không ít lãnh đạo của Sở GD - ĐT các tỉnh, thành đều cho rằng nên thận trọng và nghiên cứu kỹ điều kiện và lộ trình khi thực hiện.

Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý thông qua đề án mầm non và cho phép các địa phương tự quyết định lộ trình chuyển đổi các trường mầm non bán công sang tư thục, và được kéo dài lộ trình thực hiện đến năm 2010. Sau khi Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn lộ trình thực hiện cho các địa phương.

T.H

Tính riêng TP.HCM, hiện có gần 200.000 trẻ đang theo học tại 549 trường mầm non trong đó 29.83% HS học ở trường dân lập, tư thục, 13.54% HS học ở trường bán công, còn lại là số HS học trong các trường công lập. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD - ĐT TP.HCM thì: "Trẻ từ 0-6 tuổi là giai đoạn phát triển đặc biệt, nếu không được chăm sóc tốt sẽ khó phục hồi, phát triển về chiều cao, phát triển trí não kéo theo khả năng nhận thức bị hạn chế. do vậy, Nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư cho bậc học mầm non để thực hiện việc phát triển toàn diện. Thực tế thì xã hội hóa là để tăng nguồn thu cho giáo dục mầm non từ nhân dân chứ không có nghĩa là bớt kinh phí. Nhà nước nên vẫn giữ nguyên để tập trung kinh phí cho các vùng miền khó khăn xây dựng hệ thống trường lớp đạt yêu cầu chuyên môn và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ đều khắp mọi khu vực. Nếu để phụ huynh lo hết, nhiều gia đình không đủ tiền gửi con em mình vào học trường có mức thu cao hơn công lập hoặc bán công hiện nay".

Theo kế hoạch của Bộ GD - ĐT thì dự kiến đến năm 2010 có khoảng 50% trường mầm non ở khu vực nông thôn là trường dân lập, 30% ở thành phố và nơi thuận lợi là trường tự chủ tài chính cho chi hoạt động thường xuyên. Năm 2015 còn 20% số trường công lập, 50% dân lập và 30% tư thục. Ngoài ra, tùy vào điều kiện thuận lợi của từng địa phương có thể nghiên cứu chuyển thử nghiệm một số trường sang hình thức cổ phần, còn không thì hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính hay chuyển bán công về công lập trong trường hợp xét thấy thật cần thiết.

Nhìn chung, một lộ trình chuyển đổi tác động lớn đến đời sống như việc xóa bỏ mô hình trường mầm non bán công là không thể vội vã và thực hiện duy ý chí dù rằng đây là một chủ trương đúng. Đa số các địa phương đều đề nghị được lùi thời gian thực hiện để làm tiếp công tác chuẩn bị chính sách, cơ sở vật chất đảm bảo cho sự chín muồi khi triển khai.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.