Hãy để áo dài được 'thở'

09/03/2014 03:00 GMT+7

Với những mẫu thiết kế lấy cảm hứng từ áo dài Việt nhưng hướng tới đối tượng khách hàng châu u, nhà thiết kế người Pháp gốc Việt Pascale Valery Tùng Lâm có những suy nghĩ khá “thoáng” về thiết kế áo dài .

Với những mẫu thiết kế lấy cảm hứng từ áo dài Việt nhưng hướng tới đối tượng khách hàng châu u, nhà thiết kế người Pháp gốc Việt Pascale Valery Tùng Lâm có những suy nghĩ khá “thoáng” về thiết kế áo dài .

>> Thiếu nữ rộn ràng diện áo dài xuống phố
>> Trình diễn áo dài VN tại Mỹ

Tôi gặp Tùng Lâm tại khách sạn Caravelle, TP.HCM khi chị đang tất bật chuẩn bị cho phần trình diễn 30 mẫu thiết kế trong chương trình Bữa tối đặc biệt với đầu bếp Michelin Christopher Coutanceau, diễn ra hồi giữa tháng 1 vừa qua. Vị đầu bếp Pháp trẻ này là con của người bạn thân của chị, anh ấy mong muốn Tùng Lâm tham gia để có một sự kết hợp giữa ẩm thực và thời trang ấn tượng cho thực khách.

Thế là, vốn là người sành rượu, Tùng Lâm đã đem sang chương trình những mẫu thiết kế độc đáo lấy cảm hứng từ các loại rượu nổi tiếng. Tôi đã được xem các phác thảo của chị, trong đó chị ghi chú bằng chữ viết tay rất chi tiết cảm nhận của mình với từng loại rượu, từ khi ngửi thấy mùi hương, nhìn thấy màu sắc, rồi khi đưa lên miệng nếm thử… Chị cho biết phương Tây có cụm từ “áo của rượu”, và chị thì muốn thể hiện cảm nhận về hương vị và sự chuyển động của chúng qua những mẫu thiết kế của mình.

Thế nhưng, tôi lại muốn nghe câu chuyện của chị - một phụ nữ lai Tây nhưng lúc nào tóc cũng được vấn lên theo kiểu các cô gái Bắc bộ xưa, nói tiếng Việt bằng giọng Hà Nội - về những mẫu thiết kế lấy cảm hứng từ chiếc áo dài Việt Nam, một trong những nội dung chị trình diễn lần ấy. Và tôi thực sự thú vị khi biết rằng chị còn bán được các mẫu ấy thiết kế ấy cho những khách hàng người Pháp.

Thưa chị, là một người sinh ra và sống lâu năm ở Pháp, ấn tượng đầu tiên về chiếc áo dài đã đến với chị như thế nào?

 Mẫu thiết kế lấy cảm hứng từ áo dài của Tùng Lâm - Ảnh: Nguyên Trương
Mẫu thiết kế lấy cảm hứng từ áo dài của Tùng Lâm - Ảnh: Nguyên Trương

Khi lớn lên, tôi được nghe câu chuyện về mối tình của bố mẹ tôi, một người đàn ông Việt yêu một phụ nữ Pháp. Vào năm 1953, hôn lễ được tổ chức ở Pháp nhưng bố tôi muốn mẹ tôi mặc áo dài trong ngày cưới. Thế là trước đó một chiếc áo dài gấm đã được đặt may ở Việt Nam theo kích cỡ của mẹ tôi rồi gửi sang Pháp, kèm với đôi giày gấm. Tôi đã xem tấm hình cưới này. Áo dài trở nên thiêng liêng trong tâm trí tôi, và khi đã vào nghề thiết kế thời trang, tôi quay lại tìm hiểu áo dài.

 

Có thể nói, cây cầu nối tôi với văn hóa Việt chính là bà nội. Bà đã sang Pháp sống cùng gia đình tôi cho đến khi bà mất vào năm 1976. Nhờ có bà mà tôi không quên tiếng Việt, và bà đã kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện về Việt Nam

Ai đã truyền cho chị niềm yêu thích thiết kế thời trang?

Có lẽ “gien” thời trang tôi thừa hưởng từ bà ngoại. Bà có một cửa hàng thời trang khá nổi tiếng ở Paris, các mẫu ở đây do chính bà thiết kế. Lúc còn nhỏ tôi hay sang cửa hàng của bà, bà thấy tôi có sự thích thú với những vải vóc nên từ từ dạy cho tôi những hiểu biết căn bản về thời trang, mà quan trọng nhất là cách phối màu.

Mãi đến năm 1996, nghĩa là 34 năm sau khi chuyển sang Pháp định cư, chị mới về lại Việt Nam lần đầu tiên. Trong thời gian ở Pháp, chị có được tiếp xúc với văn hóa Việt?

Có thể nói, cây cầu nối tôi với văn hóa Việt chính là bà nội. Bà đã sang Pháp sống cùng gia đình tôi cho đến khi bà mất vào năm 1976. Nhờ có bà mà tôi không quên tiếng Việt, và bà đã kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện về Việt Nam. Giọng nói tiếng Việt của tôi, mà nhiều người cho là giống giọng Hà Nội ngày xưa, chính là ảnh hưởng của bà. Sau khi bà mất, tôi đã không nói một câu tiếng Việt nào cho đến khi về Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ năm 1997 tổ chức tại Hà Nội, đã có một buổi trình diễn những thiết kế áo dài của chị do các người mẫu Pháp thể hiện. Vì sao lại là người mẫu Pháp?

Vì đó là những mẫu tôi thiết kế cho người châu u.

Những mẫu ấy có gì khác so với áo dài truyền thống?

Hồi tôi còn nhỏ, có lần bà nội tôi xem hình bà Trần Lệ Xuân mặc áo dài cổ thuyền, bà lắc đầu và cho rằng như thế là không đúng, không đẹp. Nhưng lúc đó tôi lại thấy chiếc áo của bà Lệ Xuân hay hay, có vẻ phóng khoáng và phù hợp với phong cách của bà ấy.

Sau này tôi từng nghe nhiều phụ nữ Pháp khen áo dài truyền thống VN đẹp, nhưng khi tôi hỏi họ có thích mặc không thì họ cho rằng gò bó quá. Tôi đã tìm hiểu về sở thích ăn mặc của họ và cho rằng, nếu chúng ta muốn áo dài không chỉ bó hẹp trong cộng đồng người Việt thì phải biến tấu mạnh mẽ hơn, tính ứng dụng phải được nâng cao hơn. (Tất nhiên áo dài kiểu truyền thống vẫn rất đẹp và phù hợp với phụ nữ Việt). Tôi đã có những biến tấu áo dài mà mục tiêu là tạo sự thoải mái cho người mặc khi diện đi chơi, đi dạo cuối tuần trên cơ sở vẫn giữ kiểu dáng của áo dài: cổ thấp xuống chứ không quá cao, phom rộng chứ không ôm quá sát người, vạt áo chỉ dài qua đầu gối một chút chứ không xuống sát đất, làm hàng nút Tàu chạy dài ở giữa thân trước chứ không làm nút bấm kiểu truyền thống, tay ráp tròn chứ không raglan. Màu sắc nhã nhặn hơn áo truyền thống (vốn dùng các màu rất tươi), họa tiết đơn giản hơn (áo truyền thống hay chuộng hoa văn khá rườm rà, đính kết rất nhiều cườm, kim tuyến...). Tóm lại tôi muốn người mặc áo dài được “thở” chứ không bó chặt họ lại.

Vậy áo dài của chị ở Pháp có bán được nhiều không?

Không nhiều bằng các mẫu thiết kế mang tính xu hướng và theo kiểu châu u, nhưng vẫn có người hỏi mua và tôi vẫn bán được lai rai. Khi thấy một phụ nữ châu u mặc một chiếc “áo dài” của mình, tôi thấy rất vui vì cảm nhận được sự lan tỏa của áo dài.  

Xuyên Vân
(thực hiện)

>> Duyên dáng áo dài
>> Lần đầu tiên trình làng nhiều mẫu áo dài quý hiếm
>> Khai trương Bảo tàng Áo dài đầu tiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.