Người bị oan có thể được bồi thường 5 tỉ đồng

25/12/2005 22:57 GMT+7

Ngày 22/12, Viện KSND tối cao đã quyết định trả tự do ngay cho bà Nguyễn Thị Lâm, nghi can được xem là "chủ mưu" trong "vụ án vườn điều" vì không tìm được chứng cứ buộc tội. Sau 2 phiên sơ thẩm, 2 phiên phúc thẩm kéo dài hơn 12 năm và gần 10 tháng điều tra lại từ đầu (kể từ 11/3/2005), Công an tỉnh Bình Thuận và các điều tra viên của Bộ Công an thừa nhận không đủ chứng cứ chứng minh các bị cáo phạm tội.

Trong vụ án bà Dương Thị Mỹ ở Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận bị giết chết (còn gọi là "vụ án vườn điều"), nếu tính thời gian bị tù tại trại giam của Công an Bình Thuận thì cả 5 "bị cáo" cũng đã thực hiện xong "án tù".

Huỳnh Văn Nén

Tính đến ngày 22/12, bà Nguyễn Thị Lâm đã bị giam đúng 7 năm. Trước đó, các con ruột của bà Lâm là Nguyễn Văn Sơn đã bị tù 5 năm, Nguyễn Văn Tiền 6 năm, Nguyễn Thị Tiến 6 năm, Nguyễn Thị Nhung (người được xem là tình địch của Dương Thị Mỹ) bị chết vì bệnh ung thư tại Bệnh viện ung bướu TP.HCM trong thời gian bị khởi tố. Đó là chưa kể con rể của bà Lâm là Huỳnh Văn Nén hiện còn trong trại giam (vì liên quan đến một vụ án khác), các cháu ngoại là Trần Thanh An và nhất là Trần Thanh Vân bị khởi tố và bắt giam khi chưa đủ tuổi thành niên. Vụ án oan này đã ảnh hưởng trực tiếp cả 3 thế hệ ở một gia đình. Cả nhà bà Lâm hiện không nhà không cửa và phải sống vất vưởng nhờ vào việc lượm ve chai ở chợ Tân Minh - huyện Hàm Tân. Nguyễn Văn Sơn vì phải ngồi tù mà vợ con đã bỏ đi biệt xứ, hiện Sơn phải làm thuê kiếm sống ở Đồng Nai.

Còn nhớ, trong cả hai phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, các luật sư biện hộ cho các bị cáo đã đề nghị tòa phải tuyên vô tội và phải trả tự do ngay cho các bị cáo với các lý do sau: không có bất cứ một chứng cứ nào đủ yếu tố pháp lý để buộc tội mẹ con bà Nguyễn Thị Lâm âm mưu giết chết Dương Thị Mỹ ở vườn điều nhà ông Hai Hoàng. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã có vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra vụ án. Đặc biệt là  Cao Văn Hùng (điều tra viên chính của vụ án này, đã bị cho ra khỏi ngành công an), đã "cố tình xâm phạm các hoạt động tư pháp" khi thực hiện việc ép cung, mớm cung, đánh đập các bị cáo và làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Theo kết luận của cấp tố tụng sơ thẩm ở Bình Thuận thì nội dung vụ án như sau: Dương Thị Mỹ và Trần Văn Sáng có quan hệ tình ái lén lút với nhau. Sau khi thấy được "lá thư" Mỹ viết cho chồng mình, hẹn nhau ra vườn điều vào đêm 18.5.1993, Nguyễn Thị Nhung đã bàn với mẹ và cả gia đình tổ chức bao vây vườn điều đêm đó và giết chết Mỹ. Mấy ngày sau, người ta thấy một xác chết trong vườn điều nhà ông Hai Hoàng và nạn nhân được xác định là Mỹ. Mãi cho đến năm 1998, Huỳnh Văn Nén bị bắt vì bị nghi ngờ liên quan đến một vụ án khác thì "vụ án vườn điều" mới được điều tra. Vì Nén là con rể bà Lâm, em rể Nguyễn Thị Nhung nên bị cho là nghi can số 1 của vụ án này.

Vì sao mà cả gia đình bà Nguyễn Thị Lâm phải sa vào vòng lao lý, nhà nát cửa tan? Câu trả lời chỉ có thể đến từ các cơ quan điều tra, xét xử ở Bình Thuận. Một vài chuyện phi logic đã xảy ra trong vụ án này như: biên bản khám nghiệm hiện trường vụ án mô tả bà Dương Thị Mỹ bị đâm rất nhiều nhát dao, nhưng quần áo của nạn nhân lại... không hề có một giọt máu(!). "Bức thư" mà Dương Thị Mỹ viết cho "người tình" Trần Văn Sáng để hẹn nhau đến vườn điều đêm 18.5.1993 lại được viết bởi người... mù chữ (bà Mỹ không hề biết chữ). Xác chết được xác định là đã thối rữa, không thể nhận dạng được nạn nhân nhưng vẫn được cơ quan điều tra Công an tỉnh khẳng định đó là Dương Thị  Mỹ (!). Ngay cả con dao gây án được đào bới từ dưới đất lên làm chứng cứ duy nhất của vụ án lại chỉ là một... nắm sắt vụn. Trong khi đó, rất nhiều đối tượng buôn bán gỗ lậu ở Tân Minh có quan hệ với Dương Thị Mỹ đều đã "tự nhiên biến mất" một cách khó hiểu sau khi vụ án xảy ra nhưng không được cơ quan điều tra làm rõ. Một kết luận vừa được Bộ Công an phát hiện, nghe có vẻ rất hài hước nhưng là sự thật, đó là bị cáo Nguyễn Văn Sơn có tên thật là Nguyễn Văn Châu, nhưng suốt hàng chục năm trời làm án mà cơ quan điều tra, cơ quan công tố và tòa án cấp sơ thẩm ở Bình Thuận không hề biết (!). Còn rất nhiều chi tiết khác chứng tỏ sự phi lý của vụ án này đã được các luật sư làm sáng tỏ tại các phiên sơ thẩm nhưng đã bị bỏ qua.

Sắp tới đây, chắc chắn vụ án sẽ phải được làm rõ trắng đen. Nếu không có cơ sở để kết luận các bị cáo có tội thì việc các cơ quan tố tụng phải tuyên mẹ con bà Lâm vô tội trong "vụ án vườn điều" gần như là điều hiển nhiên. Theo các luật sư bào chữa cho các bị cáo suốt mấy năm qua thì ước tính số tiền bồi thường cho người bị oan có thể sẽ lên tới trên 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, những tổn thất về tinh thần mà cả gia đình các bị cáo phải gánh chịu thì không gì có thể bù đắp nổi.   

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.