Đi tìm dấu vết bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong những cánh rừng H’Re - Kỳ 5: Người chị, nhà thơ trong ký ức những du kích

21/11/2005 22:10 GMT+7

Ngày 22.12.1966 đi từ Xuân Mai, tỉnh Hòa Bình, đến 15.4.1967, chị Đặng Thùy Trâm đặt chân lên "cửa khẩu khu V" Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Không lâu sau đó, chị và các y tá, y sĩ của bệnh xá liên tục có mặt trên các mặt trận, trực tiếp khiêng thương, cứu chữa thương binh và dân thường. Chị và bao đồng đội đã thật sự hòa vào quần chúng, cùng chia lửa, cùng đói no sống chết với người dân. Có lẽ vì thế đến tận bây giờ, hình ảnh chị Đặng Thùy Trâm vẫn hiển hiện trong họ, tiếp tục sống trong sự sống của bao người.

 

Đêm đầu tiên trong ngôi nhà của chị Tạ Thị Ninh, thức giấc lúc nửa khuya, chị Ninh chỉ cho tôi góc nhà chị Trâm từng trải chiếu nằm dưới đất. Tôi bất giác nghĩ, hai chị em chỉ cách nhau không hơn 3m mà cách trở đến 35 năm đằng đẵng. Tôi đốt nhang và cầu mong linh hồn chị luôn thanh thản bởi những người em kết nghĩa của chị ở Phổ Cường vẫn đang sống như vậy dù còn nhiều gian nan. Xen lẫn nước mắt nhớ thương là những nụ cười mà họ từng cười với chị. Xen lẫn chuyện thường ngày là những hồi ức đẹp, vui. Họ đã và vẫn đang là đồng chí, học viên, em kết nghĩa của chị thuở nào. 

 

"Chị Trâm đã dạy chúng tôi tất cả, ngoại trừ môn kế hoạch hóa gia đình", chị Tạ Thị Ninh, Trạm phó Trạm y tế Phổ Cường, nhớ mãi những câu chuyện với sự hiện diện của chị Đặng Thùy Trâm mà chị gọi "chị Hai".

 

"Trong khóa học 6 tháng ở bệnh xá Hố Cao, chị Hai đã dạy tôi cứu thương, đỡ đẻ và dạy cả học làm người. Một hôm, đi hái củi, tôi lỡ bứt một dây trầu của đồng bào. Giữa đường, một anh dân tộc phát hiện, cắt dây trói hai tay và cả người tôi vào cây rừng. Chị biết tin, tìm đến nơi. Anh dân tộc cầm rựa dứ dứ, bắt đền con heo 3 nắm. Tôi nghĩ nó nhỏ, nói chị cứ ừ, sau mới biết heo 3 nắm nặng 80 kg! Sợ bị chém, tôi khóc. Chị Hai cùng y tá Nhâm giải thích bằng tiếng H'Re, rằng tôi bứt trầu về dùng làm thuốc sát trùng cho thương binh chứ không phải mang xuống xuôi để bán. Nghe ra, anh dân tộc không còn bắt đền mà cho luôn dây trầu". Chị Ninh kết luận: "Lời chị Hai tôi nhớ mãi: đã đi làm cách mạng, một cây kim sợi chỉ của dân cũng không được tơ hào... Tôi vẫn nghĩ đó là bài học làm người chị dành cho tôi". Chị Thùy Trâm còn được nhiều đồng đội nhớ đến như một bác sĩ - nhà thơ do chị thường làm thơ ứng tác. Chả vậy, mỗi lần chị xuống núi, đến Phổ Cường, anh em du kích đều reo lên: "Nhà thơ đã tới!".

 

Hồi ấy khoảng cuối năm 68, bác sĩ Đặng Thùy Trâm xuống đồng bằng hướng dẫn cả huyện Đức Phổ làm hố xí hai ngăn. Vật liệu bằng tre, rơm và đất nện. Một đêm sáng trăng, anh Thuận - em kết nghĩa, kém chị Trâm 1 tuổi - cuốc đất, chị Trâm gánh đất, anh Giá quay phim. Xong việc, được mẹ chị Tạ Thị Ninh bồi dưỡng chè đậu đen, "nhà thơ" liền đọc thơ: "Sáng trăng sáng cả cánh đồng/Anh cuốc em gồng xây đắp cầu tiêu/Căm thù giặc Mỹ bao nhiêu/Bấy nhiêu tay vững, bấy nhiêu vai bền/Trăng tà, gà gáy rạng đông/Hoàn thành hố xí, mặn nồng tình thương". Nghe xong, ai cũng khoái bởi đề tài... hố xí chẳng dễ thành thơ! Hoặc những dòng thơ đượm tình chị em tặng bé Ninh sau hôm đi bắt cua đồng đãi chị: "Ninh em, có nhớ chị không?/Chị nhớ em mãi, cua đồng rán thơm/Mỗi lần tới bữa ăn cơm/Chị lại thầm nhớ vị thơm cua đồng". Những bài thơ chân tình đã trở thành niềm vui bé nhỏ của những người du kích. Họ tranh nhau đọc. Sợ bị rách và thất lạc, chị Tạ Thị Ninh giành quyền học thuộc, sau đó mới cho họ đọc. Ngoài thơ chung còn có thơ riêng. Bế giảng khóa học y tá ngày 22.1.1969, chị Thùy Trâm chia tay bé Ninh bằng bài thơ dài, có đoạn: "Nhớ em chị chẳng nói gì/Đôi dòng lưu niệm ghi vào vở em/Để em nhớ lại những ngày/Cùng nhau học tập ở trong một trường/Thương em lứa tuổi còn non...". Thật lạ lùng, sau hơn 35 năm, những câu thơ mộc mạc của chị Đặng Thùy Trâm vẫn như in trong tâm trí chị Ninh. Chúng toát lên tinh thần lạc quan trong những tháng năm dài gian khổ. Khác hẳn những người lính Mỹ, giữa chiến trường, thậm chí có người khi hấp hối lại thèm nhớ những lon bia!

 

Vậy chị Ninh còn giữ kỷ vật nào của chị Thùy Trâm? "Đó là chiếc kẹp Hồng Hà, cây bút Hồng Hà, cuốn nhật ký viết chung của chị Trâm và anh Thuận, xấp ảnh của anh Giá". Tôi tròn mắt nhưng rồi chị Ninh chợt ngưng lại, rưng rưng: "Tất cả đựng trong hai thùng đạn đại liên, mẹ tôi chôn dưới ao. Cách nay ba năm, dỡ nhà ra làm lại mới đào lên. Nhật ký thì chữ còn chữ mất. Ảnh thì bị ố vàng, lột ra từng mảng. Chẳng biết làm sao, tôi khấn vái các anh các chị rồi đốt mất rồi!". Chị Ninh nói như người có lỗi. Tôi cũng lặng đi. Chợt chị chép miệng: "Hồi đó, có khi chị Trâm đi công tác ghé qua, không gặp anh Thuận, ghi vào đó. Anh Thuận đi chống càn về, không gặp chị, lại ghi trả lời. Còn anh Giá, máy bay Mỹ quần tới quần lui, cứ núp trong bụi tre, chụp hình. Anh thích nhất là tấm ảnh máy bay quăng hai dây móc xuống, khi thì cướp đi bồ lúa mới gặt trên đồng, khi lại tha mất cái cày, không cho bà con sản xuất nuôi quân". Những kỷ vật quý giá ấy, tiếc thay nay đã về cát bụi. Chỉ còn đây chị Tạ Thị Ninh cõng trên lưng mình bao kỷ niệm thiêng liêng. 

 

Hôm sau, chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Cho, em gái anh Thuận và cũng là em kết nghĩa của chị Trâm. Trong nhật ký, chị Trâm hết lời thương mến bốn chị em mồ côi mồ cút, trong đó anh Thuận thứ ba, chị Cho thứ tư và Nhiều là em út. Chị thương nhất em Nhiều. Ngày 30.8.1969, khi hay tin trong một trận công đồn thắng lớn, bên ta chỉ một du kích hy sinh mà người đó lại là Nhiều, chị Trâm đã khóc: "Ôi! Sao đồng chí du kích đó lại là Nhiều, đứa em mồ côi cha mẹ, đứa em cưng của Thuận? Thương Nhiều chừng nào lại thương Thuận chừng nấy. Chắc em mình héo hon từng tấc ruột... Rất tiếc rằng chị không được gần em để ôm em trong lòng xoa dịu nỗi đau khổ cho em, lau từng giọt nước mắt chảy tràn trên đôi mắt long lanh của em". Thế rồi, sau đó gần 10 tháng, chị Trâm ngã xuống. Chị đâu biết rằng chính người em mà chị muốn "lau từng giọt nước mắt" ấy đã đưa một tổ du kích lên núi lập mộ chí cho chị và trong năm 1971, người em ấy lại hy sinh! Giờ đây, cả gia đình 6 người chỉ còn mỗi chị Cho. Trên cánh đồng một thời bom đạn, chị đang quày quả trở về để tiếp chúng tôi. Từng là xã đội phó du kích Phổ Cường, nay chị Cho là một nông dân thực thụ. Chị không nói được nhiều vì: "Đời con người sao quá khổ, nhiều khi đọc nhật ký chị Trâm lại thương chị, thương mình". Chị bảo, chị Trâm đối đãi với anh em chị bằng tình mẹ, giờ chị mất rồi, biết nói gì hơn? Vậy rồi, chị mang ra hai chiếc kéo y tế còn sót lại trong bộ đồ nghề y tá chị Thùy Trâm tặng anh Thuận thời lửa đạn chiến trường và một chiếc võng chị Trâm và anh Thuận từng ngồi trò chuyện với nhau... 

 

(Còn tiếp)

Đặng Ngọc Khoa

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.