ĐKKH với người nước ngoài: Quyền định đoạt nằm trong tay cán bộ tư pháp?

29/11/2006 14:43 GMT+7

Không có văn bản pháp luật nào quy định về trường hợp từ chối vĩnh viễn, không cho nộp lại hồ sơ đăng ký kết hôn" là khẳng định của ông Trần Thất - Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) đối với thắc mắc về việc có địa phương không giải quyết lại các hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài đã bị từ chối trước đây.

Có luật nhưng không ai giải thích luật

Báo Pháp luật TP.HCM  (ngày 15/10) từng phản ánh việc Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh không giải quyết lại các hồ sơ đăng ký kết hôn (ĐKKH) với người nước ngoài đã bị từ chối trước đây, và căn cứ mà Sở đưa ra là từ chỉ đạo qua điện thoại của ông Trần Thất - Vụ trưởng Vụ hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp). Nhưng, ông Trần Thất lại có khẳng định như trên. Cụ thể việc chỉ đạo qua điện thoại được ông Thất giải thích như sau: "Hướng dẫn bằng văn bản thì không có. Tất cả đều trao đổi qua điện thoại thôi. Tôi trả lời thụ lý hay không là quyền của anh. Nếu anh thấy rằng tất cả những lý do lần trước khiến anh từ chối vẫn chưa được khắc phục thì anh có quyền không nhận hồ sơ. Tránh việc nhận rồi không giải quyết, làm khổ dân. Không có quy định nào về việc từ chối vĩnh viễn. Các địa phương chỉ băn khoăn hỏi Bộ rằng sau khi bị từ chối, mấy tháng sau đương sự lại được quyền nộp hồ sơ. Theo tôi, cái đó cũng tùy từng trường hợp cụ thể chứ không thể quy định cứng nhắc được".

* Hồ sơ ĐKKH bị từ chối nếu qua phỏng vấn cho thấy việc kết hôn không phù hợp với thuần phong mỹ tục; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc... Ông có thể giải thích rõ hơn về các khái niệm này

"Trong trường hợp hai người biết nhau qua môi giới nhưng họ có con với nhau thì vẫn phải giải quyết cho họ kết hôn để bảo đảm quyền lợi cho đứa trẻ và người phụ nữ. Nhưng trong trường hợp tương tự mà chưa có con lại có quyền từ chối. Nên tôi nói không thể nào hướng dẫn được mà phải từ suy nghĩ, lương tâm của anh để giải quyết" (Vụ trưởng Trần Thất)
không?

- Ông Trần Thất: Pháp luật có nhiều quy định mà chúng ta không thể lấy thước ra đo hay lấy sách ra để đối chiếu được. Khái niệm "tiến bộ" trong Luật Hôn nhân và gia đình không định nghĩa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền giải thích luật cũng không giải thích. Cái gọi là "thuần phong mỹ tục" cũng tương tự như vậy thôi. Nhưng điều đó không có nghĩa nó không tồn tại trong đời sống xã hội.

* Vậy căn cứ vào đâu để chấp nhận hay từ chối việc ĐKKH, thưa ông?

- Ông Trần Thất: Cán bộ phải phỏng vấn người ta để làm cơ sở quyết định. Nhiều địa phương lại yêu cầu Bộ phải hướng dẫn cụ thể phỏng vấn những nội dung gì, trong trường hợp nào thì chấp nhận và trường hợp nào không... Không thể có chuyện đó! Ba-rem có thể đúng trong trường hợp này nhưng không đúng trong trường hợp khác. Thế nên quy định chung chỉ nêu lên mục đích, nhiệm vụ của anh là phải làm thế nào để đạt được mục đích đó.

Có địa phương kêu không làm được vì khó quá. Xin thưa, nếu anh không làm được thì Bộ cũng không làm được và chúng ta không ai làm được. Đừng có nói là Bộ giỏi hơn Sở, Sở giỏi hơn huyện... Thậm chí anh còn giỏi hơn tôi vì anh có thực tế nhiều. Tôi ở trên này có thể giỏi làm pháp luật vĩ mô, còn giải quyết những vụ việc cụ thể thì làm sao tôi giỏi bằng anh được.

Có tạo nên sự tùy tiện?

* Không có một khung chuẩn, việc đánh giá hoàn toàn dựa vào chủ quan của cán bộ hộ tịch, liệu có tình trạng mỗi nơi một phách và tạo kẽ hở cho sự nhũng nhiễu?

- Ông Trần Thất: Phân cấp là chủ trương rất được coi trọng trong công cuộc cải cách hành chính ở nuớc ta. Việc phân cấp trước hết để thuận tiện cho người dân trên cơ sở cấp này giải quyết là hợp lý và có khả năng để giải quyết. Đã là phân cấp thì phải trao cho người ta quyền. Tất nhiên quyền phải gắn liền với trách nhiệm. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ và phải có cái tâm giải quyết trên quan điểm vì dân.

* Thưa ông, quyền tự do kết hôn của công dân liệu có bị vi phạm khi trao quyền định đoạt cho cán bộ hộ tịch?

- Ông Trần Thất: Chính phủ phải có trách nhiệm bảo hộ cho người dân. Trong trường hợp thấy cuộc hôn nhân đó quá nguy hiểm, không bảo đảm hạnh phúc cho công dân của mình thì Chính phủ phải can thiệp.

Chồng già, vợ trẻ - nơi chấp nhận, nơi từ chối

Tại hội nghị tập huấn Nghị định 69 về kết hôn với người nước ngoài, nhiều ý kiến xoáy sâu vào vấn đề chênh lệch tuổi tác giữa cô dâu Việt Nam và chú rể ngoại.

Chú rể là người nước ngoài, lớn hơn cô dâu 50 tuổi thì Sở Tư pháp giải quyết ra sao? Nhiều đại biểu cho rằng nên từ chối đăng ký kết hôn. Theo họ, cuộc hôn nhân trên không phù hợp với thuần phong mỹ tục, chú rể lớn hơn cô dâu nhiều tuổi, không phù hợp với quan hệ giữa vợ và chồng, giữa bố mẹ vợ với con rể...

Bà Lê Thị Thanh Vân - Trưởng phòng Hộ tịch Sở tư pháp Bình Thuận, đã từng từ chối rất nhiều trường hợp ĐKKH quá chênh lệch tuổi. Có đương sự đưa cho bà cả kiện thư từ chứng minh tình yêu của hai người nhưng vẫn bị từ chối ĐKKH. Bà Vân cho biết từng bị một người đàn ông nước ngoài bắt bẻ: "Căn cứ vào đâu mà bà dám nói chúng tôi vi phạm thuần phong mỹ tục?".

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng từ chối như vậy là quá đáng. Phong tục phương Tây không quan trọng vấn đề chênh lệch tuổi tác của vợ chồng. Đại diện Sở Tư pháp Tiền Giang đồng tình: "Chúng tôi đã công nhận ĐKKH một trường hợp chênh nhau gần 50 tuổi vì cô dâu đã có một thời gian dài chăm sóc mẹ của chú rể". Vị đại diện này đồng ý nên để các Sở Tư pháp tự linh hoạt trong giải quyết vì "100 cặp ĐKKH là 100 điều kiện khác nhau", không thể cứng nhắc theo một khuôn mẫu chung.

Về việc nhận lại hồ sơ đã bị từ chối, mỗi tỉnh có cách xử lý khác nhau và có chênh lệch khá xa. Có nơi chỉ 20 ngày, có nơi 6 tháng, có nơi 1 năm... Ông Nguyễn Thành Thơ, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp giải thích con số 6 tháng, vì thời hạn này tương đối đủ để hai bên học ngoại ngữ để có thể giao tiếp với nhau bằng một ngôn ngữ chung. Nhưng trong trường hợp hai bên bị từ chối lần hai, lần ba... vì không đạt yêu cầu "giao tiếp bằng một ngôn ngữ chung" thì Đồng Tháp băn khoăn không biết phải hẹn họ lại bao lâu.

Đại diện Sở Tư pháp Ninh Thuận thì cho rằng không nên quy định thời hạn bao lâu sẽ nhận lại hồ sơ; nên để ngỏ để khi nào đương sự thấy mình đủ khả năng thì quay lại phỏng vấn.

Ông Trần Thất cho biết, không có quy định nào về việc này, tùy theo vụ việc cụ thể mà các địa phương có cách giải quyết phù hợp.

Như vậy có trường hợp nào sẽ bị từ chối vĩnh viễn không? Ông Trần Thất giải đáp về luật thì không nhưng trên thực tế sẽ có. Đó là những trường hợp kết hôn bị từ chối vì những lý do không thể khắc phục được.

Theo Báo Pháp luật TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.