Tranh cãi về thực phẩm nhân bản

17/11/2009 10:15 GMT+7

Thực phẩm nhân bản được xem là một câu trả lời cho vấn đề thiếu ăn của thế giới trong tương lai dù vẫn còn nhiều rào cản phía trước.

Đối với nhiều người, trang trại Pollard Farms ở thành phố Enid thuộc bang Oklahoma (Mỹ) trông không khác gì những trang trại gia súc khác ở nước này. Tuy nhiên, ít ai biết được một số gia súc ở đó giống y hệt nhau về mặt di truyền.

Hỗ trợ cuộc chiến chống đói

Trong số 400 con gia súc tại trang trại nói trên của ông Barry Pollard, có 22 con được tạo ra bằng phương pháp nhân bản. Đây là những bản sao di truyền của một số loài gia súc sinh đẻ nhiều nhất mà thế giới từng biết đến. Ông Pollard, một nhà giải phẫu thần kinh, nhận định với hãng tin Reuters rằng những công nghệ gây giống như thế đang hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành chăn nuôi. Kỹ thuật nhân bản và những công nghệ hỗ trợ khác có thể được dùng để tạo những con bò cho nhiều thịt hơn và với chất lượng tốt hơn hoặc cho nhiều sữa hơn. Chúng cũng có thể  giúp tạo ra những gia súc kháng lại bệnh tật và sinh sản đều đặn hơn.

Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc cho biết sản lượng lương thực của thế giới sẽ phải tăng gấp đôi vào giữa thế kỷ này để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Sự gia tăng này chủ yếu sẽ dựa vào những công nghệ cải thiện hiệu quả của việc sản xuất lương thực. Theo dự báo, sự tiến bộ của công nghệ sinh học trong nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống lại tình trạng đói trên thế giới. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi được cho là sẽ đóng góp nhiều hơn vào cuộc chiến này về lâu dài, trong đó có sự hỗ trợ không nhỏ của công nghệ nhân bản.

Người tiêu dùng không chuộng

Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào năm 2008 đã cho phép bán thực phẩm từ động vật nhân bản và con cháu của chúng sau khi kết luận rằng không thể phân biệt được giữa những sản phẩm này và sản phẩm từ động vật thông thường. Liên hiệp châu u, Nhật Bản và một số nước khác cũng có quyết định tương tự sau đó. Dù vậy, những động thái này đã gây ra không ít tranh cãi về vấn đề an toàn và đạo đức của thực phẩm nhân bản, khiến nhiều công ty thực phẩm lớn cam kết không sản xuất thực phẩm từ động vật nhân bản.

Những tranh cãi nói trên, cộng với chi phí cao, khiến cho việc nhân bản gia súc vẫn chưa được phổ biến. Ông Mark Walton, Chủ tịch Công ty ViaGen cung cấp dịch vụ nhân bản động vật, cho biết chi phí nhân bản một con bò thấp nhất là 15.000 USD và một con heo nái là 4.000 USD. Ông ước tính rằng tại Mỹ, chỉ có vài ngàn con gia súc là loại nhân bản. Theo ông Walton, mức chi phí cao do công nghệ này vẫn còn khá phức tạp và chưa được hoàn thiện. Dù vậy, ông hy vọng rằng mức chi phí này có thể giảm trong những năm tới khi hiệu quả của công nghệ nhân bản được cải thiện.

Một rào cản khác có lẽ còn lớn hơn đến từ bản thân người tiêu dùng. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy không ít người tiêu dùng ở Mỹ cho biết sẽ không mua thịt, trứng hoặc sữa từ con cháu của động vật nhân bản, ngay cả khi FDA nói những sản phẩm này là an toàn. Ngoài những lý do về đạo đức, những người phản đối cho rằng sự đánh giá của FDA về rủi ro của thực phẩm nhân bản là chưa thấu đáo. Theo họ, cần có các cuộc nghiên cứu lâu dài hơn và kéo dài qua nhiều thế hệ về tác động của công nghệ nhân bản lên các sản phẩm thực phẩm.

Theo Phương Võ (Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.