Làm vợ bố già mafia

20/11/2004 21:54 GMT+7

Có nhiều cuộc đời chúng ta hay đề cập đến, riêng về cuộc đời các bà vợ của giới trùm xã hội đen, ít có thông tin đề cập. Bài viết Phía sau cánh cửa đóng đăng trên tạp chí Mafia Mỹ sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về thân phận của những phụ nữ trót "yêu nhầm" người của thế giới ngầm. Thanh Niên xin trích dịch:

Trong một tình tiết của serie phim The Sopranos, bố già Tony Soprano nhoài người khắp nền nhà gom sạch tiền, dúi vào những cái túi dày cộm. Đoạn với lấy cái thang trèo lên trần nhà, lôi sạch những gói tiền giấu sau những tấm la-phông. Cô vợ đau khổ lâu năm, nhưng được cái trung thành - Carmela, tay cầm một túi nhựa, mở rộng miệng bao cho hắn ném từng gói tiền vào đấy. Chưa bao giờ cô vợ hỏi - tiền ở đâu anh có, và cũng chẳng bao giờ tỏ vẻ ngạc nhiên là chồng mình giấu tiền ở đó từ lúc nào ? Làm vợ một mafia chỉ có một điều luật thật đơn giản, song phải tuân thủ: Khi nào chồng còn mang tiền của về, đủ để cung phụng cho gia đình có được cuộc sống sung túc, khiến mọi người phải nể trọng, người vợ chỉ cần làm một điều là không cần quan tâm đến chuyện tiền của đó có từ đâu.

Hầu hết các bà vợ của giới trùm thế giới ngầm đều sống chung trong một thế giới của sự từ chối. Với thế giới bên ngoài, họ luôn miệng thề sống thề chết rằng "chồng tôi không hề là kẻ trộm hay sát nhân". Công việc của chồng chẳng qua chỉ là làm một ngành xây dựng chẳng hạn, nhưng lại hay bị đám cớm quấy rầy chỉ vì cái tội nói nặng giọng Ý, và do đó, ông chồng luôn bị đối xử thiếu công bằng. Nhưng sự thật, họ biết tất cả, thậm chí rất rõ những gì chồng mình đang làm để có được một cuộc sống vương giả. Dù rằng ngay cả khi các bà vợ mafia ở cạnh nhau, cùng trò chuyện, cùng mua sắm, bàn về lũ nhóc hay chia sẻ những việc thầm kín của phụ nữ, họ cũng chẳng bao giờ bẻm mép về việc làm của đấng ông chồng.

Karen Hill là một người vợ trong gia đình tội ác Lucchese. Chồng cô là Henry Hill - nhân vật chính ngoài đời của quyển sách best-selling Wiseguy: Life in a Mafia Family của Nicholas Pileggi, nhớ lại lần đầu tiên gặp vợ các "đồng nghiệp" của chồng trong một chuyến thăm nuôi trong trại giam: "Họ biết rất rõ nhà tù nào tốt, nhà tù nào tồi và họ không hề đả động đến chuyện làm sao mà chồng họ phải nông nổi xộ khám ngồi gỡ lịch. Những gì họ nói qua nói lại chỉ là "bọn cớm và lũ công tố là đồ nói láo như thế nào. Tại sao mọi người lại đổ vấy tội cho chồng tôi và sao mà lão ta cũng chỉ làm những việc như bao người khác, nhưng lại xui xẻo bị tóm cổ".

Tuy nhiên, không phải bất cứ cô vợ nào của các tay trùm mafia đều khổ sở. Rất nhiều tay anh chị biết cách cư xử với vợ và để cho vợ sở hữu những món tài sản có được. Thường thì các bà vợ của thế giới ngầm hay bị dính chung tội với chồng và rất nhiều tay trùm, bằng mọi cách, giải cứu vợ mình ra khỏi vòng lao lý, nổi bật trong số đó là John "Porky" Zancocchio. Zancocchio vận động tranh cử chức thị trưởng New York, ở thời điểm cao trào, hắn phải tốn quá 280 triệu đô la mỗi năm. Tuy nhiên, năm 1990, Zancocchio dính vào một vụ trốn thuế. Tòa án lôi cả tên này cùng bà vợ Lana vào tội giả mạo chứng từ. Các tay công tố còn dọa sẽ lôi cả mẹ Zancocchio ra tòa vì tội cho con trai mượn tên quyền sở hữu một nhà hàng pizza. Zancocchio "binh" tối đa và cuối cùng được hưởng mức án 1 năm tù cùng với số tiền phạt 100.000 đô la. Lẽ đương nhiên, vợ và mẹ của hắn vô can.

Đó là một bài học trong cuộc đời Zancocchio. Nhưng tiếc thay, tên này không hề rút ra được. Năm 1995, Zancocchio lại dính vào tội danh cũ - trốn thuế. Vợ Zancocchio - Lana cũng liên lụy. Vụ án kéo dài trong suốt 5 năm và cuối cùng, Zancocchio bị kết án 71 tháng tù cùng mức phạt 300.000 đô la trong khi Lana bị kết án 16 tháng tù, song luật sư của cô đã đàm phán thành công, thuyết phục tòa cho phép cô vừa thụ án, vừa ở nhà nuôi dưỡng đám nhóc.

Cũng như các ông chồng, các bà vợ cũng phải tuyệt đối trung thành với luật Omerta với hy vọng vào sự tồn tại và phát đạt sau này. Nhà cao cửa rộng, xe hơi hạng sang, quần áo đắt tiền, nhà hàng sành điệu với những bữa ăn cung đình, cung cách xài tiền của vua chúa - bấy nhiêu đó thôi cũng đủ mạnh để họ niêm chặt miệng lại.

Theo những câu chuyện truyền tụng từ thời xa xưa ở Sicilian, các bà vợ phải nên ở nhà, không được mang dép và... luôn có bầu. Những câu chuyện gần đây thì cho rằng làm vợ mafia thì phải ở nhà lo chuyện bếp núc và chỉ được (nhìn lên) thấy cái trần nhà trên giường ngủ. Đây là những quy định thuộc diện "tránh xui" tối đa cho các ông trùm và quý bà phải tuân thủ theo luật hôn nhân riêng của thế giới ngầm. Ann Coppola, người vợ thứ hai của Michael "Trigger Mike" Coppola (Mike siết cò) - tay anh chị khét tiếng ở New York, có lẽ đau khổ hơn tất cả trong số các bà vợ. Coppola nổi tiếng trong thế giới ngầm về tính bạo lực, điều hành các đường dây ma túy, đâm thuê chém mướn ở Harlem trong những năm 1950. Hắn cưới Ann Augustine năm 1955 sau khi người vợ đầu Doris đoản mệnh. Hắn bảo Ann rằng Doris mất trong lúc hạ sinh, nhưng không bao lâu, Ann hiểu rõ hơn ai hết nguyên do dẫn đến cái chết của Doris, lẽ đương nhiên, không phải như hắn nói.

Khi Ann bắt đầu cấn thai, Coppola bảo vợ rằng hắn không muốn có thêm con nữa. Hắn đã có 2 đứa với Doris rồi và cô con gái riêng của Ann cũng chẳng sống chung với gia đình đấy sao. Theo bài viết của Allan May - nhà nghiên cứu lịch sử các băng đảng, Coppola bảo vợ đừng quá lo và - "để đó anh tính”.

Một ngày nọ, khi đám trẻ đều đã đến trường, một tay bác sĩ đến gõ cửa nhà. Coppola chào đón và vui vẻ dẫn vào nhà, đơn giản giới thiệu với Ann: "Đây là bác sĩ D.”. Gã bác sĩ trải một tấm khăn lên bàn ăn, thực thi thủ thuật nạo thai trong lúc Coppola đứng nhìn một cách chăm chú trong suốt thời gian "phẫu thuật". Sau đó, Coppola thì thào với vợ rằng đã phải tốn đến 1.000 đô la cho vụ phá thai đó.

Ba tháng sau, Ann lại có mang và bác sĩ D. lại trở lại. Một lần nữa, Trigger Mike lại đứng chứng kiến toàn bộ sự việc, có vẻ như thích thú. Hai lần phá nữa diễn ra và Ann bắt đầu nhận ra rằng lý do duy nhất ông chồng ngủ với mình là để nhìn thấy việc phá thai. Và Ann hiểu, đó là lý do tại sao Doris sớm lìa trần.

Bên cạnh đó, Ann còn chịu đựng không ít lần roi đòn của ông chồng mafia, song mâu thuẫn ở chỗ - cô cũng thích thú với những loại quần áo đẹp, đồ trang sức đắt tiền cùng cuộc sống sung túc. “Anh ta đã cho tôi tất cả những gì tôi thích", Ann lý giải. "Để chứng minh cho mọi người biết rằng tôi có một ông chồng thành đạt. Bản thân chồng tôi cũng thích mọi người nghĩ anh ta như là một thượng đế vậy".

Sau 5 năm không hé răng lấy nửa lời về những hành vi ngược đãi của chồng, cuối cùng Ann cũng phải ra đi bằng một lá đơn ly dị. Cùng lúc đó, Coppola dính vào 4 khoản trong tội danh trốn thuế. Dưới lệnh của các bố già khác, Coppola ngoan ngoãn chịu án 1 năm + 1 ngày tù. Và trong lúc ông chồng xộ khám, Ann chuyển về Ý, chết lần mòn trong các liều thuốc quá độ cùng rượu mạnh.

Henry Hill - tay trùm của tổ chức tội ác từng là nguồn cảm hứng cho bộ phim mafia Goodfella của Martin Scorcese, là một trong số rất ít những tay trùm kiếm được một cô vợ tuyệt vời về lòng trung thành. Hill - với tổ chức tội ác Lucchese, chưa hề được giới mafia công nhận vì bản thân hắn không hề có đủ 100% dòng máu Ý. Tuy nhiên, điều đó không đủ để cản Hill xâm nhập vào những tội ác tày đình ở New York, trong đó nổi cộm là vụ trộm 4 triệu đô la từ chuyến bay của hãng Lufthansa vào năm 1978 tại phi trường Kennedy. Được điểm lại trong Wiseguy của Pileggi, cô vợ Karen Hill được xếp vào hàng chịu đựng thượng thừa so với phụ nữ Mỹ bình thường. Khi Henry xộ khám, cô vẫn kiên nhẫn chịu đựng đưa con đến trường, nuôi cho khôn lớn. Chỉ tội một chỗ, sau này Henry ngã vào cơn nghiện của nàng tiên trắng, kéo luôn cuộc đời cô vợ rơi xuống tận đáy xã hội.

Lê Huỳnh Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.