"Kê toa" cho thị trường

20/12/2009 23:28 GMT+7

Chỉ trong gần 2 tháng, chứng khoán đã mất khoảng 30% giá trị. Lý do khiến thị trường lao dốc đã được mổ xẻ nhiều nhưng "kê toa" cho thị trường thì ít được nói đến. Mời nghe đọc bài

"Tại sao cứ để tin đồn bung ra..."

Thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang đề xuất việc cho phép nhà đầu tư (NĐT) giao dịch chứng khoán trước thời điểm T+3 đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Theo quy định, chiều ngày giao dịch thứ 3 thì chứng khoán hoặc tiền mới về tới tài khoản của NĐT. Có nghĩa là, sáng ngày thứ 4, NĐT mới có thể giao dịch bằng tiền hay chứng khoán đó. Việc rút ngắn thời gian giao dịch T+3 có thể giúp NĐT mua, bán chứng khoán sớm hơn.

Các chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh các phiên tăng điểm ngắn ngủi, không đủ sức "phủ" lên chu kỳ T+3 hiện nay, việc bắt NĐT mua, bán chứng khoán và chờ đợi hết chu kỳ T+3 khiến thị trường mất hấp dẫn. Nhưng nếu rút ngắn chu kỳ T+3 sẽ mở ra cơ hội lớn cho NĐT. Với góc nhìn này, chuyên gia Lê Đạt Chí nói, việc rút ngắn thời gian T+3 có thể coi là liều thuốc đặc trị giúp thị trường chứng khoán thoát ra khỏi cảnh ảm đạm kéo dài cả tháng nay.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng (TP.HCM) lại đánh giá, “liều thuốc đặc trị” và có hiệu quả tức thì phải từ các cấp vĩ mô như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước  và các bộ, ngành có liên quan. Đó là liều thuốc "phải lên tiếng" để cân bằng giữa tin đồn và thông tin chính thống. Theo ông Dương, liều thuốc này đã từng phát huy tác dụng trên thị trường vàng. Còn nhớ, khi giá vàng trong nước phi mã, luôn cao hơn so với giá vàng thế giới thì tuyên bố cho nhập khẩu vàng đã ngay lập tức khiến giá vàng trong nước giảm mạnh. Tương tự, thị trường chứng khoán hiện nay hỗn loạn, tâm lý NĐT quá yếu vì các tin đồn. Đơn cử như thông tin về lạm phát cao, về doanh nghiệp thua lỗ, về khả năng tiếp tục tăng lãi suất cơ bản, thổi giá, “cá mập” chứng khoán... nhưng các thông tin ngược lại không cân đối.

"Chúng ta có đủ cơ sở, đủ điều kiện để công bố lạm phát năm 2010 dưới 7%; dự trữ ngoại tệ là 20 tỉ USD chứ không phải 15 tỉ USD như thiên hạ đoán già đoán non; chúng ta cũng phải khẳng định sẽ xử phạt thật nặng việc làm giá chứng khoán hay "cá mập" lũng đoạn thị trường... Tại sao ta không lên tiếng. Tại sao cứ để tin đồn bung ra rồi mới đưa thông tin chữa cháy", ông Dương nói.

Ông Dương cho rằng, các chuyên gia, các nhà phân tích có nói gì lúc này cũng không đủ thuyết phục vì tâm lý NĐT đang quá hoang mang, quá yếu. Đây là lúc mà các cơ quan bộ ngành có thẩm quyền phải lên tiếng thì mới có hiệu quả và "trị" được căn bệnh của thị trường.

Phải tham lam...

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính tại TP.HCM, trong tất cả các thông tin về nguyên nhân sụt giảm của thị trường 2 tháng gần đây, có một thông tin đã bị lãng quên. Đó là dự báo của các chuyên gia, các tổ chức phân tích trong và ngoài nước thời điểm đầu năm rằng VN-Index cuối năm 2009 ở mức 400 - 450 điểm là hợp lý. Nguyên nhân bị quên khiến việc "chẩn bệnh" thị trường trầm kha hơn nội tại của nó.

Trên thực tế, sự "hưng phấn" thái quá của NĐT trong quý 2 và quý 3 đã khiến thị trường "lố đà", vượt lên 600 - 650 điểm. Mốc nguy hiểm theo giới phân tích nhận định từ đầu năm. Nếu "chiếu" theo các dự đoán từ đầu năm thì việc thị trường quay đầu xuống mức 400 - 450 điểm hiện nay "không có gì là bất bình thường". Câu hỏi đặt ra hiện nay là, NĐT nên hành động như thế nào? Ông Hiển cho rằng, lúc này là lúc vận dụng câu nói nổi tiếng của NĐT lừng danh Warren Buffet: "Khi thị trường sợ hãi thì mình phải tham lam". "Với bản thân tôi, VN-Index xuống dưới 450 điểm là đáng mua, còn xuống dưới 400 điểm thì đã đến lúc vận dụng chiến lược của Warren Buffet, phải tham lam rồi", ông Hiển nói.

Đây không chỉ là lý thuyết suông. Theo giới phân tích, nếu P/E (thị giá/vốn) của thị trường năm 2009 dưới 11,5 nghĩa là cổ phiếu đã rẻ và có thể mua vào được. Nhưng sau 2 tháng sụt giảm mạnh, P/E tính của năm 2009 chỉ còn khoảng 10,8, mức P/E theo đánh giá của Công ty cổ phần chứng khoán TP.HCM (HSC)  là mức "P/E thị trường trong giai đoạn khủng hoảng nhất". Đồng nghĩa với việc cơ hội đầu tư cổ phiếu giá rẻ đang mở ra cho các NĐT. Động thái của giới đầu tư chuyên nghiệp và các NĐT nước ngoài trên thị trường trong phiên giao dịch cuối tuần qua cho thấy, họ đang "bắt đáy" các cổ phiếu tốt khi thị trường rơi xuống dưới ngưỡng 450 điểm.

"Thuốc đặc trị" có thể "bốc" sớm hay muộn; sức khỏe thị trường có thể hồi phục nhanh hoặc lâu khó nói trước. Nhưng nếu NĐT vẫn cứ rơi vào tình trạng khi chứng khoán cao giá thì tranh mua còn lúc giá cổ phiếu hợp lý hơn lại sợ hãi thì rất khó nói đến thành công khi tham gia kênh đầu tư này.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.