Cơn ác mộng chưa qua

31/12/2008 00:33 GMT+7

Năm 2008 là năm có nhiều biến động nhất về kinh tế thế giới kể từ đầu thế kỷ mới đến nay. Những sự kiện và tác động của chúng đã làm khuynh đảo cả những thành trì về học thuyết, thực tiễn và kinh nghiệm cũng như cả không ít hệ thống giá trị đã được lưu hành và tôn thờ, được tán dương và sao chép trong nhiều thập kỷ qua.

Khủng hoảng là ngôn từ có lẽ được sử dụng nhiều nhất trong năm qua: khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản và thị trường tự do. Biến động là hình ảnh thường thấy nhất trong kinh tế thế giới năm qua:

Rất nhiều tập đoàn lớn đã biến mất, bị quốc hữu hóa hay phải nhờ cậy đến sự cứu trợ của nhà nước; Wall Street đang mất dần ma lực tiền tệ và chứng khoán; giá dầu lửa và nguyên vật liệu tăng rất nhanh và rồi giảm cũng rất nhanh; lãi suất cơ bản của các đồng tiền mạnh giảm xuống còn gần bằng 0 trong khi tỷ giá của đồng euro tăng so với tất cả các đồng tiền khác.

Vai trò của nhà nước lại được nhắc đến nhiều nhất với những gói cứu trợ hệ thống tài chính và ngân hàng, những chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế, những biện pháp chính sách mới nhằm tăng cường kiểm soát ngân hàng và giao dịch, hướng tới một trật tự tài chính và tiền tệ thế giới mới.

Dang dở là rất nhiều tiến trình toàn cầu hóa và khu vực hóa, thỏa thuận mậu dịch tự do song phương và đa phương. Suy thoái kinh tế là nỗi lo chung đi kèm với thất nghiệp tăng và sự biến động của giá dầu, nguyên vật liệu ngoài tầm kiểm soát của các chính phủ và tổ chức.

Những thay đổi trong tư duy và cách tiếp cận vấn đề liên quan đến kinh tế thế giới năm qua có lẽ là điểm sáng đáng kể nhất trong năm qua, chứ cơn ác mộng của năm 2008 sẽ còn tiếp tục một thời gian nữa trong năm mới.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.