Chọn học ngành tài chính - kế toán: Nhiều lựa chọn và cần thí sinh tự tin

14/03/2014 14:00 GMT+7

(TNO) Lúc 14 giờ 30 chiều nay 14.3, Báo Thanh Niên tiếp tục tổ chức buổi tư vấn trực tuyến truyền hình trên Thanh Niên Online về chủ đề 'Chọn nghề phù hợp' liên quan đến nhóm ngành tài chính - kế toán. Nhiều giải đáp và tư vấn bổ ích đã được các thầy cô cung cấp cho các phụ huynh, thí sinh.

Tham dự chương trình có chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ gồm:

  • Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing.
  • Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó trưởng phòng tổ chức Trường ĐH Tài chính - Marketing.
  • Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Tài chính - Hải quan.
  • Thạc sĩ Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi.
  • Nhà giáo ưu tú - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Quản trị kinh doanh Hưng Yên.
  • Thạc sĩ Lê Tuấn Hiệp, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Quản trị kinh doanh Hưng Yên.

Các chuyên gia sẽ giải đáp thắc mắc của thí sinh, phụ huynh về việc chọn ngành phù hợp liên quan đến nhóm ngành trên.

Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi về chương trình thông qua hướng dẫn kế bên hoặc điện thoại vào đường dây nóng trực tuyến số: (08).39256248.

14 giờ 30 phút, chương trình bắt đầu với sự hiện diện đông đủ của học sinh lớp 12 Trường THPT Trí Đức (TP.HCM).

Theo nhà báo Thùy Ngân, Phó ban Thanh niên - Cuộc sống báo Thanh Niên, có nhiều điều thú vị về khối ngành kinh tế- tài chính. Từ kỳ tuyển sinh 2013 khi Bộ GD-ĐT hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh và không cho phép các trường không thuộc khối ngành kinh tế mở thêm khối ngành này, cùng với tình trạng khủng hoảng kinh tế, nhiều người khối ngành này thất nghiệp, sinh viên ra trường khó kiếm việc làm… nên ở bất cứ buổi tư vấn nào thí sinh cũng băn khoăn về cơ hội việc làm sau khi ra trường khối ngành này.

Rõ ràng là đã có sự sụt giảm thí sinh đăng ký dự thi vào nhóm ngành kinh tế- tài chính. Theo số liệu tuyển sinh năm 2013 số thí sinh đăng ký dự thi vào nhóm ngành kinh tế quản lý  giảm 10,5% nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm ngành (19,9%). Tỷ lệ thí sinh nộp hồ sơ vào các nhóm ngành khác đều tăng nhưng vẫn cách rất xa nhóm ngành kinh tế.

Như vậy, dù ngại, dù sợ nhưng thí sinh vẫn thích khối ngành này. Vì sao khối ngành này có hấp lực như vậy? Và liệu nếu chúng ta khuyên học sinh hãy chọn ngành học theo đam mê thì các thầy cô ở đây có thể cho thí sinh thấy cơ hội nghề nghiệp, hướng ra của ngành học này ít nhất trong 4-5 năm nữa khi lứa sinh viên vào trường năm nay tốt nghiệp.

 
Quang cảnh buổi trực tuyến - Ảnh: Khả Hoà

Trước khi bước vào phần tư vấn về ngành nghề, các thầy cô có thể cung cấp cho học sinh, thí sinh những thông tin về dự báo cơ hội việc làm, nhân lực của nhóm ngành này trong vài năm sắp tới.

Mở đầu buổi tư vấn, tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing cho biết sơ bộ về một vài yếu tố cơ bản cần thiết trong việc chọn ngành, nghề khi ra trường, đặc biệt là khối ngành kinh tế - tài chính.

Tiến sĩ Thái cho biết: Với hoàn cảnh kinh tế nhiều cạnh tranh hiện nay, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên khối ngành này cần trau dồi rất nhiều về các kỹ năng mềm, trong đó tin học và tiếng Anh là quan trọng nhất. Sinh viên khi ra trường cần kỹ năng Anh văn xuất sắc để phù hợp môi trường công việc hiện đại. Bên cạnh đó là những giá trị đạo đức cần thiết để có thể trở thành những ứng viên nổi trội nhất.

 
Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing - Ảnh: Khả Hoà

Nhà giáo ưu tú - tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Quản trị kinh doanh Hưng Yên, chia sẻ: Trong những năm nay việc đào tạo ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng có khó khăn, nhưng số lượng đăng ký dự thi vẫn cao hơn các ngành khác. Trường trực thuộc Bộ Tài chính, đào tạo 5 ngành: Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán, Quản trị kinh doanh, Hệ thống thông tin quản lý. Trường có kinh nghiệm gần 50 năm đào tạo ngành tài chính, kế toán.

Nếu các em thích về kinh tế, tài chính, kế toán thì cứ mạnh dạn thi để đón đầu việc làm vì kinh tế hiện nay khó khăn nhưng sau 4 - 5 năm nữa sẽ phục hồi và cần nhiều nhân lực.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi: Khi định hướng chọn trường để đăng ký dự thi thì phải nhìn triển vọng tương lai của ngành đó, phải nghĩ rằng học cho 5 năm sau. Từ đó các bạn có hướng chọn ngành nghề trong lĩnh vực tài chính - kinh tế - ngân hàng cho phù hợp.

Trường ĐH Tài chính - Kế toán Quảng ngãi là một trong 5 trường của Bộ Tài chính. Hiện trường đào tạo các ngành: tài chính ngân hàng, kế toán, kiểm toán, quản trị kinh doanh, hệ thống thông tin quản lý và kinh doanh quốc tế.

 
Thạc sĩ Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi - Ảnh: Khả Hoà

Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ Tài chính - Hải quan, cho biết, hiện trường đang đào tạo hai cấp bậc trung cấp và cao đẳng, với những kiến thức cần thiết dành cho những người lao động có năng lực tay nghề, tác nghiệp chuyên môn cao. Thế mạnh của trường là đào tạo về kế toán, hải quan và xuất nhập khẩu. Đây đều là các ngành nghề có tỷ suất việc làm sau khi ra trường rất cao, trong đó, năm 2013 khoa kế toán là 70,8%, khoa quản trị kinh doanh là 78,8%. 

"Chương trình dạy học của trường ĐH Tài chính Quản trị kinh doanh Hưng Yên theo chương trình chuẩn của Bộ hay trường tự biên soạn?", bạn Trương Thanh Hải ở Hưng Yên hỏi.

NGƯT - tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Quản trị kinh doanh Hưng Yên, cho biết: Chương trình đào tạo được xây dựng theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT.

Một học sinh khác ở Thanh Hóa thắc mắc: "Em muốn sau này đi làm việc tại cơ quan thuế nhà nước, vậy theo thầy Hiệp em nên chọn chuyên ngành kiểm toán hay tài chính? Nếu em thích học cả 2 ngành thì cùng một lúc em có thể đăng ký thi vào 2 ngành được không?".

NGƯT - tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Quản trị kinh doanh Hưng Yên, khẳng định: Ngành tài chính ngân hàng của trường có chuyên ngành thuế. Đặc biệt năm 2014 là năm đầu tiên trường đào tạo hệ ĐH chuyên ngành thuế. Vì vậy, em có thể đăng ký dự thi ngành Tài chính – Ngân hàng trong năm nay.

Trường đào tạo tín chỉ nên em có thể học song ngành, tích lũy đủ tín chỉ của ngành nào thì sẽ được tốt nghiệp ngành đó.

Nếu em thi rớt hệ đại học ngành kế toán của trường ĐH Tài chính - Quản trị kinh doanh Hưng Yên thì em có thể được xét tuyển thẳng xuống hệ cao đẳng của trường được không? Trường tự xét tuyển xuống hay em phải nộp đơn?", em Bùi Tuấn ở Hưng Yên hỏi.

NGƯT - tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Quản trị kinh doanh Hưng Yên, trả lời: Trường có tuyển hệ CĐ. Em dự thi vào trường nếu không đậu ĐH mà có nguyện vọng học CĐ thì có thể làm hồ sơ đăng ký dự tuyển hệ CĐ của trường.

 
Nhà giáo ưu tú - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Quản trị kinh doanh Hưng Yên - Ảnh: Khả Hoà

"Ngành tài chính ngân hàng và tài chính doanh nghiệp giống và khác nhau chỗ nào? Cơ hội việc làm của ngành tài chính doanh nghiệp, học lực trung bình có thể theo ngành này hay không? Em nghe người ta nói sau này muốn xin vào 1 ngân hàng hay 1 doanh nghiệp nào thì phải có tiền và phải quen biết đúng không ạ?", học sinh Ngọc Linh đặt câu hỏi đến chương trình.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính – Kế toán Quảng Ngãi giải đáp: Ngành tài chính doanh nghiệp là chuyên ngành của ngành tài chính ngân hàng. Các ngành thuế, tài chính doanh nghiệp, quản lý tài chính nhà nước, ngân hàng là những chuyên ngành của ngành tài chính ngân hàng.

Nếu em chọn học tài chính ngân hàng thì ngoài học phần chung kiến thức của ngành thì có thể đi chuyên sâu ngành tài chính doanh nghiệp. Cơ hội việc làm tốt của ngành này rơi vào 2 chuyên ngành ngân hàng và tài chính doanh nghiệp.

Bạn đọc Cẩm Thu đặt câu hỏi: "Cho em hỏi Ngành học kinh doanh quốc tế ở trường ĐH Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi sẽ được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh phải không ạ?".

Thạc sĩ Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính – Kế toán Quảng Ngãi giải đáp: Ngành kinh doanh quốc tế của trường đươc Bộ GD-ĐT cho phép mở năm 2014. Ngành này có 2 điểm khác biệt: giảng dạy bằng tiếng Việt và chọn 3 - 4 học phần giảng hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chuẩn đầu ra với ngành này cao hơn so với các ngành khác.

"Cho em hỏi ngành marketing tổng hợp của trường sẽ đào tạo những gì và ngành này cơ hội việc làm có cao không?", bạn đọc Thành Long thắc mắc.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi tư vấn: Ngành marketing tổng hợp là ngành mới và trường chưa mở đào tạo mà chỉ có ngành quản trị kinh doanh tổng hợp. Nếu chọn học ngành này thì có Trường ĐH Tài chính Marketing, CĐ Tài chính hải quan đào tạo chuyên ngành này.

"Nếu đăng ký dự tuyển vào ĐH Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi mà không đủ điểm thì em có thể lấy số điểm này đăng ký vào cao đẳng cùng ngành của trường được không?", bạn đọc Thanh Phương hỏi.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi cho biết: Trường thi tuyển với hệ ĐH và xét tuyển với hệ CĐ. Nếu rớt hệ ĐH thì trường trực tiếp chuyển xuống CĐ và không cần viết đơn.

"Ngành Marketing có phải sau này ra làm tiếp thị không? Cho em biết giữa chuyên ngành Marketing tổng hợp và Quản trị thương hiệu có gì khác nhau?", bạn đọc ở Đà Nẵng hỏi.

Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing cho biết: Ngành Marketing được nhà trường đào tạo từ rất lâu, gồm 2 chuyên ngành: Marketing tổng hợp và Quản trị truyền thông - thương hiệu.

Marketing không chỉ là những công việc tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đơn thuần mà là những công việc quản trị các dự án Marketing lớn. Marketing hiện đại bao gồm khảo sát, nghiên cứu nhu cầu của người tiêu dùng để có thể đưa ra những chiến lược kinh doanh hiệu quả, đem lại nguồn lợi lớn cho công ty. Marketing là một trong ba bộ phận quan trọng nhất trong hoạt động doanh nghiệp, bên cạnh bộ phận tài chính và sản xuất.

Quản trị thương hiệu là đưa ra ý tưởng, phát triển thương hiệu trong thị trường, đưa ra các chiến lược PR quảng bá sản phẩm. Còn Marketing tổng hợp thì rộng hơn, quản trị các dự án Marketing lớn.

Minh Tú, bạn đọc ở Vĩnh Long thắc mắc: "Em không hiểu rõ mấy về chuyên ngành Thương mại quốc tế và Kinh doanh quốc tế có khác biệt như thế nào?".

Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing trả lời: Kinh doanh quốc tế rộng hơn Thương mại quốc tế. Trong đó, thương mại quốc tế chỉ tập trung vào các công việc xuất nhập khẩu, các công tác luân chuyển hàng hóa quốc tế. Kinh doanh quốc tế sẽ học về việc quản trị những dự án kinh doanh lớn hơn, mang tầm quốc tế, trong đó FDI là một ví dụ, hay đầu tư cổ phiếu quốc tế.

Một phụ huynh hỏi: Con tôi năm nay định dự thi đại học khối A và D1. Học lực khá, cháu muốn thi ngành Quản trị kinh doanh. Cho tôi hỏi nếu cháu học ngành này thì sau khi ra trường có dễ tìm việc làm không?

Và học sinh khác cũng hỏi thêm: "Em muốn học ngành Quản trị kinh doanh nhưng có quá nhiều trường đào tạo ngành này. Vậy em nên chọn trường nào? Chương trình giữa các trường có gì khác nhau?".

Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing giải thích chung: Khối D1 và A1 dành cho các thí sinh khá về tiếng Anh, đây là hướng đi đúng cho những học sinh yêu thích ngành Marketing, thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh… Tuy nhiên, để biết được học tại trường nào có thể có chương trình đào tạo hiệu quả, ra trường có việc làm tốt hay không thì các em cần tham gia các buổi tư vấn, triển lãm, giới thiệu… để tìm hiểu về chương trình đào tạo của nhà trường có phù hợp nhu cầu học tập, phát triển của sinh viên.

"Năm nay trường ĐH Tài chính - Marketing có chuyên ngành mới nào không? Nếu có thì những ngành này cơ hội làm việc cao không, làm ở đâu?", bạn đọc Thu Hà ở Bình Phước hỏi.

Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing cho biết: Hiện trường ĐH Tài chính - Marketing có 11 ngành và 26 chuyên ngành. Trong năm tuyển sinh này, trường có chuyên ngành mới là Marketing truyền thông thương hiệu và Hải quan xuất nhập khẩu (có đào tạo chất lượng cao).

"Nếu em học ngành kế toán kiểm toán của trường CĐ Tài chính hải quan thì sau này em có thể làm việc trong ngân hàng được không?", bạn đọc Thành Nhân hỏi.

Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Tài chính - Hải quan, cho biết: Mã ngành hệ CĐ không có ngành kế toán - kiểm toán mà chỉ có ngành kế toán. Trong ngành Kế toán chia làm hai chuyên ngành là Kế toán doanh nghiệp và Kế toán hành chính sự nghiệp. Ngân hàng là một chuyên ngành khác. Tuy nhiên, ở ngân hàng hay bất kỳ cơ quan, công ty nào cũng cần kế toán cả. Vì vậy, tốt nghiệp ngành kế toán bạn có thể làm ở ngân hàng.

 
Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Tài chính - Hải quan - Ảnh: Khả Hoà

"Ngành thuế - hải quan khi học xong ra trường có thể làm việc ở những cơ quan nào? Khả năng tiếp nhận ngành này sau khi ra trường ra sao? Khi tốt nghiệp ngành thuế - hải quan có thể học tiếp thạc sĩ chuyên ngành tài chính-ngân hàng không?", bạn đọc Uông Nhàn thắc mắc.

Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Tài chính - Hải quan, tư vấn: Trường không có ngành thuế hải quan mà chỉ có chuyên ngành thuế - hải quan thuộc ngành ngân hàng và ngành hải quan. Muốn làm ở cơ quan thuế hay hải quan, theo quy định Nhà nước thì phải qua thi công chức. Em muốn học thạc sĩ thì trước tiên phải liên thông qua ĐH, tốt nghiệp ĐH trước đã.

Một phụ huynh đặt câu hỏi đến chương trình: "Năm nay, con tôi có nguyện vọng thi vào Trường CĐ Tài chính hải quan, ngành quản trị. Nhưng lực học chỉ đạt loại trung bình khá, mong thầy cô tư vấn chọn ngành phù hợp".

Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Tài chính - Hải quan, chia sẻ: Tại Trường CĐ Tài chính - Hải quan, ngành có điểm đầu vào trung bình là ngành quản trị kinh doanh và ngành kế toán. Trường tổ chức thi tuyển sinh đợt 3. TS dự thi phải có điểm bình quân mỗi môn trên 5 điểm thì có thể đậu vào những ngành này.

Thông tin về trường công lập và trường ngoài công lập, chế độ học bổng, chính sách hỗ trợ, cơ sở vật chất, thạc sĩ Lê Tuấn Hiệp, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Quản trị kinh doanh Hưng Yên nói: Khung học phí của trường theo quy định của nhà nước. Quy định khung học phí đến năm 2015, sau năm 2015 thì chưa có quy định khung học phí cụ thể. Vì thế học phí của trường thu theo các trường công lập. Đặc biệt, trường của Bộ Tài chính nên thu theo quy định của Bộ Tài chính. Chương trình đào tạo bậc ĐH có 141 tín chỉ, với khoảng 183.000 đồng/tín chỉ; Bậc CĐ có 100 tín chỉ với khoảng 141.000 đồng/tín chỉ.

Theo quy định của Nhà nước, ngoài học phí thì trường không thu thêm các khoản nào khác.

 
Thạc sĩ Lê Tuấn Hiệp, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Quản trị kinh doanh Hưng Yên - Ảnh: Khả Hoà

Theo quy định, quỹ học bổng cho sinh viên chiếm 8% quỹ học phí. Nhà trường căn cứ vào kết quả học tập của sinh viên để cấp học bổng.

Trường cách Hà Nội khoảng 18km. Cơ sở vật chất khá tốt với 2 cơ sở: mỗi cơ sở khoảng 3ha và đang triển khai xây dựng cơ sở 3 với khoảng 11ha.

Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Tài chính - Hải quan cho biết: Học phí của trường theo khung nhà nước khoảng 124.000 đồng/tín chỉ, khoảng 5,8 triệu đồng/năm.

Từ học phí, trường trích 10% cho quỹ học bổng. Trường có 2 cơ sở ở Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận và ở Tăng Nhơn Phú A, quận 9. KTX của trường có sức chứa khoảng 2.400 sinh viên. Một năm dành khoảng 1.500 chỗ đón sinh viên mới.

 
Cô Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó trưởng phòng tổ chức Trường ĐH Tài chính - Marketing - Ảnh: Khả Hoà

Cô Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó trưởng phòng tổ chức Trường ĐH Tài chính – Marketing cho biết: Từ năm 2012, trường thu học phí theo tín chỉ với mức 220.000 đồng/ tín chỉ, trung bình là 120 tín chỉ/4 năm học.

Sinh viên tự đăng ký, một học kỳ không dưới 14 tín chỉ. Tùy theo đăng ký tín chỉ mà nhà trường tính toán tổng mức thu học phí mỗi học ký hoặc hằng năm.

Chế độ chính sách, miễn giảm học phí thì nhà trường thực hiện theo đúng thông tư 79 của Chính phủ. Học sinh giỏi hoặc xuất sắc được hỗ trợ học bổng khoảng 6,5 triệu đồng/năm. Ngoài ra còn có hỗ trợ doanh nghiệp mỗi năm khoảng 5 triệu đồng/sinh viên, trợ cấp khó khăn vào khoảng 1,4 triệu đồng/năm/sinh viên.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi, cho biết: Năm 2014, trường tuyển sinh bậc ĐH có chỉ tiêu tuyển sinh 1.250 SV, thi tuyển khối A, A1, D1 (theo phương thức 3 chung); bậc CĐ có chỉ tiêu tuyển sinh 350 SV, xét tuyển khối A, A1, D1 và liên thông từ CĐ lên ĐH hệ chính quy có chỉ tiêu tuyển sinh 100 SV, thi tuyển khối A, A1, D1 (theo phương thức 3 chung).

Ngành đào tạo bậc ĐH của trường gồm: quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán, kinh doanh quốc tế, kiểm toán.

Học phí của trường theo khung học phí Nhà nước quy định là 124.000 đồng/tín chỉ. Mỗi năm, trường dành 1,2 tỉ để chi học bổng cho sinh viên. Ngoài ra, còn có học bổng của các nhà tài trợ.

Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing tư vấn: Hiện nhà trường có rất nhiều chương trình: chương trình quốc tế là chương trình cao nhất thu hút sinh viên các nước về học vì dạy bằng tiếng Anh. Đối với sinh viên Việt Nam thì phải đạt trình độ tiếng Anh nhất định và được trang bị kỹ năng mềm và kỹ năng tin học ở năm nhất. Năm thứ 2 trở đi sẽ học chuyên ngành và học với sinh viên quốc tế. Học phí khoảng 45 triệu/năm. Tài liệu, giáo trình ở nước ngoài với giáo viên nước ngoài và trong nước.

Chương trình chất lượng cao của trường được thiết kế theo chương trình nước ngoài với nhiều học phần dạy bằng tiếng Anh. Tương tự như chương trình chất lượng cao thì có chương trình đặc biệt hoàn toàn dạy bằng tiếng Việt. Các chương trình này đào tạo theo công nghệ mới, tạo cho sinh viên sự chủ động, tích cực hơn. Ngoài ra trường còn có chương trình đào tạo liên kết quốc tế, học ở trong nước và nước ngoài, học phí tính theo học phí ở nước ngoài.

Một bạn đọc tại hội trường đặt câu hỏi: “Ngành quản trị kinh doanh đòi hỏi những tố chất gì để học tốt? Khả năng kiếm việc làm sau khi ra trường như thế nào?”

NGƯT - tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Quản trị kinh doanh Hưng Yên, tư vấn: để học và làm việc tốt ngành quản trị kinh doanh thì người học cần tố chất năng động, sáng tạo, mạnh mẽ và có năng khiếu về quản lý.

Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, bổ sung thêm: sinh viên học ngành này muốn thành công cần tự tin, mạnh dạn và có phong cách nói chuyện trước công chúng.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi cho biết thêm: nhà trường vừa thiết lập liên kết với trường ĐH Nam Luzon - Philippines (chủ yếu đào tạo giảng viên), ĐH quốc gia Jeju - Hàn Quốc, ĐH Victoria - New Zealand. Sắp tới nhà trường sẽ chọn những sinh viên giỏi sang các trường Nam Luzon, Victoria để tham gia đào tạo liên thông.

Ngoài ra, trường cũng có đào tạo liên thông từ cao đẳng lên ĐH với 100 chỉ tiêu/năm.

Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Tài chính - Hải quan, cho biết, hiện nay theo quy định về việc liên thông từ CĐ lên ĐH, đối với sinh viên nào đã tốt nghiệp CĐ sau 36 tháng, muốn liên thông tiếp lên ĐH thì có thể tham gia kỳ thi tuyển sinh liên thông riêng; đối với sinh viên CĐ tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng muốn học ĐH thì vẫn đăng ký dự thi trong đợt tuyển sinh ĐH.

Mời các bạn xem clip buổi trực tuyến:

THANH NIÊN ONLINE

>> Thi khối ngành công nghệ - viễn thông: Rất cần nhân lực trình độ cao cho tương lai
>> Thi khối ngành y, dược, sức khỏe và nông lâm: Thí sinh cân nhắc thật kỹ
>> Thi khối ngành khoa học xã hội - nhân văn, sư phạm: Nhu cầu xã hội rất cao
>> Thí sinh chọn khối ngành kinh tế, tài chính, luật: Việc làm trong tầm tay
>> Học lực trung bình khá vẫn có cơ hội vào khối ngành kỹ thuật - công nghệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.