"Báo cáo" không đợi tuổi

26/11/2006 22:27 GMT+7

Là người công tác trong một cơ quan Nhà nước nên tôi có dịp tham gia rất nhiều cuộc họp từ cấp cơ sở đến cấp cao. Thông thường, trong các buổi họp, sau phần nghi thức là đến phần chúng ta trình bày các "báo cáo".

Những bài báo cáo hầu như là công đoạn không thể thiếu trong một cuộc họp. Những cuộc họp trong các cơ quan Nhà nước, với những vị chức sắc ngành này ngành nọ, cấp này cấp nọ thì buộc phải có phần đọc báo cáo đã đành. Ấy vậy mà có những buổi gặp gỡ, liên hoan thân mật, trao quà, đóng góp ủng hộ,... không cần thiết số liệu dài dòng thì cũng đang bị nhiều nơi "số hóa" bằng những bản báo cáo. Và người trịnh trọng lên trên bục đọc báo cáo có khi là những em nhỏ đang trong độ tuổi nhi đồng.

Vừa rồi, tôi có dịp tham dự một cuộc biểu dương "Con hiếu thảo, trò chăm ngoan" của một quận trong thành phố. Sau một loạt bài báo cáo của các vị đứng đầu các ngành cấp quận, người dẫn chương trình liền giới thiệu một số gương mặt thiếu nhi tiêu biểu của quận lên báo cáo thành tích. Thế là lần lượt các em nhỏ bước lên bục với tờ báo cáo đã được đánh máy sẵn. Nhiều em có gương mặt rụt rè, khi đọc báo cáo thì giọng run rẩy, lo lắng. Nhưng có em dường như đã quen đọc báo cáo trong các lần nhận thưởng nên cũng dõng dạc phát biểu: "Cộng hòa Xã hội...", "Kính thưa...", "Để đạt mục tiêu này, em đã phấn đấu..." như những vị quan chức. Nghe mà thương cho các em.

Việc đọc báo cáo trong các cuộc hội họp ở nước ta đang bị lạm dụng thái quá, gây lãng phí thời gian và xa rời thực tế. Chúng ta cần tiến tới hạn chế các loại báo cáo không cần thiết càng nhiều càng tốt. Thay vì đọc báo cáo, chúng ta nên để thời gian đó thảo luận, xây dựng hướng giải quyết vấn đề thì sẽ hiệu quả và thực tế hơn. Đặc biệt là đối với lứa tuổi nhỏ, chúng ta không nên khuyến khích, hướng dẫn hay ép buộc các em làm quen với lối hình thức hóa như việc đọc báo cáo...

Tuấn Lâm (TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.