TP Hồ Chí Minh: Xét xử vụ “siêu lừa” Phan Thị Yên Phương

01/11/2007 11:22 GMT+7

*Bị cáo từ chối trả lời xét hỏi (TNO) Từ ngày 30.10 đến 1.11, TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm đối với “siêu lừa” Phan Thị Yên Phương về các tội: “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Sáng 1.11, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt Phương từ 22 đến 26 năm tù về ba tội danh trên.

Theo cáo trạng, năm 2001 khi được cho tại ngoại điều tra về hành vi lừa đảo, Phương thành lập Công ty TNHH Dược phẩm Thiên Phú, Công ty TNHH Dược phẩm Phương Đạt và nhà hàng Hương Lúa để thực hiện trót lọt nhiều “phi vụ” mới. Cuối tháng 12.2004, Công ty Hương Thủy đến giao 39 thùng sữa theo đơn đặt hàng của Phương thì không thu được tiền mà lấy lại hàng cũng không được. Nghi ngờ về hành vi “ngang ngược” của bà giám đốc nên đại diện Công ty Hương Thủy liền trình báo cơ quan chức năng.

Quá trình điều tra cho thấy bằng hành vi mua hàng không thanh toán rồi đem bán rẻ, Phương đã chiếm đoạt hàng hóa của nhiều cá nhân, đơn vị khác với tổng số tiền gần 422 triệu đồng. Bên cạnh đó, Phương còn vay mượn và mua bán nhà lòng vòng để chiếm đoạt trên 4 tỉ đồng của nhiều cá nhân. Ngoài ra, khám xét nơi ở của Phương, cơ quan chức năng đã thu giữ 26 con dấu vuông các loại cùng các phương tiện phục vụ quy trình làm giấy tờ giả trong đó có cả con dấu của UBND Q. Gò Vấp. Sau khi Phương bị bắt, có 11 người khác đã đưa đơn tố cáo Phương lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng cơ quan chức năng kết chưa đủ chứng cứ để xử lý hình sự Phương về những việc này.

Tại phiên tòa, bị cáo Phương đề nghị thay đổi chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Vương Văn Nghĩa và đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, Trần Thanh Khiết giữ quyền công tố. Yêu cầu này của Phương không được chấp thuận. Phương cho rằng HĐXX làm như thế là tước quyền khiếu nại của bị cáo nên bất hợp tác với tòa.

Dù luật sư bào chữa động viên nhưng Phương nhất quyết không khai báo, từ chối trả lời tất cả các câu hỏi được đưa ra. HĐXX chuyển sang hỏi nhân chứng, người bị hại rồi sau đó đề nghị bị cáo xác nhận những lời khai này có đúng hay không nhưng Phương vẫn khăng khăng: “nhân chứng, bị hại muốn khai thế nào là quyền của họ, bị cáo không xác nhận lời khai nào cho đến khi thay đổi chủ tọa và công tố”.

Cuối cùng để chứng minh hành vi của bị cáo, HĐXX đã đọc tất cả các bản cung, bản tường trình, đơn tố cáo cho bị cáo và những người dự khán nghe. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, bị cáo ra tòa mà không khai một lời nào, còn HĐXX thì “độc thoại”.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.