Bệnh són tiểu ở phụ nữ

30/11/2008 22:19 GMT+7

Tình trạng thoát nước tiểu ra ngoài niệu đạo không theo ý muốn được gọi là tiểu không kiểm soát khi gắng sức (són tiểu).

Đừng nên giấu bệnh!

Tại hội nghị thường niên của Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh (TP.HCM) vừa diễn ra, trong phần trình bày tham luận về tiểu không kiểm soát ở phụ nữ khi gắng sức, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiến (Bệnh viện FV, TP.HCM) cho biết: Tình trạng tiểu không kiểm soát khi gắng sức xảy ra rất nhiều trong cộng đồng (với tỷ lệ khoảng 20% - 40% phụ nữ). Tuy nhiên, vì là chuyện tế nhị nên chị em hay giấu kín, không cho bác sĩ biết. Chẳng hạn như ở Mỹ, người ta thống kê, chỉ có 20% người bệnh gặp tình trạng trên thổ lộ với bác sĩ về hiện tượng són tiểu.

Tiểu không kiểm soát khi gắng sức thường là do có sự kết hợp của tình trạng suy yếu về thần kinh, về cơ và mô liên kết ở vùng đáy chậu, sự nâng đỡ của niệu đạo, chức năng cổ bàng quang và các cơ quanh niệu đạo, cũng như chức năng các cơ nâng hậu môn – là những thành phần, bộ phận chủ yếu có nhiệm vụ kiểm soát nước tiểu.

Biểu hiện của tiểu không kiểm soát khi gắng sức thường xuất hiện dưới dạng là tia nước tiểu thoát ra ngoài đồng thời với lúc gia tăng áp lực trong vùng bụng (như: hắt hơi, ho, chạy bộ, khiêng vật nặng...). Tình trạng tiểu không kiểm soát thường xuất hiện vào ban ngày, hoặc ban đêm khi ho nhiều lần, hoặc thay đổi tư thế từ nằm qua đứng. Triệu chứng này thường lặp đi, lặp lại liên tục.

Chữa trị

Để chẩn đoán tình trạng tiểu không kiểm soát khi gắng sức, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm nghiệm pháp ho lúc bàng quang đầy, thực hiện ho nhiều lần ở tư thế nằm; ngoài ra bác sĩ còn đánh giá thêm về sức cơ tầng sinh môn, cũng như xem có sa sinh dục và sa bọng đái đi kèm hay không. Bên cạnh đó là làm xét nghiệm về niệu động lực học, hay chụp niệu đạo – bàng quang, siêu âm, chụp MRI (cộng hưởng từ)...

Việc chữa trị tình trạng tiểu không kiểm soát nói trên, theo trình bày của bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiến, gồm có: điều trị nội khoa như: tập luyện (gồm các bài tập luyện tầng sinh môn, kích thích điện...); điều trị bằng thuốc. Ngoài ra còn có các phương pháp chữa trị ngoại khoa (phẫu thuật). Việc tập luyện được hỗ trợ bởi các chuyên viên vật lý có kinh nghiệm sẽ giúp cải thiện được tình trạng tiểu không kiểm soát khi gắng sức khoảng 40% số người bệnh và 10% là khỏi bệnh hoàn toàn.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.