Chào sàn với giá nào ?

02/11/2008 22:28 GMT+7

Hàng loạt công ty sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn từ nay đến cuối năm. Trong giai đoạn thị trường chứng khoán đang giảm điểm sâu, giá tham chiếu của nhiều công ty khiến nhà đầu tư buồn nẫu ruột.

Câu chuyện PVF

Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (mã PVF) sẽ giao dịch chính thức tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vào ngày 3.11 với giá tham chiếu 30.000 đồng/cổ phiếu (CP). Mức giá này thấp hơn giá bán cổ phần ra công chúng cuối năm 2007 của PVF khiến nhiều nhà đầu tư xót cả ruột. PVF sẽ đưa vào giao dịch 500 triệu CP, tương ứng 5.000 tỉ đồng vốn điều lệ của công ty. Cuối tháng 10.2007, PVF đã đấu giá hơn 59 triệu CP lần đầu ra công chúng với mức giá khởi điểm 51.000 đồng/CP. Kết quả giá đấu thành công bình quân là 69.974 đồng/CP, giá mua cao nhất là 170.000 đồng/CP.

Theo thống kê, có 4.322 nhà đầu tư (NĐT) trúng giá, trong đó có 43 tổ chức (39 tổ chức trong nước và 4 tổ chức nước ngoài); 4.279 cá nhân (4.224 cá nhân trong nước và 55 cá nhân nước ngoài). Sau đợt đấu giá, nhiều NĐT không mua được PVF đã quay sang mua bán trên thị trường OTC.

Giá của PVF tăng vùn vụt, lên tới hơn 90.000 đồng/CP. Các NĐT đua nhau săn lùng CP công ty tài chính này vì đánh giá tiềm năng của nó khá lớn khi có lĩnh vực hoạt động rộng, lợi nhuận hằng năm đạt cao... Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm cuối tháng 10.2007 đang nhộn nhịp, VN-Index vẫn đạt trên 1.000 điểm. Khi đó, các CP của những công ty có liên quan đến ngành dầu khí như PET, PVD, PJT, PVI... đều có mức giá cao ngất ngưởng như PVD giá 168.000 đồng/CP, PJT giá 81.000 đồng/CP, PVI giá 100.000 đồng/CP... 

Anh Hoàng, một NĐT tại TP.HCM buồn rầu cho biết anh cũng tham gia đấu giá 10.000 CP PVF và trúng với giá 75.000 đồng/CP, hiện còn giữ đến nay. Khi nghe công bố giá chào sàn của PVF chỉ là 30.000 đồng/CP, anh mất ngủ mấy đêm vì tính ra, khoản đầu tư của anh sau một năm đã giảm đi 60%. Nhiều NĐT khác đang là cổ đông của PVF luôn hy vọng PVF chào sàn với mức giá cao hơn. Thế nhưng, với tình hình thị trường như hiện nay, điều đó không xảy ra và họ phải chấp nhận.

Nhiều công ty hoãn  niêm yết

Tập đoàn bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) vừa có nghị quyết lùi việc niêm yết CP sang năm 2009 sau khi gửi văn bản xin ý kiến cổ đông. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng vừa cho biết việc niêm yết chưa thể thực hiện được và sẽ dời lại đến một thời điểm khác thích hợp. Nhưng chắc chắn thời điểm đó không phải trong năm 2008. Đây là lần thứ 3, Vietcombank lỗi hẹn với NĐT trong kế hoạch niêm yết kể từ khi tổ chức bán đấu giá CP lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối tháng 12.2007. 

"Giá chào sàn nên theo diễn biến thị trường. Nếu cho rằng mức giá đó thấp thì NĐT sẽ không bán ra CP mà nắm giữ nó lâu dài hơn và ngược lại. Giá CP một phần phản ánh giá trị của doanh nghiệp nhưng phần còn lại sẽ do cung - cầu quyết định, trong đó có cả sự kỳ vọng của NĐT về tương lai phát triển của doanh nghiệp như thế nào" - tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng, trường ĐH Mở TP.HCM
Nhiều NĐT đánh giá, việc dời kế hoạch niêm yết sang năm 2009 của hai doanh nghiệp lớn này có nguyên nhân chính là khó xác định giá tham chiếu khi lên sàn do thị trường đang lình xình. Khi IPO vào giữa năm 2007, giá đấu thành công bình quân của Bảo Việt là 73.910 đồng/CP và hiện nay, giá giao dịch trên thị trường OTC của công ty này chỉ ở mức 17.000 - 18.000 đồng/CP. Tương tự, giá đấu thành công bình quân của Vietcombank khi thực hiện IPO là 107.572 đồng/CP thì hiện nay, giá giao dịch trên thị trường OTC ở mức 33.000 - 35.000 đồng/CP. Không phải công ty nào cũng chấp nhận định giá chào sàn theo giá thị trường OTC hiện tại. Nếu giá chào sàn thấp, không chỉ các NĐT cá nhân bị lỗ nặng mà chính các NĐT tổ chức không muốn hạch toán vào sổ sách khoản lỗ lớn này vì sẽ "khó ăn khó nói" với các cổ đông hoặc cả cơ quan chủ quản. 

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, NĐT phải chấp nhận sự thật theo giá thị trường ở thời điểm niêm yết. Tuy nhiên, việc lên sàn sẽ giúp cho CP có tính thanh khoản cao hơn, doanh nghiệp cũng thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin minh bạch, rõ ràng hơn và điều đó giúp các NĐT mới có nhiều cơ hội lựa chọn. Nếu đưa ra giá chào sàn quá cao như kỳ vọng của các NĐT đang nắm giữ CP công ty đó thì sẽ không có NĐT mới nào chấp nhận mua. Khi đó giá CP lại rớt xuống càng làm cho hình ảnh công ty không tốt đẹp mà còn tác động đến chỉ số chứng khoán chung của thị trường. "Việc đưa ra giá chào sàn phải có người chịu trách nhiệm cụ thể, nhất là các đơn vị tư vấn để NĐT cảm thấy yên tâm khi muốn mua hay bán CP đó. Tốt hơn nếu như đơn vị quản lý có một cơ quan định giá độc lập thì sẽ không xảy ra hiện tượng giá ảo hoặc giá CP bị đẩy xuống dưới giá trị sổ sách...", ông Huỳnh Anh Tuấn nói. 

Mai Phương 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.