Xây dựng luật - chất lượng hàng đầu

09/11/2005 00:22 GMT+7

Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày chủ nhật 6.11.2005 có đăng ghi chép của phóng viên về ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Văn An tại phiên họp QH ngày 5.11.2005. Chủ tịch QH tuy chủ yếu nói về Luật đầu tư đang được bàn nhưng, nhân đó, nhắc lại một nguyên tắc bao quát trong công tác xây dựng luật của QH: "Chúng ta đang bàn về Luật Đầu tư, có liên quan đến Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, ta cùng bàn một lúc, làm sao cho ba luật cái này không cài cái kia, vì mỗi lĩnh vực đã có một luật riêng, nhưng luật phải có chất lượng, chứ không phải chúng ta chỉ làm cho có luật...".

Đúng vậy. Nhu cầu đất nước có đủ luật là bức xúc đối với tiến trình phát triển đang hội những điều kiện vượt cao trong thời gian trước mắt, không chỉ vì chúng ta sẽ là thành viên của WTO hay mở rộng hội nhập với bên ngoài, mà chính là vì chế độ chúng ta cần triển khai trong một môi trường pháp trị. Lợi ích của đất nước, của các tầng lớp nhân dân, của mỗi thành phần kinh tế hợp thành nền kinh tế quốc gia, lợi ích của công dân - kể cả người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài - chủ đạo nội dung xây dựng luật của QH. QH khá vất vả bởi điểm xuất phát còn thấp của nước ta trong hình thành một nền pháp chế chặt chẽ, bảo đảm dân chủ xã hội, bảo đảm công bằng, nói chung là bảo đảm trình độ văn minh quốc gia, cho nên QH phải bỏ nhiều công sức cho từng luật một, lấy tính khả thi của luật làm tiêu chuẩn. Tất nhiên, tình hình trong nước và thế giới không ngừng biến động, không thể có luật nào đó chỉ cần một lần thông qua là đủ, mà phải tiếp tục được bổ sung, sửa đổi. Nhưng, cái chúng ta phải tránh là hệ thống luật thiếu hài hòa với nhau, một số điều khoản của luật này chỏi lại với một số điều khoản của luật kia, đồng thời cũng phải tránh chuyện luật vừa ban hành tại kỳ họp QH trước lại thành đối tượng chỉnh lý của kỳ họp QH sau, ngay trong một khóa QH.

QH đã có nhiều tiến bộ trong kế hoạch làm luật, song cho đến nay, thao tác làm luật thật ra tính chuyên nghiệp vẫn chưa cao, đôi trường hợp luật nặng về làm công tác tư tưởng, nặng về lý giải đạo đức, na ná như một nghị quyết lấy kêu gọi thi hành thay cho những điều khoản không thể hiểu khác. Nếu luật mà mỗi người, mỗi cấp có thể giải thích theo ý riêng của mình thì chưa thể gọi là luật được, cũng chưa phải là một văn bản bắt buộc áp dụng trong đời sống.

Làm luật "không chạy theo số lượng, phải bảo đảm chất lượng", như ý kiến của Chủ tịch QH, nghĩa là, có thể tại kỳ họp này, QH chưa thông qua một bộ luật cụ thể, mặc dù đã có trong chương trình, để luật được xem xét chặt chẽ hơn.

Dư luận rất đồng tình với ý kiến của Chủ tịch QH...

11.2005

Trần Bạch Đằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.