Bộ trưởng Lê Doãn Hợp trả lời về quản lý internet, hạ tầng viễn thông

17/11/2009 16:05 GMT+7

(TNO) Đăng đàn vào chiều nay 17.11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp đối mặt với các câu hỏi liên quan tới quản lý internet, báo chí và cơ sở hạ tầng viễn thông.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, quản lý hoạt động internet lỏng lẻo, những trò chơi game bạo lực đã ảnh hưởng không tốt đến đời sống xã hội. “Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trong việc quản lý nhà nước và có biện pháp gì khắc phục?".

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: “Chúng tôi làm quản lý cũng rất quan tâm. Tôi đã ngồi với các chuyên gia kỹ thuật của ngành không biết bao nhiêu cuộc, đi nước ngoài tôi cũng để ý nhưng đến thời điểm này thì vấn đề đã rõ, rõ ràng quản lý là khó khăn”.

Về quản lý nhà nước, Bộ trưởng Hợp cho biết, Bộ đã ban hành nhiều văn bản để có công cụ quản lý. Ngoài ra, người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông còn đề cập tới các biện pháp khác như tăng cường xử lý vi phạm, sử dụng biện pháp kỹ thuật. Theo Bộ trưởng, hiện nay cả nước có khoảng 2 vạn đại lý internet, ngành đã kiểm tra được 14%, phát hiện ra khoảng 30% đại lý vi phạm và tất cả các trường hợp vi phạm đã được xử lý. “Sử dụng kỹ thuật chỉ là biện pháp cần thiết thôi, vì khi sử dụng sẽ gây ách tắc, giống như trong giao thông khi có nhiều barie thì tốc độ lưu thông chậm”, Bộ trưởng Hợp nhấn mạnh.

Hai yếu tố rất quan trọng trong việc ngăn chặn những trò chơi độc hại trên internet được Bộ trưởng nhắc tới là nâng cao trách nhiệm cá nhân và sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp. “Chính quyền địa phương các cấp mà không vào cuộc thì cấp trên sẽ khó khăn”, Bộ trưởng Hợp nói.

Về quản lý báo chí và xử phạt những vi phạm liên quan tới báo chí, Bộ trưởng nói: “Vi phạm của báo chí trong việc đưa tin sai sự thật đã giảm so với trước, quản lý báo chí có tiến bộ. Báo chí đã đồng hành cùng dân tộc và cổ vũ dân tộc”.

ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) chất vấn, việc lắp đặt các trạm phát sóng (trạm BTS) của các doanh nghiệp có ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân? Bộ trưởng cung cấp thông tin, hiện nay cả nước có khoảng 42 nghìn trạm BTS, và trong thời gian tới thì các trạm BTS sẽ tiếp tục được lắp đặt thêm vì các doanh nghiệp phát triển thêm thuê bao và triển khai mạng 3G, 4G. “Bộ đã kiểm tra 25 nghìn trạm BTS, 95% là đạt yêu cầu. Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy trạm BTS có ảnh hưởng tới sức khỏe con người, nếu đảm bảo lắp đặt đúng thiết bị”.

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) hỏi: “Liệu những trạm chưa được kiểm tra và những trạm đã kiểm tra nhưng không đạt chất lượng có ảnh hưởng tới sức khỏe?". Bộ trưởng: “5% kiểm tra chưa đạt thì cho dừng hoạt động, chỉnh sửa để kiểm tra lại, đạt tiêu chuẩn mới hoạt động”.

Những bất cập trong quản lý thuê bao di động trả trước cũng được ĐBQH đặt lên bàn nghị trường. Bộ trưởng cho biết, hiện nay cả nước có 140 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có 16 triệu thuê bao cố định, 4 triệu thuê bao trả sau, còn lại là trả trước. Bộ trưởng thừa nhận: “Quản lý điện thoại trả trước là cực kỳ khó khăn. 97% có đăng ký nhưng đăng ký không chính xác và không có chế tài”. Theo Bộ trưởng, những bất cập trong quản lý thuê bao di động trả trước sẽ được khắc phục khi Bộ Công an hoàn thành và đưa vào sử dụng chứng minh thư điện tử.

ĐB Nguyễn Đức Hiền đặt câu hỏi: “Trên các phố của Hà Nội nhằng nhịt các loại dây, trong đó có "đóng góp" của ngành viễn thông, Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục?". Bộ trưởng: “Bộ nhận thức vấn đề này khá rõ, khi phát biểu xây dựng luật quy hoạch đô thị, chúng tôi đã đề nghị có quy định về ngầm hóa. Tất cả các đô thị mới đều chỉ đạo là đô thị không dây. Tháng 5.2009, tôi đã làm việc và ký biên bản ghi nhớ làm ngầm hóa với Hà Nội. Tháng 5.2008, chúng tôi cũng đã làm với TP.HCM. Như vậy là làm đồng bộ”.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.