Tầm soát để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

08/11/2007 14:34 GMT+7

(TNO) Theo GS-BS Nguyễn Chấn Hùng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, trong 10 căn bệnh Ung thư (UT) thường mắc phải ở Việt Nam, Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là mối e ngại lớn đối với sức khoẻ và hạnh phúc của phụ nữ bởi UTCTC hiện nay đang là nguyên nhân gây tử vong cao hàng thứ 2 ở Việt Nam (sau UT vú).

* Bác sĩ có thể cho biết tình hình bệnh UTCTC ở phụ nữ tại Việt Nam hiện nay?

Tại Việt Nam, UTCTC là căn bệnh UT gây tử vong đứng thứ 2 ở nữ giới, đứng sau bệnh UT vú. Điều đáng chú ý, tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh ở khu vực phía nam nhiều hơn hẳn ở phía bắc. Tại TP.HCM, UTCTC luôn dẫn đầu trong các loại UT.

* Bác sĩ có thể nói rõ hơn về những nguyên nhân gây ra UTCTC?

Nếu nguyên nhân các bệnh ung thư thường gặp như UT vú, UT phổi, UT dạ dày… có liên quan đến thói quen ăn uống, môi trường sống thì nguyên nhân gây ra UTCTC là do quan hệ tình dục với nhiều người hoặc do đẻ sớm, đẻ nhiều. Hiện nay, các nhà khoa học đã tìm ra thủ phạm chính gây bệnh này là virus HPV (Human Papilloma Virus).

HPV thâm nhập vào tế bào cổ tử cung và tồn tại ở đó, về lâu dài sẽ tác động vào những chuỗi nhiễm sắc thể (ADN) về gien của tế bào, làm biến đổi các tế bào này, trải qua nhiều năm mới chuyển thành ác tính. Từ UT tại chỗ sẽ phát triển thành UT thâm nhập, lan rộng. Quan hệ tình dục sớm cũng là một yếu tố dễ lây nhiễm virus, do cơ thể của thiếu nữ chưa trưởng thành, sự bảo vệ của niêm mạc tế bào âm đạo chưa tốt, dễ bị tổn thương để virus xâm nhập.

Ngày 8.6.2006, Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận vaccine HPV tứ giá (6, 11, 16, 18) cuả MSD có hiệu quả ngăn ngừa tiền ung thư cổ tử cung, ung thư cổ tử cung và ung thư âm đạo, ung thư âm hộ và sùi mào gà do HPV type 6, 11, 16, 18 gây ra.

Mỹ cho phép dùng vaccine này trên nữ giới trong độ tuổi từ 9-26. Từ đó 85 quốc gia khác đã đưa vào sử dụng vaccine này.

Tốt nhất là nên tiêm vaccine cho nữ giới ở lứa tuổi từ 9-26, gồm ba mũi. Mũi trước cách mũi đầu tiên một tháng, mũi thứ ba cách mũi thứ hai một năm. Giá thành là khoảng hơn 100 USD/mũi.

* Hiệu quả của các phương pháp điều trị UTCTC hiện nay, thưa bác sĩ ?

Về điều trị ung thư nói chung cũng như UTCTC nói riêng, tùy tình trạng bệnh mà chúng ta có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật hay xạ trị, hoặc phối hợp cả 2. Nếu phát hiện bệnh sớm thì chỉ cần 2 biện pháp này, kết quả điều trị có thể đạt 95% bằng phương pháp xạ trị trong suất liều cao.

Với trường hợp phát hiện trễ, một số thuốc tốt phối hợp 2 biện pháp này cũng cho kết quả điều trị khả quan. Tại Việt nam, tỉ lệ phụ nữ tầm soát phát hiện sớm UTCTC của Việt nam còn rất thấp so với các nước khác (chỉ 10-20%) và vẫn chưa được nhà nước chi trả. Tuy nhiên, việc tầm soát UTCTC sớm sẽ nâng cao hiệu quả điều trị, nâng cao cơ hội sống của bệnh nhân.

* GS có lời khuyên nào cho chị em phụ nữ để phòng ngừa UTCTC?

Để phòng ngừa UTCTC, nên hạn chế những nguy cơ có thể gây bệnh như đã nói ở trên. Chị em cần đi khám phụ khoa định kỳ, làm xét nghiệm phiến đồ âm đạo, chẩn đoán tế bào, nếu có nghi ngờ thì tiến hành điều trị sớm. Hiện nay, vaccin ngừa UTCTC đã được bào chế thành công và đưa vào sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là một tín hiệu đáng mừng.

* Tình hình đưa vaccine này vào sử dụng tại Việt Nam thế nào, thưa bác sĩ?

Vaccine là điều rất hay từ khi phát hiện UTCTC từ virus HPV, đáng chú ý là vaccine tứ liên của Công ty Merck Sharp & Dohme sản xuất năm 2006 đã được cơ quan FDA uy tín của Mỹ xác nhận và cho phép dùng trên thị trường nước Mỹ và hơn 85 quốc gia khác. Ngoài tác dụng lên 2 dòng virus chính gây ung thư, vaccin này còn có tác dụng với một số tổn thương lành tính của âm hộ, âm đạo (những tổn thương này về lâu dài cũng gây ung thư, dù tỉ lệ rất hiếm) và sùi mào gà. Tại các nước, thời gian tiêm vaccin tốt nhất là độ tuổi từ 12-26 với trẻ em và phụ nữ chưa từng quan hệ tình dục.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Phương Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.