Chân trâu, bò thối đã vào quán ăn

27/11/2007 23:58 GMT+7

Điều dư luận đặc biệt quan tâm là có bao nhiêu chân trâu, bò thối trong gần 100 tấn hàng đã được tuồn ra chợ, quán ăn ở TP.HCM?

Theo hồ sơ vụ việc liên quan, khi cơ quan công an Q.9 (TP.HCM) lập biên bản tạm giữ (ngày 14.9.2007) đồ vật, tài liệu đối với ông Nguyễn Hiệp Hương (trong biên bản còn ghi tên Tuấn, sinh năm 1972, thường trú tại Liên Châu, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây), tổng số hóa đơn bán lẻ thu giữ được là 328 với hàng hóa là chân, đuôi và lưỡi trâu bò. Các hóa đơn bán lẻ này được xuất trong khoảng từ tháng 12.2005 đến tháng 8.2007. Theo ông Hương, toàn bộ số hàng hóa trên do ông mua tại tỉnh Hà Tây rồi vận chuyển vào kho lạnh của Công ty Quang Minh, Q.9, TP.HCM.

Điều làm mọi người giật mình là trong danh sách bán hàng của ông Hương từ tháng 12.2005 - 8.2007 có ít nhất 13 chợ và quán ăn tại TP.HCM đã lấy chân, đuôi, lưỡi trâu bò do ông Hương cung cấp. Chẳng hạn: chị H. ở chợ Nguyễn Đình Chiểu (Q.Gò Vấp); anh G. ở chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình); anh S., anh T., chị L., anh T. ở chợ Hòa Bình (Q.5); anh H. ở chợ Quang Trung (Q.12); chú B. ở quốc lộ 22 (Hóc Môn); chú T. ở chợ Xóm Chiếu (Q.4); quán D., CB trên đường Vườn Lài (Q.Tân Phú); quán T. ở KCN Tân Bình; quán L. ở chợ Bà Điểm. Trao đổi với PV Thanh Niên sáng 27.11, một cán bộ phụ trách kinh doanh UBND P.Phước Long A cũng cho biết, trong quá trình kiểm tra, chủ lô hàng khai báo hàng hóa thường được tập trung tại Q.9 rồi đem bỏ mối tại các quán ăn, nhà hàng, chợ ở các vùng lân cận.

Ngày 21.9, cơ quan chức năng lấy 8 mẫu từ lô hàng trên, gửi Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM và Chi cục Thú y TP.HCM kiểm tra chất lượng. Kết quả cho thấy mẫu chân đuôi, tủy, lưỡi trâu, bò chứa tại kho Quang Minh không đạt chỉ tiêu pH và NH3; các chỉ tiêu về vi khuẩn hiếu khí, coliforms, E.coli cũng không đạt; một lượng lớn chân trâu bò không xác định rõ thời gian bảo quản, có biểu hiện phân hủy, mất phẩm chất...

Các công văn, giấy kiểm dịch liên quan - ảnh: Q.D

Đây chỉ là 100 tấn chân trâu, bò thối phát hiện tại thời điểm này. Trước đó một thời gian dài, đã có bao nhiêu trăm tấn sản phẩm kém phẩm chất như vậy đã được đưa vào nhà hàng, quán ăn, không ai biết được, không ai kiểm soát được.

Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, thấy vụ việc trở nên nghiêm trọng, ông Hương hiện đã bặt vô âm tín. Công an Q.9 đã tiến hành xác minh nơi tạm trú (ấp 4, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) nhưng không tìm được chủ lô hàng nói trên. Việc truy tìm vẫn đang được tiến hành.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 27.11, ông Nguyễn Xuân Vui - Chi cục trưởng Chi

Ông Nguyễn Xuân Vui - ảnh: Q.D

cục Thú y Hà Tây cho biết: "Ngay sau khi nhận được công văn của Chi cục Thú y TP.HCM, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, xác minh và khẳng định, 5 giấy chứng nhận kiểm dịch là do chúng tôi cấp. Chi cục Thú y Hà Tây đã cơ bản thực hiện đúng các quy định về kiểm dịch của Nhà nước và sản phẩm động vật trong các lô hàng kể trên trước khi xuất đi các tỉnh là đảm bảo chất lượng". Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Vui cũng thừa nhận: "Trong quá trình thực hiện kiểm dịch các lô hàng này, chúng tôi có 2 tồn tại. Một là, do thời gian bảo quản ngắn nên chưa tiến hành kiểm tra các loại vi khuẩn trước khi cho xuất hàng. Hai là, sản phẩm chứa đựng trong các bao tải chưa được dán tem, kẹp chì vận chuyển trên xe lạnh chưa được thực hiện nghiêm túc".

Về nguyên nhân khiến các lô hàng xương chân trâu, chân bò bị thối và được phát hiện tại TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Vui cho rằng, có thể trên đường vận chuyển, người ta đã đưa lô hàng khác vào container hoặc là xe bị hỏng hóc khiến kho lạnh không đảm bảo. Từ đây, ông Nguyễn Xuân Vui nhận định, có khả năng, các chủ hàng đã "quay vòng" giấy kiểm dịch để vận chuyển các lô hàng khác.

Quang Duẩn  

Đ.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.