Chat - ấm êm và khủng hoảng

30/12/2010 09:31 GMT+7

Thời đại công nghệ, nhiều cặp vợ chồng đã biết sử dụng internet để giải quyết các vấn đề gia đình. Tránh cãi nhau trước mặt con cái, bố mẹ già, họ tìm đến chat. Muốn bày tỏ những vấn đề khó nói, lên blog... Nhưng cũng từ đây, hiểm họa ập đến.

Những phương tiện tưởng như vô cảm, đôi khi lại hâm nóng tình yêu cho nhiều gia đình. Những cặp vợ chồng trẻ đưa công nghệ vào cuộc sống hôn nhân một cách hợp lý sẽ giữ ấm được hạnh phúc. Còn những người quá lạm dụng hoặc mải mê với chat và blog cũng gặp những kết cục đáng buồn.

Không cãi nhau trước mặt con
 
Tôi đã sống cùng nhà với hai cô chú hơn 5 năm nay, nhưng thú thật chưa bao giờ tôi nghe vợ chồng nhà này to tiếng với nhau. Nhân lúc nhà chỉ có hai cô cháu, tôi tò mò hỏi cô: Bí quyết nào mà giữ được gia đình ấm êm vậy?
Cô cười bảo: Có bí quyết gì đâu, chẳng là nhà cô chú diện tích hơi nhỏ, cô chú không có được khoảng riêng tư để “đóng cửa dạy nhau”.
 
Hai đứa con lại bước vào tuổi biết nhận thức mà chúng lại rất nhạy cảm, bất cứ lời nói, cử chỉ bóng gió nào của cha mẹ, bọn trẻ cũng có thể đoán được tâm trạng, cho nên cô chú rất ý tứ. Vả lại, tính cô vốn kiệm lời lại mau nước mắt, giận chuyện gì nói tiếng trước tiếng sau là nghẹn ngào đổ lệ nên không thể tranh luận tiếp, nhiều lần cô phải ấm ức chịu thua vì không thể bảo vệ được quan điểm của mình. Nên “kinh nghiệm chiến trường” là cô không bao giờ tranh luận trực diện với chú.
 
Cô chú ai cũng đi làm, cả ngày áp lực công việc khá căng thẳng, về tới nhà phương pháp xả stress tốt nhất là nghỉ ngơi hoặc chơi đùa cùng các con. Đã mệt mỏi mà còn phải nghe càm ràm chuyện này chuyện nọ rất dễ nổi cáu, dù ai đúng, ai sai chưa biết vì thế cả hai rất tránh việc này. Được cái vợ chồng cô chú ai cũng làm việc trên máy tính, lúc đầu những gì cần “thảo luận” cô gửi gắm qua email nhưng việc này cũng không mấy thuận tiện vì phải chờ “đối phương” check mail trả lời, gặp những chuyện cần giải quyết gấp cũng phiền toái.
 
Biết tính chú ngồi vào máy tính là mở Yahoo! Messenger, công cụ này chú vẫn thường sử dụng để điều khiển nhân viên công ty rất tinh tế, hiệu quả và cũng chính nhờ nó mà ngày xưa chú đã “cưa đổ” cô để trở thành vợ chú bây giờ, thế là cô tiếp tục phát huy triệt để tính năng đó. Bất cứ chuyện gì cô chú cũng có thể trao đổi với nhau một cách dễ dàng: “Ba ơi, hồi sáng đưa Bi đến trường mấy giờ?”, “Bin ăn sáng với gì?”, “Chiều nay ba có ăn cơm nhà không?” hoặc “Mẹ ơi, có về không, ba ghé chở cho”...
 
Đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm cần phải đấu lý căng thẳng, cô chú hẹn với nhau giờ nghỉ trưa cùng online để dàn xếp đến khi nào cả hai cũng đồng thuận mới offline. Những việc như thế nếu trao đổi trực diện có thể rất dễ mất lòng hay căng thẳng đến mức có khi dẫn đến “chiến tranh lạnh” nhưng lạ thay, qua công cụ chat này thì ngược lại... Chiều về đến nhà, cô chú còn gút mắc gì nữa đâu mà tháo gỡ để có cơ hội cãi cọ! Theo cô, đây là phương pháp “thượng sách” để bảo vệ... nền hòa bình trong ngôi nhà chúng ta.
 
Vui chat hỏng nhà
 
Anh Hoàng Thanh Chương và chị Vũ Thúy Nga (Giảng Võ, Hà Nội) cùng làm một cơ quan, nhưng anh luôn hậm hực vì chị đi thì thôi chứ ở nhà là ôm máy tính chat chít hoặc lên blog. Anh Chương kể: “Tối nào cô ấy cũng ngồi đến 24 giờ để viết blog. Cô ấy còn sống với thế giới ảo, như đi ăn với nhóm bloggers, đi chơi, xem phim với họ. Mỗi tối đều ghé thăm “nhà” mỗi người để thăm hỏi, tán gẫu. Tôi và con nhiều khi muốn nói chuyện, chơi đùa cũng không được.
 
Đã thế, cô ấy còn chat suốt đêm, mở một lúc chục cái cửa sổ. Cả tối cứ ngồi tủm tỉm với cái máy tính. Sáng ra phờ phạc, chẳng khác nào người ngẩn ngơ. Nhà có người giúp việc nên cuối cùng tôi chẳng còn được vợ chăm. Nói ra thì cãi nhau, bảo tôi ghen tuông vô lối. Nhưng thực sự, ai mà chịu nổi một người tối ngày sống ảo như cô ấy. Chúng tôi đã chia tay vì tôi không thể chịu đựng được hơn.
 
Còn chị Phan Hoài Nam (quận Tân Bình - TPHCM) thì không thể cứu vãn được hôn nhân vì chị trót để chồng phát hiện password vào chat. Thế là chỉ sau một ngày chị đi công tác, anh vào chat và “tán tỉnh” những anh bạn chat của chị. Được lời như cởi tấm lòng, các anh chàng fan chat lâu nay của chị được thể thả lời ong bướm. Anh chồng chat một lúc chịu không thấu, đùng đùng nổi giận, chửi rủa các bạn chat kia. Hôm sau chị về, những cái tát tai đón sẵn. Chị cũng “điên” không kém vì cái trò xâm phạm đời tư thô bạo của chồng nên cũng bỏ nhà ra đi. Thế là tan vỡ một gia đình.
 
Chẳng biết các mối quan hệ ảo thực hư ra sao nhưng hậu quả thì xảy ra rất rõ ràng, đó là hạnh phúc gia đình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu các vấn đề trong thế giới ảo được đưa vào đời thật.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.