Cuộc thi Ngôi sao vọng cổ truyền hình 2006: Sẽ lại là "đãi cát bỏ vàng"?

13/11/2006 22:45 GMT+7

Có đến hơn 40.000 cuộc gọi và tin nhắn từ khắp các tỉnh gửi về cuộc thi do Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức, quả không thua kém gì các cuộc thi tân nhạc trước đó. Một tín hiệu vui cho cải lương, vọng cổ. Và cả 10 thí sinh bước vào vòng chung kết đều rất xứng đáng.

Nhưng điều băn khoăn sau cuộc thi là những tài năng vừa được chọn một cách khe khắt ấy liệu có đi tiếp con đường nghệ thuật, hay là không có bầu trời cho "ngôi sao" phát sáng?

Đã gọi là "sao" thì phải sáng chứ? Không, nói đúng hơn, chỉ mới "lóe sáng" mà thôi. Muốn cho ánh sáng ấy lâu dài, rực rỡ hơn nữa thì cần một kế hoạch đào tạo và sử dụng tử tế, nếu không, họ sẽ lóe lên rồi tắt luôn, hoặc lây lất qua ngày. 

Kinh nghiệm của giải Trần Hữu Trang, nhiều năm liền chọn ra mấy chục ngôi sao, nhưng chỉ trừ những ngôi sao đã sáng từ trước rồi mới đi thi như Thanh Ngân, Kim Tiểu Long, Thoại Mỹ... luôn luôn rực rỡ, còn những ngôi sao trẻ như Mỹ Hằng, Hồng Thắm, Tâm Tâm, Hoàng Nhứt... hình như chưa có bao nhiêu cơ hội. Kép đẹp Hoàng Nhứt có biên chế tại Đoàn cải lương Cà Mau, thỉnh thoảng lên Sài Gòn hát trong Vầng trăng cổ nhạc hoặc diễn cho chương trình Thắp sáng niềm tin. Còn các bạn trẻ khác đa số không có đoàn nào ổn định, chỉ hợp đồng thời vụ, diễn vở nào biết vở đó, không thì đi sô hát lẻ trong đại nhạc hội.

Dĩ nhiên họ vẫn sống được, nhưng nói về sự nghiệp thì họ không có một vở nào, vai nào khiến người ta phải nhớ. Ấy là đã 5-7 năm đối với mỗi người, còn với các thí sinh vừa sáng lên trong cuộc thi Ngôi sao vọng cổ truyền hình thì phải đợi đến bao giờ? Giang Bích Phượng là diễn viên của Đoàn nghệ thuật Quân khu 7, Cao Thúy Vy là diễn viên Đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang, Ngọc Trinh thuộc Đoàn cải lương Long An... coi như có chỗ bám trụ, còn Lê Văn Gàn, Thạch Tiên, Võ Minh Lâm... sẽ làm gì với khả năng ca hát của mình? Đặc biệt, Võ Minh Lâm đầy triển vọng trở thành một kép đẹp tương lai, nhưng thực ra cũng không biết có đoàn nào để bạn trẻ này làm nghề. Ngay cả các đoàn tỉnh cũng có hạn chế riêng, diễn viên khó mà nổi bật lên được, nếu không nhờ những chương trình của thành phố mời gọi thì có khi khán giả cũng quên mất "ngôi sao" trẻ năm xưa. Chẳng hạn Lam Tuyền, cô đào của Cần Thơ từng lọt vào giải Trần Hữu Trang, bẵng đi mấy năm mới xuất hiện trong một trích đoạn phụ diễn, khiến khán giả ngờ ngợ nửa quen nửa lạ. 

Ngôi sao ở tỉnh được diễn quanh năm nhưng chủ yếu trong vùng sâu vùng xa, khó mà nổi tiếng. Còn lên thành phố thì lây lất không đoàn, đi sô lẻ có khi chẳng phải là "vai", là "nhân vật" gì cả, cũng không đọng lại trong lòng khán giả bao nhiêu. Một bài toán đau đầu cho lớp trẻ khi không có cơ hội rèn nghề trong một tập thể ổn định, chất lượng. Chợt nhớ ngày xưa, nghệ sĩ Thanh Nga, Bạch Tuyết, Minh Vương, Lệ Thủy, Phượng Liên... đều có "đoàn ruột" của mình đo ni đóng giày, diễn một vở cả tháng trời đến nhuyễn nhừ tính cách, hễ nói đến tên ai là khán giả nhớ liền nhân vật, như vậy làm sao không sáng rực cho đến bây giờ. Còn ngày nay, đơn vị tổ chức thi đã có công "đãi cát tìm vàng", còn việc luyện vàng, trau chuốt cho thành những món sang trọng thì phải nhờ vào các đơn vị tổ chức biểu diễn, nếu không, đành chịu cảnh "chập chờn" vậy thôi!

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.