Nhà trường và trách nhiệm xã hội

20/11/2008 00:45 GMT+7

Sự phát triển lành mạnh của xã hội tùy thuộc vào nhà trường hơn là vào gia đình. Đôi khi có người xem nhẹ vai trò nhà trường, coi đó chỉ là công cụ truyền đạt một lượng kiến thức nhất định cho thế hệ kế tiếp. Nhưng như thế là không đúng, vì nhà trường mang một ý nghĩa rộng lớn hơn, đó là một tổ chức sống động để phục vụ xã hội.

Trong tình trạng mà sự cạnh tranh của thị trường được đề cao, thiết nghĩ phải cảnh giác với quan điểm cho rằng: nhà trường phải dạy trực tiếp những kiến thức và kỹ năng để người học có thể sử dụng được ngay khi vào đời. Nhu cầu cuộc sống rất đa dạng nên không thể có được loại đào tạo chuyên môn hóa như thế trong nhà trường được. Nhà trường phải luôn luôn có mục đích đào tạo một nhân cách hài hòa chứ không phải chỉ là một người chuyên môn thuần túy.

Trong các loại trường học thì đại học là cấp cao nhất và có trách nhiệm xã hội lớn nhất. Đại học là nơi đào tạo nhân lực trình độ cao nhất thuộc mọi lĩnh vực cho phát triển kinh tế và quản lý xã hội. Đại học là nơi mà mọi hiểu biết đạt đến mức cao nhất, là nơi mà biên giới hiểu biết đó không ngừng được mở rộng. Đại học đúng nghĩa phải là nơi mà tinh thần học hỏi tìm hiểu được thúc đẩy mạnh mẽ nhất, là nơi mà khả năng sáng tạo khám phá phát minh được hoàn thiện và chứng thực, là nơi mà sự động não được khuyến khích, là nơi mà các ý kiến bộc phát chưa suy nghĩ cẩn trọng không gây nguy hại gì, là nơi mà sai lầm thiếu sót được tìm ra do tranh luận giữa những khối óc thông minh đầy kiến thức.

Chính môi trường đại học mới tạo điều kiện cho những sinh hoạt trí thức, cho những cuộc hội thảo tranh luận nhằm tìm ra những lời giải cho các vấn nạn mà xã hội rất cần trong hiện tại và trong tương lai.

Đại học có trách nhiệm mở cửa giảng đường một số lớp học hay một số môn học mà thanh niên và người lớn có nhu cầu và sẵn sàng đóng học phí để vào dự học chung với sinh viên chính quy. Nhờ thế đông đảo quần chúng có thể hưởng thụ một phần của nền giáo dục đại học và đồng thời đóng góp thêm cho sinh hoạt trí thức của đại học.

Đại học cũng cần có những sinh hoạt học thuật thường xuyên để giảng viên, sinh viên, thanh niên và những người lớn khác có thể cùng thảo luận, nghiên cứu và tìm giải pháp cho những vấn đề thực tế và thời sự như nạn kẹt xe đô thị, nạn phá rừng và lũ lụt, các vấn đề ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông chết người, tai họa nước biển dâng do khí hậu ấm dần lên, nạn tham nhũng và kém hiệu quả trong hoạch định chính sách và quản lý nhà nước…

Sinh hoạt học thuật ở đại học như thế sẽ không còn biệt lập trong tháp ngà với những giả thiết viển vông nữa mà trở nên rất sát với nhu cầu thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế cho xã hội cũng như cho cả đại học nữa.

Có như thế đại học mới là nơi hình thành trí tuệ, thái độ và nhân cách của những sinh viên trẻ tuổi, của những nhà lãnh đạo tương lai nhờ tương tác với giáo sư với bạn học để cho giá trị trong đại học trở thành giá trị của xã hội.

Khi đại học mở rộng những hoạt động trí thức để nâng cao trách nhiệm với xã hội, thì kỳ vọng của cộng đồng về trách nhiệm xã hội ở giảng viên và sinh viên cũng được nâng cao.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.