Cuộc chiến với ung thư - Kỳ 4: Tay trong tay, ung thư và bệnh nhiễm

23/11/2010 14:40 GMT+7

Có người đang mạnh sơn sởn, khám sức khỏe định kỳ lại ra ung thư gan. Tưởng như bệnh trên trời rớt xuống. Nhớ lại có bị viêm gan B hay C gì đó mà bỏ qua, vẫn nhậu nhẹt tới bến.

>> Kỳ 1: Xuôi theo dòng chảy 
>> Kỳ 2: Từ nơi sâu thẳm của sự sống
>> Kỳ 3: Loài người nặng gánh ung thư 

Ngăn sớm bệnh nhiễm, chặn được ung thư

Tổ chức Y tế thế giới ước tính 20% gánh nặng ung thư toàn cầu là do bệnh nhiễm. H. Pylori có thể gây ung thư bao tử, HPV liên hệ ung thư cổ tử cung, HBV và HCV dẫn đến ung thư gan. Nghe nói bệnh nhiễm gây ung thư ai cũng lo! Nhưng cánh cửa mới hé mở: ngăn sớm bệnh nhiễm, chặn được ung thư.

 Nào ai hay biết. Ung thư gan rất gắn bó với các virút viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV). Virút được truyền do tiếp xúc gắn bó người với người hoặc lây qua máu nhiễm, do tiêm chích, quan hệ tình dục, sinh ra từ mẹ nhiễm. Từ năm 1992, WHO đã khuyến khích lồng ghép văcxin ngừa HBV vào chương trình tiêm chủng trẻ em. Năm 2005, có 158 nước đã thực hiện tiêm văcxin trẻ sơ sinh và trẻ em, phủ 55% toàn cầu. Chưa có văcxin ngừa HCV, ai đã nhiễm HBV và HCV phải lo điều trị kháng virút. Hiện nay ung thư gan là loại thường gặp nhất ở nước ta.

Gen tặc gây khổ phụ nữ. Những năm 1983-1984 Harald zur Hausen tóm được HPV (Human papilloma virus) gây ung thư cổ tử cung. Hai týp HPV 16 và 18 gây ra 70% ung thư cổ tử cung. Các týp HPV 45, 31, 33, 52, 58, 35 cũng gây ung thư này.

Khi quan hệ tình dục, phụ nữ dễ nhiễm HPV, phần lớn biến đi trong 2-4 năm nhưng có khoảng 10% lại tiến chầm chậm đến tình trạng tiền ung thư. Nhiễm virút dẫn đến ung thư cần 20-30 năm. Thế nên 40-60 tuổi bệnh mới trổ ra. HPV 16-18 đem hai gen E6 E7 vào sâu đến nhân tế bào cổ tử cung, khóa tay hai gen đè bướu p53 và Rb, nắm quyền chỉ đạo tế bào sinh sôi vô tổ chức thành ung thư. Đúng là gen tặc. HPV cũng liên hệ với các ung thư âm đạo, dương vật, hậu môn, miệng và thanh quản. Đã có văcxin ngừa nhiễm hai loại HPV 16-18 có tác dụng ngừa ung thư cổ tử cung.

Giậu đổ bìm leo. Năm 1983 người ta tóm được virút HIV1, thủ phạm của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Cơ thể suy giảm miễn dịch do HIV là miếng đất màu mỡ cho các virút khác gây bệnh ung thư. Đúng là giậu đổ bìm leo. Nhiều virút bình thường trở mặt lộng hành. Virút HHV-8 tạo sự bùng phát loại ung thư da Sarcôm Kaposi (SK) ở các bệnh nhân HIV/AIDS. Vài loại virút khác cũng chớp lấy thời cơ gây ra các bệnh lymphôm rất ác. Nhờ có thuốc kháng virút, SK bớt gây tử vong, lymphôm vẫn đe dọa.

Bạn thiết lâu đời. Sống chung với loài người khoảng 60.000 năm, Helicobacter Pylori mới được biết từ những năm 1980. Giải Nobel y học 2005 vinh danh hai thầy thuốc người Úc Marshall và Varren về sự khám phá vi khuẩn này. Marshall phải nuốt H.Pylori để chứng minh tác hại của H.Pylori. Vi khuẩn có dạng xoắn sống trong bao tử và tá tràng nên có tên là Helicobacter pylori - xoắn khuẩn môn vị.

Chưa biết chắc đường truyền, có lẽ là từ người sang người thông qua nước bọt hoặc phân người. Khoảng 2-20% những người nhiễm khuẩn bị bệnh loét bao tử. Rồi bệnh thành viêm mãn tính, lâu ngày nặng lên thành viêm teo bao tử, có thể dẫn đến ung thư. IARC xếp vi khuẩn là tác nhân gây ung thư loại 1, mạnh như nhiều hóa chất trong khói thuốc lá. Thật choáng váng: vi khuẩn gây ung thư! Khoảng 50-60% ung thư bao tử toàn cầu liên hệ H.Pylori.

Bệnh của nụ hôn. EBV (Epstein - Barr virus) là loại virút thân thiết với con người. 90% người trên hành tinh tiếp cận EBV vào một lúc nào đó trong đời. Virút truyền theo nước bọt, tạo ra chứng bệnh lành là bệnh nhiễm bạch cầu đơn nhân hay là bệnh của nụ hôn. Tên thật lãng mạn, ai ngờ EBV lại gây ung thư. Loại bệnh lymphôm Burkitt hoành hành vùng Trung Phi gặp ở bệnh nhân cơ thể yếu đi vì bệnh sốt rét. Ung thư vòm họng hoành hành ở vùng nam Trung Quốc và Đông Nam Á do EBV liên tay với thức ăn muối mặn...

Thú ẩm thực trả giá đắt. Sán lá gan gây ung thư đường mật. Ước tính có 9 triệu người nhiễm loại sán Opisthorchis viverrini ở Thái Lan và Lào. Nhiễm sán này có thể dẫn đến ung thư đường mật rất nan y.

Lời nhắn gọn

Nghi viêm loét bao tử nên đi khám. Bác sĩ sẽ lựa chọn thử máu, thử hơi thở hoặc nội soi bao tử để tìm H.Pylori. Có xoắn khuẩn, bác sĩ sẽ điều trị trong 1-2 tuần với một hoặc hai kháng sinh kết hợp thuốc giảm lượng axit bao tử. Đây là bước tiến bộ có thể kỳ diệu. Uống đủ thuốc đúng liều, kết quả tốt lắm.

Gardasil và Cervarix là hai văcxin chống HPV 16-18 giúp ngừa 70% ung thư cổ tử cung, nhưng vẫn còn 30% lọt lưới. Tuổi quy định tiêm văcxin tại các nước u Mỹ là 9-26 tuổi, chưa có quan hệ tình dục. Phụ nữ đã quan hệ tình dục nên khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm Pap.

WHO xếp ung thư vào nhóm bệnh không lây. Con gái nuôi mẹ bị ung thư cổ tử cung không sợ tế bào ung thư nhảy sang đâu, nhưng ai cũng phải hiểu rõ sự lây nhiễm HPV. Vợ nuôi chồng mắc bệnh ung thư gan cũng không sợ dính qua, nhưng cần nhớ một người bị viêm gan virút cả nhà nên đi làm xét nghiệm: chưa bị nhiễm nên tiêm văcxin, đã nhiễm nên hỏi bác sĩ cách xử lý. Cần nhớ trẻ sơ sinh nên theo chế độ tiêm ngừa của nhà nước.

Mấy thứ lăng nhăng. Virút, rượu, nấm mốc liên thủ tấn công lá gan người nhiễm HBV, HCV. Nghiện rượu nặng và nhiễm độc tố aflatoxin nấm mốc trong các loại hột như thêm dầu vào lửa. Riêng HPV chưa đủ gây bệnh. Có các yếu tố tiếp sức: quan hệ tình dục sớm, sinh đẻ nhiều, sớm sinh con đầu lòng, hút thuốc lá, dùng thuốc ngừa thai lâu dài, suy giảm miễn dịch.

Tỉ lệ nhiễm H.Pylori cao, khói thuốc lá và chế độ ăn nhiều muối mặn đánh hội đồng vào bao tử gây nguy cơ cao ung thư ở Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Trước kia nhà thơ Tú Xương than Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta. Nay rõ là mấy thứ lăng nhăng chúng giết ta.

Khơi dòng chảy

Năm 1911, Peyton Rous mở cửa lĩnh vực virút gây ung thư từ việc khám phá một virút gây ung thư cho gà con. Phải cần 40 năm người ta mới hiểu tầm quan trọng của thành tựu này, năm 1966 Rous được trao giải Nobel. Vào những năm 1960 và 1970 bắt đầu khám phá các virút gây ung thư ở người: EBV (Epstein Barr virus) mang tên hai người tìm ra vào năm 1964. Baruch Blumberg phát hiện HBV năm 1965, nhận giải Nobel năm 1976.

Năm 1983-1984, zur Hausen kiên trì giăng câu hơn mười năm được HPV 16-18 gây 70% ung thư cổ tử cung, chia giải Nobel 2008 với Françoise Barré - Sinoussi và Luc Montagnier chỉ rõ HIV1 gây AIDS, HIV. Nhờ các thành tựu này người ta làm được các văcxin kháng virút ngừa ung thư. Rồi tiếp tục biết virút HCV năm 1989, virút HHV8 gây sarcôm Kaposi hay HHV8 (1994), HTLV-1... các thành tựu này khơi dòng chảy lớn.

Ngừa bệnh nhiễm, chặn ung thư. Mọi người lưu ý phòng bệnh với văcxin (chống HBV và HPV), quan hệ tình dục an toàn, bảo quản thức ăn đúng, bỏ thói quen ăn cá sống, dùng các sản phẩm máu an toàn. Rà tìm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm và điều trị H.Pylori. Tích cực phòng ngừa, phát hiện và điều trị các bệnh nhiễm này trước khi chúng gây ung thư. Không phải trời kêu, mỗi người phải biết lo cho mình, đừng để bụng làm dạ chịu.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.