Lời riêng nói cho chung

17/11/2009 00:34 GMT+7

Chính phủ của Thủ tướng Úc Kevin Ruud lại một lần nữa phá bỏ điều cấm kỵ khi công khai nói lời xin lỗi về chính sách lạm dụng và bỏ mặc khoảng 500.000 trẻ em nhập cư từ nước Anh.

Năm ngoái, cũng đích thân ông Ruud xin lỗi những trẻ em người bản xứ bị cưỡng bức làm con nuôi trong các gia đình da trắng nhập cư. Chính sách nói trên thật ra đã chấm dứt từ hồi cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, nhưng phải mãi đến tận bây giờ và cũng phải chờ đến chính phủ của ông Ruud thì các nạn nhân mới được xin lỗi và phục hồi danh dự. Như thế cũng đủ để thấy đó là những quyết định rất quả cảm của ngài thủ tướng.

Nhưng lời xin lỗi ấy rất cần thiết đối với việc khắc phục một trong những thời kỳ lịch sử tăm tối nhất ở Úc mà có vượt qua được nó thì quá trình hòa giải dân tộc và cùng hướng tới tương lai chung mới có thể khả thi và nhanh chóng thành công. Đó cũng còn là một con chủ bài rất đắc dụng về chính trị nội bộ của ông Ruud. Lời xin lỗi này của Chính phủ Úc có phần muộn màng đối với đất nước này, nhưng vẫn chưa hề muộn so với Anh và những nơi khác tiếp nhận trẻ em được đưa sang từ Anh trong bốn trăm năm qua. Ông Ruud nói lời riêng cho Úc nhưng cũng là sự khởi đầu cho việc Anh và những quốc gia kia hành động tương tự.

Chuyện qua đã lâu rồi, nhưng vì liên quan đến lịch sử và đạo đức, vì ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và cơ thể của hàng trăm ngàn trẻ em nên nó vẫn luôn là vết thương chưa thể thành sẹo ở tất cả những nước này. Có những quá khứ lịch sử dễ được khắc phục, nhưng cũng có những thời kỳ trong quá khứ đòi hỏi hiện tại phải trả giá một lần rất đau đớn mới có thể được coi là đã khép lại. Nếu như có ai đó cố tình quên hay lảng tránh thì cuối cùng lương tri cũng sẽ buộc họ phải đối mặt. Toàn bộ quá trình xin lỗi này ở Úc và tới đây ở Anh cũng như ở các nước liên quan diễn ra trong bối cảnh ấy.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.