Bệnh sởi trái mùa ở trẻ gia tăng

20/11/2009 09:17 GMT+7

(TNO) Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, cả năm 2008, chỉ có 10 trẻ mắc bệnh sởi đến bệnh viện này để khám. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, số trẻ đến khám do mắc bệnh sởi đã vọt lên gần 1.000 trẻ và trong tháng 11 này đã có một bệnh nhi 10 tháng tuổi mắc bệnh này tử vong.

Bị biến chứng vì nhập viện trễ

Tuy bệnh sởi thường chỉ xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm nhưng trong thời gian này, tại các bệnh viện nhi ở TP.HCM, nhiều trẻ đã phải cấp cứu vì biến chứng sởi.

Bác sĩ Vũ Quang Vinh, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp thuộc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết số trẻ em mắc bệnh sởi đang tăng nhanh. Mỗi ngày có khoảng 7 trường hợp bệnh nhi nhập viện do mắc bệnh này, có ngày lên đến 24 ca. Chỉ riêng 15 ngày đầu tháng 11.2009 cũng đã có 158 bệnh nhi mắc bệnh sởi phải nhập viện để điều trị, nhiều hơn tổng số bệnh nhi mắc bệnh sởi cả ba tháng của mùa dịch (từ tháng 2 đến tháng 4).

Hiện nay, mỗi ngày Khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 2 phải điều trị nội trú cho 50 trẻ mắc sởi, trong đó 50% bị biến chứng nặng, chủ yếu là viêm phổi, suy hô hấp.

Theo bác sĩ Trần Thị Thúy, Phó Khoa Nhiễm thuộc Bệnh viện Nhi Đồng 2, tỷ lệ biến chứng tăng là do trẻ nhập viện quá trễ, người nhà chủ quan không nghĩ trẻ mắc bệnh sởi vào mùa này, tự tìm thuốc điều trị tại nhà…

Giữ vệ sinh cho trẻ mắc sởi

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm thuộc Bệnh viện Nhi Đồng 1, khuyến cáo bệnh sởi lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và khi trẻ cầm nắm những đồ vật bị nhiễm các chất tiết từ mũi, họng của người bệnh. Do đó, chỉ cần vệ sinh không sạch sẽ thì dù không phải vào mùa, cứ có tác nhân gây bệnh thì trẻ vẫn có thể mắc bệnh.

Khi mắc bệnh sởi, người bệnh thường có biểu hiện như sốt cao, nhức đầu, đau mỏi cơ khớp, sổ mũi, ho, tiêu chảy... Sau 3 - 4 ngày, hồng ban bắt đầu nổi sau tai và tiếp tục lan xuống cổ, thân mình. Sau một tuần, ban bắt đầu mất dần, để lại vết thâm ở da. Tùy vào cơ địa mỗi bệnh nhi, bệnh có thể nặng hoặc nhẹ, có bệnh nhi xuất huyết cả vùng mạc mắt.

Bác sĩ Trần Thị Thúy cảnh báo, nhiều người quan niệm sai lầm là bệnh nhân mắc sởi phải kiêng tắm rửa, phải kín gió. Bệnh nhân không được vệ sinh sạch sẽ dễ nhiễm trùng máu, nhiễm trùng răng miệng do vi khuẩn yếm khí. Người nhà cũng phải cho bệnh nhân ăn uống đầy đủ, nếu không trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, thiếu vitamin A, dẫn đến khô giác mạc, mù mắt.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.