Từ những vụ án "nuôi con giùm người khác"

13/11/2005 23:34 GMT+7

Giữa tháng 9.2005, ông M., ngụ tại Q.5, nhận được trát của tòa Q.5 mời đến với vai trò bị đơn trong vụ kiện dân sự truy nhận cha cho cháu K., là con trong giá thú của ông với vợ cũ (vừa ly hôn) là bà C. Nguyên đơn trong vụ kiện lại là ông H., chồng mới của bà C. Ngỡ tòa nhầm, nhưng ông M. vẫn đến theo đúng hẹn. Trước cán bộ tòa, bà C. thú nhận trong thời gian làm vợ ông M., bà vẫn lén lút quan hệ với ông H. và cháu K. là kết quả của một trong những lần lén lút đó.

 

Lúc đầu, ông M. không tin và không chịu thừa nhận vì vẫn đinh ninh rằng K. là con trai ông vì được sinh ra trong thời gian hôn nhân hợp pháp. Ông nhớ lại: "Tôi quen cô C. hai năm, thêm 6 tháng hai gia đình chính thức đặt quan hệ rồi mới tiến tới hôn nhân. Cháu K. phải sinh mổ, tôi vất vả hằng tháng trời chăm sóc mẹ con cháu. Rồi khi cháu được 1 tháng, mẹ cháu quyết cai sữa để theo học tiếp, tôi phải vừa làm cha vừa làm mẹ, bón cho con từng thìa sữa... Cháu K. là đích tôn của gia đình tôi, ai đến chơi cũng khen nó giống cha y đúc, cả bên ngoại cháu cũng bảo nó có cái ót giống ông nội ghê. Vậy mà...".

 

Tuy nhiên, trước những bằng chứng thuyết phục của nguyên đơn (phiếu kết quả xét nghiệm ADN tại Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội cho thấy cháu K. có quan hệ huyết thống với ông H.), ông M. chỉ còn biết "than trời" vì vừa chịu cảnh mất vợ xong nay lại phải mất con! Ông M. quyết định gửi đơn đến tòa yêu cầu xử lý hình sự hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình của bà C. và ông H. đồng thời yêu cầu bà C. phải bồi thường thiệt hại vật chất, danh dự, nhân phẩm và tinh thần cho những gì mà ông đã chịu đựng.

 

Chuyện của gia đình ông M. nhiều người cho là hy hữu. Thế nhưng,  một thẩm phán TAND TP.HCM lại khẳng định "xuất hiện không ít trong xã hội hiện nay". Theo vị này, trong hàng trăm vụ ly hôn mỗi năm, có rất nhiều nguyên nhân liên quan đến ngoại tình. Trong vụ án Minh Phụng - Epco, có một bị cáo "đại gia" cũng rơi vào tình trạng "nuôi con giùm người khác". Khi "đại gia" này bị kết án thì bà vợ ở nhà nộp ngay đơn lên tòa xin xác định con trong thời kỳ hôn nhân giữa bà với bị cáo không phải là con ruột của bị cáo. Một thẩm phán khác của TAND TP.HCM kể, ông đã từng thụ lý vụ một anh chồng sau khi ly hôn nhiều năm bỗng nộp tiếp đơn xin xác nhận anh ta không phải là cha đứa trẻ trong thời kỳ hôn nhân. Lý do: thằng bé càng lớn càng giống... người chồng sau của mẹ nó như đúc.

 

Giáo sư Bửu Mật, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM cho biết, hiện cả nước chỉ có Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) là có giám định ADN. Nhu cầu xét nghiệm ADN để xác định huyết thống là có thật trong xã hội hiện nay. Từ tháng 7.2004 đến nay, bệnh viện đã nhận làm xét nghiệm cho 238 trường hợp. Khách đến giám định ADN cũng khá phong phú, có đứa trẻ 1-2 tháng tuổi đã được cha đưa đến xét nghiệm; có gia đình người cha lôi cả 7-8 đứa con đến xét nghiệm... Một nhân viên của Bệnh viện Truyền máu và Huyết học cho biết, nhiều trường hợp sau khi nhận kết quả, cả gia đình cười vui vẻ vì "nó đúng là con mình" nhưng cũng không ít trường hợp ngược lại, người lớn nổi xung thiên ngay tại bệnh viện vì cho rằng mình bị "lừa dối".

 

Trở lại vụ việc của ông M. Một người bạn của ông sau khi biết chuyện đã cười khẩy: "Tại thằng M. tin vợ nó, chứ tui... Do hay đi công tác nên cả 3 đứa con tui đều lén giấu vợ đưa đi xét nghiệm ADN cho chắc".  Xin miễn bình luận !

 

Xử lý hình sự được không?

 

Luật sư Nguyễn Thị Sáng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết luật quy định người đã có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác mới vi phạm pháp luật. Chung sống như vợ chồng với người khác được hiểu là phải được mọi người xung quanh biết đó là vợ chồng và phải có tài sản chung. Trường hợp của bà C. đơn thuần chỉ là hành vi lén lút ngoại tình trong khi cuộc sống hôn nhân với ông M. đang tồn tại. Vì vậy, không thể xử lý hình sự, cũng không thể xử phạt vi phạm hành chính được. Trong trường hợp của ông M., ông hoàn toàn có quyền khởi kiện (hoặc phản tố) yêu cầu bà C. bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, uy tín làm cho thu nhập bị giảm sút theo điểm d, khoản 2, điều 12 và điều 615 Bộ luật Dân sự. Việc đòi bồi thường thiệt hại phi vật chất là vấn đề khó, không thể có công thức chung để quy ra thành tiền áp dụng cho tất cả các trường hợp. Chính vì vậy, mức bồi thường cũng chỉ nhằm bù đắp phần nào đó tổn thất tinh thần để an ủi, động viên làm giảm phần nào nỗi đau. Theo văn bản hướng dẫn của TAND tối cao cũng như qua thực tiễn xét xử thì mức bồi thường thiệt hại về tinh thần từ 5-10 triệu đồng.

 

L.N (ghi)

 

Minh Đức - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.