Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX: Thanh niên ta sẽ cao thêm 3cm

21/12/2007 00:20 GMT+7

Buổi đối thoại giữa các đại biểu với Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và các bộ, ngành diễn ra khá sôi nổi trong chiều qua 20.12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội). * Danh sách Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa 9 nhiệm kỳ 2007-2012 * Kêu gọi nhiều công trình dành cho Trường Sa

Cần phải tự tin

Đại biểu Trần Hà Giang (Hà Nội) đề nghị Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với kinh nghiệm của người đi trước chỉ cho thanh niên biết họ cần làm gì khi xu thế hội nhập đang ngày càng mạnh mẽ. Phó thủ tướng nói: "Thực tiễn cho thấy, trong năm đầu tiên chúng ta gia nhập WTO, kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, xuất khẩu tốt hơn, dự trữ ngoại tệ tăng gấp đôi, có nhiều doanh nghiệp thành đạt hơn. Và đó chính là những tấm gương để thanh niên học tập". Ông chia sẻ: "Điều đầu tiên cần ở các bạn trẻ là sự tự tin. Sự tự tin đã giúp dân tộc ta vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách, giúp chúng ta nhỏ mà chiến thắng nhiều đế quốc lớn". "Chúng ta đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng khoa học - công nghệ và thông tin. Gắn liền với đó là phải có ngoại ngữ tốt để thuận lợi trong việc tìm hiểu đối tác". Ông cho biết, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã trình Chính phủ "Chương trình đào tạo ngoại ngữ 13 năm" để đến năm 2020, học sinh phổ thông tốt nghiệp có thể làm việc, nghiên cứu trong môi trường không cần phiên dịch.

"Quả bóng trong chân các bạn"


Đại biểu Nguyễn Quang Tiến - Đoàn khối doanh nghiệp T.Ư đặt câu hỏi  - ảnh: Lưu Quang Phổ

Mong muốn sớm cải thiện tình trạng nguồn nhân lực dồi dào nhưng chất lượng kém, bạn Nguyễn Khoa Hải (Bình Dương) hỏi Phó thủ tướng về đề án hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên. Đây là đề án gồm 8 chương trình lớn, trong đó có 4 chương trình do T.Ư Đoàn triển khai và 4 chương trình do các cơ quan khác chủ trì.  "Chỉ trong vòng 3 tháng sau khi Thủ tướng ban hành quyết định cho học sinh, sinh viên vay vốn từ Quỹ học nghề và đào tạo nghề đã có khoảng 20% sinh viên đại học, cao đẳng được vay vốn với dư nợ của quỹ lên tới 130 tỉ đồng", Phó thủ tướng thông báo. Ngoài ra Chính phủ còn các chương trình cho vay vốn đi lao động nước ngoài, cho vay ưu đãi doanh nghiệp trẻ... "Mọi điều kiện tốt nhất đã sẵn sàng, giờ quả bóng trong chân các đoàn viên thanh niên. Nếu các bạn tổ chức tốt, đá tốt sẽ có ích cho chính các bạn và cho đất nước".

Chính phủ "đặt hàng" thanh niên

Bức xúc về tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng, bạn Nguyễn Cao Lễ (TP.HCM) đặt câu hỏi: "Nếu Đoàn thanh niên xây dựng đề án về an toàn giao thông, có dự báo và giải pháp cụ thể, Chính phủ có "đặt hàng" không?". Ông Nguyễn Thiện Nhân trả lời: "Chính phủ sẽ rất hoan nghênh Đoàn thanh niên nếu có sáng kiến này... Nếu các đồng chí có đề án cụ thể, giải pháp rõ ràng, số tai nạn giao thông giảm, chắc chắn sẽ được chấp nhận, được chi tiền".

Đại biểu Lê Trung Hưng (Khánh Hòa) hỏi: "Chính phủ có chủ trương gì để cải thiện tầm vóc và sức khỏe người Việt Nam?". Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Du lịch và Thể thao Huỳnh Vĩnh Ái cho biết Bộ này đã có đề án trình Chính phủ về những giải pháp đồng bộ để tăng cường thể lực cho thanh niên Việt Nam. Trong đó phấn đấu giai đoạn 2008-2030, nâng chiều cao trung bình người Việt Nam thêm 3 cm (nam lên 1,66m, nữ lên 1,55m). Ông Ái kêu gọi Đoàn thanh niên cũng nên tham gia tích cực vào chương trình này.

Rất nhiều các câu hỏi khác của các đại biểu thanh niên được gửi đến Phó thủ tướng, các bộ trưởng và thứ trưởng như giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ, cơ hội cho thanh niên vùng sâu, vùng xa... 

Mong được đối thoại nhiều hơn nữa

Anh Nguyễn Hoàng Giang - Bí thư Huyện Đoàn Bù Đăng, tỉnh Bình Phước: Tôi nghĩ rằng không chỉ cấp T.Ư mà cấp địa phương, tỉnh, thành cũng nên tham mưu cho Đảng, chính quyền ở địa phương đó tổ chức những buổi đối thoại như thế này. Bởi vì nó tháo gỡ được nhiều vấn đề: thứ nhất là sẽ thu hẹp được khoảng cách giữa Đoàn với lãnh đạo; thứ hai đối thoại sẽ giúp cho thanh niên có những định hướng tốt trong công việc.

Anh Nguyễn Hữu Ngọc - đại biểu tỉnh An Giang: Câu hỏi mà tôi thích nhất là câu hỏi liên quan đến những khó khăn của thanh niên nông thôn. Tôi sẽ truyền đạt lại câu trả lời này tới các bạn thanh niên nông thôn. Tôi cũng mong muốn những cuộc đối thoại như thế này sẽ được tổ chức định kỳ một năm 1 lần hoặc nhiều hơn thế.

H.Minh - M.Dương (ghi)

Kêu gọi nhiều  công trình dành cho Trường Sa

Hôm qua 19.12, thượng tá Lê Anh Tuấn, Trưởng ban Thanh niên quân đội đã kêu gọi đại hội (ĐH) có những công trình và việc làm vì Trường Sa thân yêu. Rất nhiều đại biểu đồng tình và sẵn sàng hưởng ứng. 

Thượng tá Lê Anh Tuấn xúc động nói: "Chúng tôi mong muốn ĐH, tuổi trẻ cả nước hãy tiếp tục dành cho Trường Sa những gì thân thiết nhất và thiết thực nhất. Một công trình mang tên ĐH. Những món quà của ĐH gửi Trường Sa sẽ là nguồn động viên cổ vũ rất lớn đối với những người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc". Thượng tá Lê Anh Tuấn cho rằng: "Sẽ rất thiết thực nếu đất liền, tuổi trẻ cả nước vì Trường Sa, lãnh thổ thiêng liêng và yêu dấu của chúng ta bằng những công trình, phần việc cụ thể như: một công trình dân sinh trên đảo, một vườn rau xanh trên đảo, một công viên tuổi trẻ trên đảo Trường Sa lớn; một trạm điện sức gió; những công dân đầu tiên ra lập nghiệp trên đảo là những cặp vợ chồng trẻ do tổ chức Đoàn giới thiệu...". 

Hưởng ứng lời kêu gọi này, đại biểu Vương Thế Mẫn, Phó bí thư Tỉnh Đoàn Lai Châu chia sẻ ý tưởng của mình: "Mỗi một tỉnh, thành nên có một cuộc vận động quyên góp xây dựng công trình trên đảo Trường Sa. Rất có ý nghĩa nếu tên công trình đó gắn với tên các tỉnh, thành. Lai Châu là một tỉnh nghèo, song tuổi trẻ Lai Châu sẵn sàng quyên góp".  Anh Lại Xuân Lâm, Bí thư Đoàn khối các cơ quan T.Ư lại nói: "Việc làm này rất tốt và rất nên làm. Trong nhiệm kỳ 5 năm tới Đoàn cũng đã đề ra chương trình Vì các chiến sĩ nơi biên giới Đảo. Đây là tình là nhiệm vụ nhưng cũng là trách nhiệm của tuổi trẻ cả nước hướng về các chiến sĩ đang ngày đêm giữ gìn bình yên cho Tổ quốc". 

Anh Vương Thế Mẫn còn đề nghị: "Đoàn phải có những cách thức tuyên truyền nhiều về lịch sử Việt Nam cho thanh niên hiểu. Chẳng hạn nói về Trường Sa các em học sinh chỉ biết về hòn đảo xa xôi qua sách báo, truyền hình là chưa đủ. Hằng năm, mỗi tỉnh thành nên có những đợt tổ chức cho thanh niên tiêu biểu đi thăm đảo Trường Sa hoặc những đợt nghỉ phép của bộ đội Trường Sa sẽ có những buổi kể chuyện về đời sống sinh hoạt, công tác của chiến sĩ".

Thu Hằng

Bên lề

Trống đồng đắt khách! Phải đợi mãi, đoàn đại biểu Quảng Ninh mới có thể chụp được ảnh bên chiếc trống đồng trước sảnh Trung tâm Hội nghị quốc gia vì vào giờ giải lao, luôn có các đại biểu đến chụp ảnh ở đây. Đại biểu Đinh Xuân Chinh của đoàn này nói đùa: lẽ ra ban tổ chức phải thu phí mới phải, hoặc khoan một cái lỗ để ai chụp ảnh thì bỏ tiền vào trống để làm công tác xã hội. 

 

Tự về từ Singapore dự đại hội. Một trong bốn đại biểu trẻ tuổi nhất đại hội là Bùi Thị Quỳnh Hương, 16 tuổi, ở TP Hải Dương và là du học sinh ở Singapore. Trúng cử đại biểu dự ĐH Đoàn toàn quốc, cách đây 4 tháng, Hương đi du học ở đảo quốc sư tử. Gần đến ngày đại hội, ở nhà gọi sang, về dự đại hội đi. Thế là Hương dành kỳ nghỉ Giáng sinh để bay về dự ĐH Đoàn. Hương bảo, dù đã đi du học, nhưng không phải ai cũng có cơ hội được dự một sự kiện chính trị trọng đại như thế này. Thế nên, dù có phải tự bỏ tiền vé máy bay, cô cũng không thấy tiếc. 

 


Thử làm lãnh đạo! Đây là cách các thủ lĩnh thanh niên ở các địa phương thử phong cách lãnh đạo của mình: Chụp ảnh trước bức ảnh các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam năm 2006. Không chỉ là chụp ảnh trong trang phục đại hội, các anh chị còn thay áo dài giống như các nguyên thủ để tập làm... nguyên thủ! 

 

Lưu Quang Phổ

Nhóm PV Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.