Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, thông thoáng cho doanh nghiệp

08/11/2006 23:00 GMT+7

Ngày 8.11, Quốc hội (QH) đã thảo luận nội dung của dự thảo Luật Các vùng biển VN và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Làm thế nào để vừa đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động là nội dung được các đại biểu (ĐB) tập trung thảo luận.

Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định: "Hàng hóa xuất khẩu phải kiểm tra chất lượng là hàng hóa có liên quan đến lợi ích quốc gia theo các tiêu chí: có kim ngạch xuất khẩu lớn; có số lượng lớn lao động tham gia sản xuất hàng xuất khẩu; là hàng nhạy cảm đối với một số thị trường quan trọng".

ĐB Lê Minh Hồng (Ninh Bình) đặt câu hỏi: "Năm 2005, chúng ta xuất khẩu các sản phẩm dệt may được 4,8 tỉ USD, có phải hàng dệt may là hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn hay không ? Chúng tôi thấy chữ "lớn" này chúng ta cần phải xác định xem nó là bao nhiêu. Hay hàng hóa có tính chất nhạy cảm là như thế nào cũng không rõ". ĐB Nguyễn Văn Châu (Tiền Giang) hưởng ứng: "Tôi đề nghị nghiên cứu lại điều này, bởi vì nếu quy định như dự thảo thì chúng ta hạn chế hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp". Ông Châu đề nghị: "Quy định theo hướng là chỉ kiểm tra chất lượng hàng hóa khi có yêu cầu của nước nhập khẩu, chúng ta không nên bắt buộc phải kiểm tra khi mà không có yêu cầu của đối tác".

Theo dự thảo, sản phẩm đưa ra thị trường phải là "sản phẩm đã được thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy". ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) lên tiếng: "Quy định như vậy là chưa phù hợp với thực tế, mâu thuẫn với nhiều quan điểm đúng đắn và thông thoáng, do đó sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp". Ông Hậu phân tích: "Có rất nhiều sản phẩm mà khách hàng đặt nhà sản xuất làm theo mẫu hoặc theo thiết kế của họ với số lượng lớn, thường xuyên. Quy định như dự thảo thì phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, công nhận hợp quy hoặc chứng nhận hợp quy trước khi bán ra cho khách hàng. Nhưng các khách hàng lại không cần điều ấy. Nếu làm theo quy định thì vừa mất thêm chi phí, vừa mất thời gian mà lại hoàn toàn không cần thiết. Đó là chưa nói đến trường hợp khách hàng lại yêu cầu giữ bí mật về các thông số thiết kế, giữ bí mật về sản phẩm".

"Một số loại danh hiệu hội chợ ra đời sau này khá tùy tiện, việc trao danh hiệu nặng về mua, bán danh, bỏ qua yêu cầu về chất lượng của sản phẩm. Có một số tổ chức nước ngoài thường xuyên mời gọi các doanh nghiệp VN để đăng ký được chứng nhận chất lượng này nọ, mang tầm quốc tế, nhưng để nhận cúp ấy, giấy chứng nhận ấy chỉ cần phải làm một hồ sơ hết sức đơn giản, nộp vài ngàn USD, mua vé máy bay, bay sang nhận về. Thế mà không ít doanh nghiệp dùng những cúp, giấy chứng nhận ấy để đi khoe khắp bàn dân thiên hạ và lòe những đối tác thiếu thông tin. Ở dự thảo này chưa thấy đề cập đến những vấn đề như vậy" - ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh)

"Liên quan đến chất lượng, tôi nghĩ 4 việc mà Nhà nước phải làm là ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; kiểm tra sự phù hợp của tiêu chuẩn đã công bố của doanh nghiệp với các tiêu chuẩn, kỹ thuật của Nhà nước đã ban hành; kiểm tra sản phẩm bán ra thị trường xem có phù hợp tiêu chuẩn mà họ đã công bố không; Nhà nước phải tổ chức ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau với các nước liên quan đến xuất, nhập khẩu. Khi đã công nhận lẫn nhau rồi thì không cần thiết phải có những rào cản ở cửa khẩu để kiểm tra nữa. Nếu nhìn vào các việc đó thì thấy trong luật này, Nhà nước ôm quá nhiều và sẽ không thể đáp ứng nổi các yêu cầu mà hiện nay trên thị trường đang đặt ra" - ĐB Nguyễn Thị Hồng Minh (An Giang)

ĐB Phạm Thị Thu Hòa (Thái Bình) đưa ra con số: "Qua kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì có tới hơn 40% lượng phân bón NPK lưu thông trên thị trường chất lượng không đảm bảo". Từ con số này, ĐB Hòa cho rằng: "Điều 41 đã quy định nghĩa vụ của nhà sản xuất là phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất, phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố. Nhưng như thế vẫn chưa đủ". Bà Hòa đề nghị: "Phải có sự kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng từ khâu sản xuất". Đối với hàng hóa nhập khẩu, ĐB Hòa bức xúc: "Hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu hiện nay chỉ thực hiện tại nơi đến, đây là nguyên nhân gây ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu. Nếu hàng không đủ chất lượng nhập phải xử lý tại cửa khẩu thì rất phức tạp và sẽ gây tổn thất cho doanh nghiệp". Bà Hòa nói tiếp: "Một số hàng kém phẩm chất như giống cây-con, phân bón, thuốc trừ sâu, thậm chí cả thuốc tây vẫn vào VN một cách dễ dàng, đó là do quản lý Nhà nước về chất lượng hàng nhập khẩu chưa tốt". Bà Hòa nhấn mạnh: "Cần phải quy định thêm trách nhiệm của doanh nghiệp, của nhà nhập khẩu, cần phải kiểm tra lô hàng từ nơi sản xuất và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải kiểm tra các thủ tục, chất lượng từ nơi sản xuất ở nước ngoài".

ĐB Hoàng Văn Xim (Hà Tây) nêu ý kiến: "Bây giờ tôi mua một ít thép về xây dựng nhưng quá trình xây dựng phát hiện ra thép đó không đủ phẩm chất, người bồi thường phải bồi thường cả tòa nhà đã được xây dựng rồi (theo dự thảo - PV) thì nhiều khi rất khó". Liên quan đến quy định về các trường hợp không được bồi thường, ĐB Xim đặt câu hỏi: "Có người mua một chiếc xe máy, khi phát hiện khuyết tật thì người đó chắc chắn là không mua nhưng khi mua về đi một thời gian thì nó gãy càng, gây tai nạn thì liệu người đưa hàng hóa đó ra lưu thông có phải chịu trách nhiệm không ? Hay là ví dụ như ở chỗ tôi có trường hợp, nông dân mua giống về, khi mua thì chắc chắn nhìn hạt giống tốt, về gieo hạt, nhưng khi cấy thì nó không ra bông". ĐB Xim khẳng định: "Quy định nhà sản xuất, nhà nhập khẩu không phải bồi thường nếu sản phẩm, hàng hóa không có khuyết tật tại thời điểm đưa vào lưu thông là không thực tế".

X.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.