Hãng taxi của làng

09/11/2009 11:16 GMT+7

Đại rinh mang về nhà 8 cái xe hơi mới coóng, bà con lối xóm mắt tròn, mắt dẹt, không ít người bảo anh là “thằng dở hơi” mang ba cái xa xỉ đó về làng quê thì chỉ để trưng bày, chứ ai đi. Thế mà, xe của anh vẫn cứ bon bon chạy trên đường làng...

Chỉ làm những điều khác người

Suốt buổi nói chuyện, Lê Vĩ Đại xã Hiệp Sơn huyện Kinh Môn (Hải Dương) cứ nhận mình là…“thằng lì”. Lì ở chỗ thích là làm, không sợ khó, không sợ thất bại, và toàn làm những việc không “đụng hàng” với ai.

Sinh năm 1976, anh là con cả trong gia đình có ba anh em, bố mẹ đều làm nông, ở một trong 17 xã miền núi của huyện Kinh Môn (Hải Dương).

Năm 2000, anh tốt nghiệp trường Trung cấp Mỹ thuật Hải Dương, về nhà vay mượn anh em, bạn bè 30 triệu mở hiệu ảnh và dịch vụ in, quảng cáo. Đó là một trong những cách thức làm ăn mới mẻ ở miền quê của anh hồi đó.

Anh đôn đáo đi chụp ảnh khắp các đám cưới, đám tang, hội nghị, đâu gọi là đi. Đi đến đâu anh cũng la cà giới thiệu mời gọi khách hàng sử dụng dịch vụ in phun, quảng cáo của cửa hàng.

Với con mắt nghệ thuật của người học mỹ thuật, anh đã thuyết phục được khách hàng qua những sản phẩm đẹp, bắt mắt. Uy tín của anh ngày càng lan xa, có những khách hàng ở tận Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh… đều tìm đến và mọi người quen gọi anh là “Đại quảng cáo”.

Năm 2003, “trúng quả” với hợp đồng quảng cáo hơn trăm triệu đồng, anh đầu tư mua một máy cắt chữ (đó là chiếc máy thứ 5 của tỉnh Hải Dương), máy vi tính và máy photo, mở thêm dịch vụ photocopy tại nhà.

Ở quê anh, hồi đó, chưa có loại hình dịch vụ này, mỗi lần ai có nhu cầu là phải lên tận thành phố rất mất công, mệt người. Quả không sai, cơ sở photocopy của Lê Vĩ Đại tấp nập người vào ra. Công việc làm ăn ngày càng tiến triển thuận lợi, nguồn vốn cũng khá rủng rỉnh.

Anh tâm sự: “Rất khó chịu khi để đồng tiền nằm yên trong túi, muốn “tống” đồng vốn của mình vào một dự án nào đó vừa thiết thực, vừa hoành tráng”. Bao đêm nằm vắt óc suy nghĩ, anh nảy ra ý nghĩ mở dịch vụ taxi phục vụ nhân dân, vì dịch vụ này ở quê chưa ai làm.

“Đại taxi”

Khi Đại trình bày kế hoạch mở dịch vụ taxi tại nhà với mọi người, vợ và người nhà anh đều phản đối, cho rằng việc đó là hoang đường, ở miền quê còn nhiều nghèo đói này. Nhưng anh vẫn tự tin sẽ thành công.

Bao năm lăn lộn đi làm quảng cáo, chụp ảnh, photocopy anh ngộ ra một điều “kinh doanh quan trọng là biết đánh trúng tâm lý, biết đầu tư cái mới chứ không chỉ thấy người khác làm thành công mà học theo”.

Với quan điểm đó, đầu năm 2007, anh bắt tay vào mở dịch vụ taxi phục vụ nhân dân. Một ngày đẹp trời, anh mang về nhà 8 xe hơi mới cóng xếp thành một dãy dài trước ngõ, bà con lối xóm mắt tròn, mắt dẹt, không ít người bảo anh là “thằng dở hơi” mang ba cái xa xỉ đó về làng quê thì chỉ để trưng bày, chứ ai đi.

Gạt ngoài tai tất cả, anh lăn lộn ngày đêm cho kế hoạch mới, đầu tiên là quảng cáo. Với sở trường bao năm, anh in tờ rơi đi phát khắp nơi, treo cả pano, áp phich quảng cáo, rồi vào từng bệnh viện, trường học, cơ quan hành chính đặt vấn đề…

Câu “taxi Đại Cường phục vụ 24/24 gọi là có” trở nên quen thuộc với đông đảo người dân. Bắt đầu một người dùng thử, rồi hai người, ba người… Đối tượng khách chủ yếu vẫn là nhân viên văn phòng, khách đến làm việc, cán bộ, công nhân vùng lân cận.

Ba tháng sau, anh mua thêm 6 chiếc nữa, tổng cộng là 14 chiếc.

Từ chỗ là một doanh nghiệp tư nhân, năm 2008 anh xây dựng thành công ty Cổ phần thương mại và xuất nhập khẩu Đại Cường.

Năm 2008 là năm đầy khó khăn, thách thức với anh. Khủng hoảng kinh tế, xăng dầu tăng giá, giá cả tăng vọt, biến động khôn lường, khách hàng quay ra hờ hững với taxi của anh.

Đứng trước nguy cơ phá sản, anh kêu gọi anh em lái xe không bỏ cuộc, cố gắng cầm cự với mức thu nhập 1,5 triệu đồng mỗi tháng, nếu không đủ anh sẽ bỏ tiền túi bù, kiên quyết không bỏ cuộc.

Và anh đã đúng, Cty đã qua giai đoạn khó khăn, đưa uy tín của taxi Lê Vĩ Đại lan xa, giờ mọi người gọi anh là “Đại taxi”. Hiện tại, anh đang giải quyết việc làm cho 30 thanh niên nông thôn với mức thu nhập 2,5 đến 3 triệu đồng/1 tháng. Doanh thu hàng năm của công ty đạt khoảng 3 tỷ đồng.

Anh cho biết: “Đang chuẩn bị “tậu” về 10 xe hơi nữa để mở rộng kinh doanh”.

Xây dựng một gara ô tô trên diện tích 1.500m2 vào năm 2010 là kế hoạch mà anh đã chuẩn bị khá kỹ.

Và, ước mơ không dừng lại ở đó, anh muốn trong tương lai không xa, anh sẽ xây dựng được một siêu thị mini gia đình phục vụ cho người dân nơi đây.

Theo Nguyễn Hà - Lưu Trinh (Tiền Phong)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.