Điện thoại dò tìm chất độc

05/12/2009 16:05 GMT+7

Các nhà khoa học Mỹ đã chế tạo một thiết bị cảm biến giúp chiếc điện thoại iPhone trở thành máy phân tích hóa chất cầm tay.

Điện thoại di động đang có xu hướng trở thành thiết bị thí nghiệm cho các nhà nghiên cứu, và Cơ quan Hàng không - Không gian Mỹ (NASA) cũng tham gia vào nỗ lực này. Họ đã chế tạo một thiết bị cảm biến có kích cỡ bằng một con tem bưu điện, cho phép iPhone phát hiện những hóa chất độc hại trong không khí như amoniac, khí chlorine và methane, ở nồng độ thấp.

Luồng không khí đi vào cảm biến hóa chất này sẽ được xử lý bởi một chip silicon gồm 16 cảm biến nano. Sau khi phân tích, dữ liệu sẽ được truyền đến một điện thoại khác hoặc máy tính thông qua các mạng viễn thông thông thường hoặc kết nối wifi. Nếu được lắp ghép vào điện thoại di động, thiết bị cảm biến có thể đưa ra cảnh báo sớm cho những cơ quan có trách nhiệm về những tai nạn liên quan đến hóa chất hoặc các vụ tấn công khủng bố bằng hóa học, ngay cả khi người sử dụng điện thoại bị bất tỉnh.

Thiết bị trên là thành quả nghiên cứu của Jing Li, một nhà khoa học vật lý thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ames thuộc NASA ở bang California (Mỹ), cùng các cộng sự. “Thiết bị của chúng tôi là công cụ nhỏ nhất thế giới có thể thực hiện hoàn chỉnh việc thăm dò thông qua cảm biến”, bà Li cho biết. Công trình của bà Li nhằm phục vụ cho một chương trình an ninh quốc gia trên mạng di động của Bộ An ninh nội địa Mỹ. Chương trình này có mục tiêu gắn chip cảm biến vào điện thoại cầm tay của mọi người dân nhằm hình thành mạng lưới cảnh báo hóa chất mọi lúc, mọi nơi.

Nhóm của bà Li đang có kế hoạch chế tạo một thiết bị cảm biến thông minh hơn, cho phép hiển thị dữ liệu phân tích hóa chất ngay trên iPhone (hiện máy tính phải làm nhiệm vụ giải mã dữ liệu). Không chỉ nhận dạng, thiết bị còn phải xác định nồng độ hóa chất, độ ẩm và nhiệt độ. Các nhà khoa học còn có tham vọng bổ sung dữ liệu về địa điểm xảy ra tai nạn liên quan đến hóa chất hoặc một vụ khủng bố hóa học nhờ hệ thống định vị toàn cầu (GPS) trên iPhone.

Khang Huy
 (Theo Popular Science, ANI)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.