"Đứng bánh" trên đường số 1

17/12/2005 22:49 GMT+7

Như Thanh Niên đã đưa tin, sự cố sụt lún trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã An Dân, huyện Tuy An (Phú Yên) đã làm ách tắc, tê liệt giao thông trên tuyến đường huyết mạch này suốt 3 ngày liền.

Đến 20h chiều 17/12, hàng chục nghìn chiếc xe ô tô đủ loại nối đuôi nhau ken kín với chiều dài hơn 50km (bắt đầu từ xã An Hiệp, huyện Tuy An đến ngã ba cầu Bình Phú thuộc xã Xuân Cảnh, huyện Sông Cầu) vẫn còn bị "đứng bánh". Công tác khắc phục sự cố diễn ra khá chậm khiến cả giới tài xế lẫn hàng chục nghìn hành khách lâm cảnh "tứ cố vô thân" một cách bất đắc dĩ.

Nhà xe và hành khách... khóc đứng!

Từ rạng sáng ngày 15/12, trên tuyến quốc lộ 1A tại Km 1295+500 thuộc địa phận xã An Dân (huyện Tuy An) đã bị sụp lún toàn bộ nền đường một đoạn dài gần 80m, điểm lún sâu nhất gần 3m; gần đó, tại Km 1296, nền đường cũng bị sụp lún sâu 20-30cm. Rạng sáng 17/12, thêm một điểm trên quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Xuân Thọ 2 (huyện Sông Cầu) cũng bị sụt lún khá nghiêm trọng. Liên tiếp các điểm bị sự cố khiến cho việc lưu thông các loại ô tô qua địa bàn tỉnh Phú Yên dường như bị tê liệt hoàn toàn. Do trời mưa nặng hạt kéo dài, các điểm sụt lún ngày càng nghiêm trọng hơn. Tiến thoái đều "bất khả thi" là cảnh ngộ của hàng nghìn lái xe trong 3 ngày qua. Họ khóc đứng khóc ngồi vì xe của mình bị "đứng bánh". Dãy dài xe nối đuôi nhau ken kín cả đoạn đường quốc lộ 1A dài hơn 50km, phía bắc tỉnh Phú Yên. Nhiều đoạn đường có xe bị "đứng bánh" không hề có hàng quán bán thức ăn lẫn nhà ở của dân. Theo lời kể của nhiều tài xế và hành khách, họ phải nhịn đói vì không có hàng quán để mua thức ăn.

Từ 3 ngày qua, anh Dũng, tài xế điều khiển xe 54N - 5793 "chết gí" tại điểm xảy ra sự cố sụt lún. Xe của anh chở hơn 1.000 thùng dầu gội và xà phòng từ Đà Nẵng vào TP Hồ Chí Minh, khi cố vượt qua đoạn đường này thì bị kẹt lại, lún sâu gần 1 mét. "Ba đêm rồi, chúng tôi không thể nào ngủ được. Xe đã thoát được điểm sụt lún nhưng bị hư hỏng nặng, đành nằm chờ bên bảo hiểm đến kiểm chứng". Một tài xế xe tải tên Phong (quê ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) xuất phát từ Hà Nội cũng bị "đứng bánh" từ 1h sáng ngày 16/12. Theo lời anh Phong, để mua được mì tôm ăn đỡ đói, anh và hàng nghìn đồng nghiệp, hành khách phải đi xa một quãng đường gần 10km.

Khắc phục chậm chạp

Ngay sau khi xảy ra sự cố sụt lún, tắc nghẽn giao thông, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, tỉnh Phú Yên và các đơn vị liên quan đã có mặt tại hiện trường kiểm tra và đôn đốc việc khắc phục. Phương án tạm thời được tiến hành là làm đường tránh để nhanh chóng giải quyết một lượng xe khổng lồ bị ách tắc. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên tại hiện trường, số công nhân tham gia công tác khắc phục ở 3 điểm sụt lún quá ít; tiến độ diễn ra rất chậm chạp. Chúng tôi nhận ra tâm trạng mệt mỏi và thất vọng trên khuôn mặt hàng trăm tài xế, hành khách, có cả khách Tây khi chứng kiến các công nhân làm việc một cách nhàn nhã!

Trả lời phỏng vấn phóng viên báo Thanh Niên, ông Vũ Văn Hưng - Tổng giám đốc Khu đường bộ 5 nói: đoạn đường quốc lộ 1A qua địa bàn các xã An Dân, Xuân Thọ 2 bị sự cố sụt lún kiểu này từ thời Pháp, Mỹ. Lần khắc phục gần đây nhất là... 10 năm trước. Cũng theo ông Vũ Văn Hưng, tiến độ khắc phục sự cố diễn ra chậm là do thời tiết bất lợi, mưa gió kéo dài. Việc làm đường tránh chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần có thời gian nghiên cứu, khảo sát lại địa hình, địa chất.

Theo trung tá Nguyễn Hữu Bình, Phó phòng Cảnh sát giao thông Công an Phú Yên: 15h15 chiều 17/12, đoạn đường tránh 2 làn xe qua điểm sạt lở đã thông xe kỹ thuật. Lực lượng chức năng đang tích cực hướng dẫn các phương tiện lưu thông đảm bảo an toàn. Theo ông Bình, phấn đấu đến cuối giờ ngày 17/12 sẽ giải quyết hết lượng xe qua lại. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, đến chiều tối cùng ngày, hàng nghìn chiếc xe vẫn còn bị "đứng bánh" một cách vô vọng.

Đình Phú - Hùng Phiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.