Sừng tê giác - từ Phi sang Á - Kỳ cuối: Huyền thoại và sự thật

27/11/2008 12:30 GMT+7

Trong sừng tê giác có chất gì? Sừng tê giác có thật sự chữa được bá bệnh hay không? Liệu sừng tê giác có giúp được đàn ông chữa bệnh yếu sinh lý? Sau đây là ý kiến của các bác sĩ.

Còn nhiều điều phải bàn cãi

Một số bệnh nhân khi mắc các bệnh nan y như ung thư giai đoạn cuối, các bệnh khó như động kinh, xơ gan, tai biến mạch máu não… thường hỏi thầy thuốc về việc sử dụng sừng tê giác mà họ từng được kinh nghiệm dân gian mách bảo. Những câu chuyện về kinh nghiệm sử dụng sừng tê giác rất nhiều, tuy nhiên thực tế tác dụng như thế nào là điều còn phải bàn cãi.

Một thực tế không thể phủ nhận là y văn từng ghi nhận không ít công dụng của sừng tê giác. Theo các tài liệu cổ, sừng tê giác có vị đắng, chua, mặn, tính hàn, theo cơ chế tác dụng của Đông y là khi uống vào sẽ theo ba đường kinh mạch là tâm - can - vị vào cơ thể. Tác dụng của nó là làm thanh huyết nhiệt (làm mát), giải ôn nhiệt độc và định kinh, thuộc nhóm thuốc thanh nhiệt giải độc, an thần giảm đau, thường được sử dụng trong khoảng 70 bài thuốc cổ phương, dùng trong các trường hợp sốt quá cao làm co giật, sốt vàng da, nôn ra máu, chảy máu cam, ung độc.

Sừng tê giác từng hiện diện trong các bài thuốc cổ, dùng trong các trường hợp bệnh nhiễm như sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết, viêm gan siêu vi cấp… giai đoạn có sốt cao, phát ban, xuất huyết hay co giật… Riêng ở VN, các tài liệu như Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, hay trong Hải Thượng y tôn tâm lĩnh đều có đề cập sừng tê giác trong một số bài thuốc chữa ban chẩn có sốt cao ở trẻ em.

 
Một chiếc xe trang trí hình sừng tê giác tại Cape Town (Nam Phi) nhằm vận động mọi người bảo tồn loài thú quý hiếm này -Ảnh: Vương Văn Sự

Có gì trong sừng tê giác? Hiện nay người ta chưa rõ hoạt chất của sừng tê giác, nhưng nghiên cứu thành phần hóa học người ta thấy có các chất như keratin, calci carbonat, calci phosphat, khi thủy phân sừng tê giác sẽ cho các acid amin là tyrosin, xystein... và dịch chiết của sừng tê giác cho phản ứng alkaloid (alkaloid là hợp chất hữu cơ có nhiều tác dụng dược lý đặc hiệu, tùy thuộc thành phần và cấu trúc hóa học có thể có tác dụng chống viêm, hạ sốt, hoặc kháng sinh..).

Chính các thành phần hóa học nêu trên giúp lý giải và kiểm chứng được các kinh nghiệm sử dụng sừng tê giác trong điều trị như: độc vị sừng tê giác, mài với nước cho uống dùng trong các trường hợp sốt cao, nôn máu, chảy máu cam, sốt phát ban lên đậu, sởi…; sừng tê giác phối hợp với các dược thảo khác dùng trong các trường hợp sốt nhiễm trùng, bệnh ngoài da có sốt và viêm nhiệt…; kích ngất hay co giật trong trường hợp hạ canxi huyết. Ngoài ra, những trường hợp di mộng tinh hay liệt dương có nguyên nhân do viêm hay nhiễm trùng sinh dục - tiết niệu thì sừng tê giác phối hợp với các dược thảo khác để điều trị cũng là một khả năng... Tuy nhiên, đối với những căn bệnh ung thư, chưa có ghi nhận nào trong y văn cho thấy có thể chữa dứt bởi sừng tê giác.

Chúng ta không phủ định các kinh nghiệm dân gian, đây thật sự là các vốn quý trong kho tàng y học cổ truyền, tuy nhiên đó là khi chưa có kháng sinh, chưa có các thuốc kháng viêm mạnh, có thể dùng bất cứ liệu pháp kinh nghiệm nào để cứu người bệnh kịp thời thì việc sùng bái sừng tê giác  là điều dễ hiểu. Còn ngày nay với sự tiến bộ của y học, người bệnh cần được thụ hưởng sự chữa trị tốt nhất và kiểm soát được từ sự tiến bộ ấy. Công việc còn lại là của các nhà khoa học, cần có những công trình nghiên cứu quy mô và nghiêm túc để bằng chứng hóa tất cả những vốn quý nói trên ứng dụng vào điều trị các bệnh khó, bệnh nan y mà giờ đây vẫn còn là những thách thức lớn của y học.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP.HCM):

Vẫn dựa theo lời đồn đại

Tôi thường nhận thư của độc giả nêu thắc mắc về các vấn đề liên quan đến thuốc và sức khỏe. Một vấn đề thường được hỏi là tác dụng, hiệu quả và cả tác hại của các bài thuốc, vị thuốc được dùng theo kinh nghiệm dân gian. Đặc biệt đối với bài thuốc, vị thuốc có liên quan đến động vật hoang dã thuộc loài quý hiếm cần phải bảo tồn triệt để (như cao hổ cốt, sừng tê giác), tôi chỉ muốn nêu quan điểm là chúng chẳng phải là sinh vật tồn tại chỉ nhằm chữa bệnh cho con người, tiêu diệt chúng chỉ vì “sừng tê giác có thể chữa bệnh yếu sinh lý của nam giới hoặc làm đàn ông đã ngon cơm lại càng ngon cơm hơn” chẳng hạn là tội ác.

Thành phần hóa học chủ yếu của sừng tê giác gồm có keratin, calci carbonat, calci phosphat, protein (có các acid amin điển hình như tyrosin, cystein, thiolactic,…)... Theo báo cáo của Nam Kinh dược học viện Trung Quốc, nước chiết sừng tê giác có phản ứng của alkaloid (là hợp chất thường thấy trong các loại dược thảo cho nhiều tác dụng dược lý khác nhau). Tuy nhiên, cho tới nay thành phần hoạt chất (tức chất cho tác dụng điều trị nào đó) trong sừng tê giác vẫn chưa rõ là gì (theo sách Những cây thuốc và vị thuốc VN của cố GS.TS Đỗ Tất Lợi, Nhà xuất bản Y Học, năm 2000).

Theo sách cổ, sừng tê giác có vị đắng, chua, mặn, tính hàn, đi vào ba kinh tâm, can, vị; có tác dụng mát huyết, giải ôn độc và định kinh; được dùng khi bị sốt cao đưa đến điên cuồng hoặc mê man, sốt vàng da, thổ huyết, nhức đầu, ung độc, hậu bối… Nhưng từ những gì được ghi trong sách cổ, sừng tê giác theo thời gian được dùng theo kinh nghiệm dân gian và được đồn đại, truyền miệng cho đến nay, những tác dụng của sừng tê giác được gán ghép, nhân nhiều lên, thổi phồng để trở thành huyền thoại chữa được bá bệnh. Như sừng tê giác chữa được nhiều loại ung thư là bệnh nan y hoặc chữa một cách “thần sầu” bệnh yếu sinh lý ở nam giới. Và vì thế, sừng tê giác trở thành một vị thuốc rất đắt tiền (hiện nay chỉ thua loại ma túy đắt nhất), và tê giác bị săn lùng, tận diệt một cách không thương tiếc để ngày nay được nêu  trong Sách đỏ cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Cũng xin nói thêm một tác dụng của bài vị thuốc gọi là chữa trị theo kinh nghiệm dân gian hay dùng theo lối truyền miệng, đồn đại nếu không trải qua một nghiên cứu khoa học đúng quy cách chứng thực thì tác dụng ấy không thể gọi là chắc chắn (có người dùng thấy có tác dụng nhưng nhiều người khác dùng lại thấy chẳng tác dụng gì cả, trong khoa học tác dụng ấy được gọi là chẳng có giá trị về mặt thống kê).

Cho tới nay, tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác vẫn dựa theo lời đồn đại, truyền miệng chứ chưa có công trình khoa học nào xác định tính hiệu quả của tác dụng này. Và nếu chưa chứng minh được bằng nghiên cứu khoa học đúng quy cách thì các tác dụng đó chỉ là thêu dệt, chỉ là huyền thoại. Nếu chỉ dựa vào huyền thoại mà con người tìm cách tận diệt một loài thú hoang dã quý hiếm, và việc mua bán lậu sừng của chúng thật ra vì lòng tham lợi nhuận khổng lồ thì phải xem các hành động đó là tội phạm phải trừng trị!

PGS. TS Nguyễn Thị Bay (Đại học Y dược TP.HCM) - Báo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.