Người hồi sinh nghề đan đát Giồng Đình

08/03/2014 10:02 GMT+7

Sau nhiều năm tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường, chị Diệp Thị Trang (ngụ ấp Giồng Đình, xã Đại An, H.Trà Cú, Trà Vinh) đã chọn ra hướng đi phù hợp, giúp làng nghề đan đát Giồng Đình hồi sinh.

 
Chị Trang và những mẫu sản phẩm đan đát do mình tạo ra - Ảnh: Đặng Huỳnh

Nhạy bén với thời cuộc

Làng nghề đan đát Giồng Đình được hình thành hơn 80 năm qua. Như những làng nghề ở miền Tây, làng nghề Giồng Đình có quy mô sản xuất gia đình, công cụ thô sơ, nặng về lao động thủ công. Chính vì thế, sản phẩm đan đát Giồng Đình đã không đứng vững trước sự cạnh tranh gay gắt của các mặt hàng cùng loại được làm bằng nhựa và đứng trước nguy cơ mai một vì nhiều người bỏ nghề.

Cùng cảnh ngộ như bao người thợ ở Giồng Đình, nhưng chị Diệp Thị Trang vẫn cố gắng giữ nghề truyền thống của gia đình. Vốn là người tháo vát, nhạy bén, chị đã nghĩ ra cách chuyển sang làm những sản phẩm chuyên phục vụ sinh hoạt gia đình, như: vỏ đựng bình trà, rổ đựng kim chỉ, dĩa đựng trái cây... nhằm giảm giá thành và bắt mắt người tiêu dùng. Khi làm ra sản phẩm, chị không ngại khó đưa lên chợ tỉnh chào hàng.  

Năm 2007, “cơ duyên” đến với chị khi có một Việt kiều Mỹ quê ở ấp Chợ (xã Đại An, H.Trà Cú) tìm đến đặt hàng để trang trí trong nhà. Đơn đặt hàng đầu tiên tuy không nhiều nhưng giá thành cao, giúp chị có thêm niềm tin về hướng đi mới của mình. Chị Trang cho biết: “Sau thành công bước đầu, tiếp tục có thêm vài khách Việt kiều tìm đến đặt hàng. Từ đó, tôi chỉ tập trung làm các sản phẩm dành để trang trí và tiếp tục đưa đến một số chợ tỉnh lân cận chào bán. Không ngờ chỉ sau một thời gian ngắn, tôi được một số cơ sở chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ngoài tỉnh tìm đến đặt hàng. Công việc làm ăn từ đó không ngừng phát triển”.

Sống được với nghề

Để có đủ sản phẩm cung ứng và giúp cho những người thợ quê mình ổn định cuộc sống, cuối năm 2008, chị Trang đề xuất với hội phụ nữ huyện hỗ trợ thành lập Tổ đan đát hàng thủ công mỹ nghệ Giồng Đình. Buổi đầu, tổ chỉ có hơn chục người thợ được chị truyền nghề và bao tiêu sản phẩm. Mỗi thành viên trong tổ còn được hội phụ nữ huyện bảo lãnh để vay vốn ưu đãi 6 triệu đồng mua nguyên liệu.

Đến nay, Tổ đan đát hàng thủ công mỹ nghệ Giồng Đình có 78 thành viên, bình quân mỗi tháng  làm ra 12.000 sản phẩm, gồm 12 mặt hàng, như: xà ngôn, rổ, rổ hột xoài, bình hoa, giỏ hoa, cần xé nắp, cần xé hoa, lọ tăm tre… trong đó có 6 sản phẩm do chị Trang tự nghiên cứu và tạo mẫu. Sản phẩm làm ra đều được các doanh nghiệp ở Bạc Liêu, Vũng Tàu đặt hàng bao tiêu xuất khẩu. Thu nhập của tổ viên đạt mức trên 1,5 đồng/người/tháng. Hơn 40 lao động là những người lớn tuổi, trẻ nhỏ làm các công đoạn cạo vỏ tre, vót nan tre... cũng có thu nhập 600.000 - 700.000 đồng/người mỗi tháng. Nhờ vậy, các thành viên trong tổ đều có cuộc sống ổn định. Điển hình như gia đình chị Thạch Thị Sa Quân, không có đất sản xuất, cuộc sống rất khó khăn. Từ khi tham gia vào tổ, vợ chồng chị có thu nhập mỗi ngày từ 100.000 - 120.000 đồng, đủ trang trải sinh hoạt cho 5 nhân khẩu trong gia đình. Chồng chị còn tranh thủ lúc rảnh rỗi làm thêm việc khác để có thêm thu nhập lo cho các con ăn học và tích lũy.

Chị Diệp Thị Trang cho biết hiện nay mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Tổ đan đát hàng thủ công mỹ nghệ Giồng Đình đã có đầu ra ổn định, số đơn đặt hàng hiện vượt khả năng cung ứng. Vì vậy, chị đang có ý định thành lập hợp tác xã để tạo thêm việc làm cho nhiều lao động khác ở địa phương. Với sự cần cù, sáng tạo để làm giàu cho gia đình và tích cực đóng góp cho cộng đồng, chị Diệp Thị Trang đã được UBND H.Trà Cú và UBND tỉnh Trà Vinh khen thưởng, trong đó có bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh về “Gương sáng phụ nữ dân vận khéo’.

 Đặng Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.